Để trả lời các câu hỏi trên, Thanh Niên đã phỏng vấn ông Dov S.Zakheim (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và hiện đang là chuyên gia của cơ quan nghiên cứu CNA ở nước này), và một cựu sĩ quan hải quân từng giữ vị trí then chốt về tình báo quân sự của Mỹ tại các khu vực Thái Bình Dương, vùng Balkan.
Lực lượng Ukraine khai hỏa lựu pháo ở vùng Kharkiv |
Reuters |
Không bên nào thực sự chiếm lợi thế
Ông đánh giá thế nào về tình hình xung đột ở Ukraine sau 5 tháng Nga tiến hành chiến dịch quân sự?
Ông Dov S.Zakheim: Người Ukraine đã cầm cự lâu hơn chính quyền Nga từng nghĩ. Tinh thần của Kyiv đã rất tốt. Với việc Mỹ gửi hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine đã tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc chiến. Ukraine đã thực sự gây thiệt hại cho phía Nga. Giờ đây, Mỹ sẽ gửi thêm nhiều tên lửa tiên tiến HIMARS và có thể cả máy bay chiến đấu thì càng có nhiều cơ hội tăng cường thực lực và thúc đẩy tinh thần của Ukraine cao hơn nữa.
Cựu sĩ quan tình báo: Tình hình hiện tại trì trệ về mặt chiến lược, mà không bên nào thực sự chiếm lợi thế toàn cục về chiến thuật hoặc tác chiến. Cả hai bên đều đang nỗ lực để làm suy yếu ý chí chính trị của đối phương.
Nga có lợi thế về hỏa lực lớn hơn với pháo binh và tận dụng để tấn công ồ ạt vào các đô thị. Moscow dường như đang hy vọng làm suy giảm khả năng và tinh thần quân sự của Kyiv bằng cách gây ra những tổn thất nặng nề liên tục nhằm vào Ukraine.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm cách hạn chế nguồn cung cấp khí đốt là nhằm gia tăng áp lực khiến châu Âu ngừng hỗ trợ Ukraine. Cần chờ thêm thời gian để xem mục tiêu này của Moscow tác dụng đến đâu.
Ngược lại, chiến lược của Ukraine dường như là giữ vững lãnh thổ trong khi tránh thương vong, đồng thời tấn công vào các hạ tầng, nguồn lực của quân đội Nga. Việc có được HIMARS và các loại vũ khí chính xác tầm xa khác đã mang lại cho Ukraine khả năng tấn công vào các trung tâm hậu cần, chỉ huy, kiểm soát và trung chuyển là những hạ tầng, nguồn lực quan trọng của quân đội Nga. Bằng chứng về sự thành công đó của Kyiv thể hiện ở việc Moscow kêu gọi tiêu diệt các phương tiện tấn công tầm xa đó và những lời đe dọa của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đối với phương Tây vì đã cung cấp những vũ khí trên.
Nga sẽ gặp phải một số vấn đề nội bộ vì Tổng thống Putin vẫn tuyên bố đây là một cuộc chiến tranh chính thức cũng như huy động tất cả các nguồn lực của đất nước cho cuộc chiến. Khi gặp phải tổn thất nặng nề, tinh thần của quần chúng sẽ bắt đầu suy giảm nếu mùa hè không kết thúc với một số thành công thuyết phục về mặt quân sự.
Lược đồ thế trận Nga - Ukraine đến ngày 21.7 |
Viện Nghiên cứu chiến tranh |
Thời cơ để Trung Quốc tăng cường hoạt động
Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine có thể tác động như thế nào đến địa chính trị khu vực Đông Á?
Ông Dov S.Zakheim: Rõ ràng Trung Quốc đang theo dõi sát sao các diễn biến chiến sự Ukraine. Các bên đang chứng kiến cách mà Mỹ cùng phương Tây vừa hỗ trợ Ukraine cũng như trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Cần lưu ý rằng Mỹ không có cam kết chính thức dưới bất kỳ hình thức nào đối với Ukraine, nhưng có cam kết với Đài Loan. Ngoài ra, Nhật Bản cũng ủng hộ Đài Loan hơn bao giờ hết. Trung Quốc sẽ phải thận trọng, và sẽ tiếp tục xem cuộc chiến với Nga cuối cùng sẽ kết thúc như thế nào.
Mỹ xác nhận 2 công dân tử trận ở miền đông Ukraine
Giới chức Mỹ ngày 22.7 xác nhận hai công dân nước này được cho là chiến đấu cùng với lực lượng Ukraine chống lại lực lượng Nga đã thiệt mạng ở miền đông Ukraine.
Cụ thể, đài ABC News dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: “Chúng tôi có thể xác nhận cái chết gần đây của hai công dân Mỹ ở vùng Donbass của Ukraine. Chúng tôi đang liên lạc với gia đình và cung cấp tất cả những hỗ trợ lãnh sự có thể”.
Đến nay, ít nhất 2 công dân khác của Mỹ đã thiệt mạng ở Ukraine và 2 người khác bị lực lượng Nga bắt giữ, theo tờ New York Post. Văn Khoa
Cựu sĩ quan tình báo: Xung đột Nga - Ukraine có 3 tác động đến địa chính trị của Đông Á.
Thứ nhất, cuộc xung đột phân tán sự chú ý và nguồn lực của phương Tây ra khỏi châu Á, khiến Trung Quốc có thời cơ hành động ở Biển Đông và các nơi khác ở châu Á.
Tác động thứ hai và lâu dài hơn là đối với các kế hoạch của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc (PLA) đang nghiên cứu cuộc xung đột ở Ukraine để rút ra những bài học có thể áp dụng cho các yêu cầu quân sự của Trung Quốc. Việc Nga và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác có thể khiến châu Á đáng lo hơn, khiến nhiều bên trong khu vực phải tăng cường nguồn lực quân sự. Về mặt chính trị, Trung Quốc có thể đánh giá phương Tây thiếu ý chí chính trị và sự thống nhất nếu xảy ra xung đột với một đối thủ hùng mạnh. Trung Quốc có thể leo thang hơn nữa các hoạt động quân sự nhằm vào Đài Loan, hay tăng cường hoạt động quân ở Biển Đông.
Tác động thứ ba là sự gián đoạn kinh tế. Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, xuất khẩu khí đốt của Nga, thương mại của Trung Quốc với châu Âu và vận tải hàng hải vào nam Âu đều bị gián đoạn.
Ông dự báo thế nào về diễn biến chiến sự Ukraine trong những tháng tới và thậm chí là về lâu dài?
Ông Dov S.Zakheim: Nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, Nga sẽ không thể đạt được các mục tiêu đề ra và Ukraine có thể giành lại lãnh thổ đã mất.
Cựu sĩ quan tình báo: Tôi tin rằng Nga đang hy vọng rằng chiến lược hiện tại sẽ mang lại cơ hội vào giữa tháng 8, khi đẩy mạnh tấn công vào các khu vực quan trọng ở miền đông Ukraine. Khi đó, kịch bản của Moscow có lẽ là bao vây các thành phố và thị trấn quan trọng để các địa phương này rơi vào tình trạng bị bao vây khi mùa mưa bắt đầu trở lại vào cuối tháng 9. Việc bao vây các thành phố đó sẽ làm gia tăng áp lực chính trị đối với chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong việc tìm kiếm thỏa thuận hòa bình.
Ukraine sẽ tiếp tục tấn công vào các cơ sở chỉ huy và kiểm soát, các trung tâm hậu cần và trung chuyển của Nga, đồng thời tìm kiếm các khu vực bị lỏng lẻo trong phòng tuyến của Nga nhằm kiếm lợi thế.
Xem nhanh: Chiến dịch của Nga ngày 150, Ukraine có hy vọng 'ngược dòng' với vũ khí phương Tây |
Bình luận (0)