Chiến sự ngày 278: Ukraine đang chuẩn bị ‘giành lại Crimea’?

Khánh An
Khánh An
29/11/2022 06:00 GMT+7

Trong bối cảnh xung đột tiếp diễn tại nhiều nơi ở Ukraine, một cựu sĩ quan cấp cao của nước này hé lộ về kế hoạch giành lại Crimea của Ukraine.

Căn cứ quân sự của Nga tại Novoozernoye, Crimea

reuters

Đài RT ngày 28.11 dẫn lời một cựu tư lệnh quân đội Ukraine cho rằng lực lượng của nước này chuẩn bị tấn công để giành quyền kiểm soát Crimea, bán đảo sáp nhập Nga vào năm 2014.

Cựu tư lệnh lực lượng đổ bộ đường không của Ukraine, ông Mikhail Zabrodsky, cho biết kế hoạch dự định sẽ tiến hành vào năm 2023, theo tờ The Economist.

Ukraine lên kế hoạch 'tái kiểm soát' Crimea vào năm 2023

Ông cho biết chiến dịch sẽ không phải là việc tấn công trực diện mà sẽ là sự kết hợp của các lực lượng bộ binh, đổ bộ và không kích, bao gồm việc dùng các máy bay không người lái (UAV). “Chúng tôi sẽ khiến mọi người ngạc nhiên nhiều lần nữa”, theo ông Zabrodsky.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Ukraine cần phải thắng nhiều trận nữa trước khi quân đội cân nhắc thời gian tấn công Crimea. Cựu sĩ quan này cho biết ông thân cận với những quan chức hoạch định quân sự tại Kyiv.

Đài RT dẫn lời giới chuyên gia quân sự cảnh báo rằng nỗ lực giành lại Crimea hoặc các vùng lãnh thổ ở Donbass của Ukraine có thể khiến Kyiv phải trả giá và khiến Moscow leo thang, thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Nga tấn công tại 9 tỉnh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Nga sẽ sớm giáng loạt không kích kế tiếp nhằm vào lãnh thổ nước này, trong khi Nga bác bỏ đồn đoán cho rằng lính Nga chuẩn bị rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 277, tổng thống Ukraine nói Nga chưa hết tên lửa, NATO kêu gọi thành viên vượt khó ủng hộ Kyiv

Trong khi đó, TASS dẫn lời ông Vladimir Konstantinov, người đứng đầu nghị viện Crimea, hôm 28.11 kêu gọi quân đội Nga tiếp tục tấn công các cơ sở hạ tầng then chốt của Ukraine, cho đến khi nào đối phương hạ vũ khí.

Tờ Kyiv Independent dẫn thông tin từ quân đội Ukraine ghi nhận các lực lượng Nga đồng loạt giáng đòn tấn công vào 9 tỉnh của Ukraine trong ngày 27.11, bao gồm Donetsk, Luhansk, Kharkiv, Kherson, Zaporizhzhia, Chernihiv, Sumy, Mykolaiv và Dnipropetrovsk.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Anh cảnh báo hầu hết Kherson đang nằm trong tầm pháo binh Nga. Trong đó, thành phố Kherson chủ yếu trúng pháo phóng loạt BM-21 Grad của đối phương.

Ngoại trưởng 7 nước đến Kyiv

Reuters tối 28.11 đưa tin ngoại trưởng 7 nước vùng Baltic và Bắc Âu đến Kyiv để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine đang chật vật đối phó tình trạng mất điện do Nga tấn công cơ sở hạ tầng.

Chuyến thăm của các nhà ngoại giao Estonia, Iceland, Latvia, Lithuania, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển diễn ra trước cuộc họp của ngoại trưởng các nước NATO tại Bucharest (Romania) từ ngày 29-30.11.

Lãnh đạo NATO thừa nhận châu Âu đang sắp đối mặt với "thời điểm khó khăn" vì xung đột Ukraine

“Thông điệp mạnh mẽ nhất từ chuyến thăm này là Ukraine cần phải thắng cuộc chiến và do đó sự hỗ trợ của phương Tây phải mạnh mẽ hơn, nhiều vũ khí hạng nặng hơn, thậm chí cả những tên lửa tầm xa”, theo Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu trả lời Reuters. Ông kêu gọi cấm vận mạnh mẽ hơn nhằm vào Nga.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết phái đoàn đến Kyiv với sự đoàn kết cùng Ukraine, đồng thời bày tỏ lòng tin rằng Ukraine sẽ chiến thắng.

Viết trên Twitter, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho hay ngoại trưởng các nước “đã thảo luận về việc siết các lệnh cấm vận, tái thiết hạ tầng năng lượng và hỗ trợ tài chính”.

Lo ngại mùa đông Ukraine

Phát biểu với báo giới trước cuộc họp ngoại trưởng NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg của liên minh này cho rằng Nga sẽ tiếp tục tấn công vào hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Ông cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin “cố gắng sử dụng mùa đông như vũ khí chống Ukraine”.

Cũng tại buổi họp báo chung với ông Stoltenberg ở Bucharest, Tổng thống Romania Klaus Iohannis cho rằng quyết định tăng cường các binh sĩ và thiết bị quân sự của NATO ở sườn đông đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid cần triển khai ngay.

New York Time: Hầu hết thành viên NATO đã hết vũ khí viện trợ cho Ukraine

Theo công ty điện lực Ukrenergo của Ukraine, việc áp dụng cúp điện khẩn cấp đã được tiến hành trên cả nước tại nhiều nhà máy điện, trong khi tình trạng thiếu hụt điện ở mức khoảng 27%.

Trong khi đó, công ty mua bán năng lượng quốc gia Ukraine EKU đã tiến hành thử nhập khẩu 1 MW điện từ Romania hôm 27.11. Công ty này cho rằng đây có thể là công cụ giúp Ukraine ổn định hệ thống điện.

Nga cương quyết kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia

Một ngày trước, ông Petro Kotin, Tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine, nói rằng đã nhận được thông tin cho thấy quân Nga có dấu hiệu rút khỏi nhà máy Zaporizhzhia.

“Không cần thiết phải tìm kiếm những dấu hiệu mà trên thực tế chẳng có bóng dáng, và cũng chẳng thể nào có việc này”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 28.11.

Quân Nga sắp rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Còn cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak vào cuối ngày 27.11 cho rằng không sớm thì muộn lực lượng Nga sẽ rút khỏi nhà máy điện hạt nhân. “Tuyến phòng thủ (của Nga) đang bắt đầu rút về hướng biên giới của Liên bang Nga”, ông Podolyak phát biểu trên truyền hình Ukraine.

Vũ khí mới lộ diện

Theo Reuters, chính phủ Mỹ đang cân nhắc đề nghị của tập đoàn Boeing về việc cung cấp loại vũ khí chính xác, giá rẻ cho Ukraine trong bối cảnh phương Tây vất vả tìm vũ khí để đáp ứng nhu cầu của Kyiv.

Boeing đã gửi đề xuất cho Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM) về việc cung cấp loại vũ khí có tên Bom đường kính nhỏ phóng từ trên bộ (GLSDB), có tầm bắn 150 km cho Ukraine.

Mỹ xem xét cung cấp vũ khí có tầm bắn 150 km cho Ukraine

GLSDB là loại vũ khí dẫn đường bằng hệ thống định vị GPS, có thể vượt qua một số hệ thống gây nhiễu và hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết, có thể chống lại các phương tiện bọc thép. Loại vũ khí này do hãng Saab (Thụy Điển) và Boeing (Mỹ) hợp tác sản xuất, được phát triển từ năm 2019.

Nếu được duyệt thi hành, Boeing ước tính sớm nhất là vào mùa xuân năm sau sẽ bắt đầu gửi GLSDB cho Ukraine.

Xem thêm: Mỹ xem xét cung cấp vũ khí có tầm bắn 150 km cho Ukraine

Kremlin phản hồi đề xuất của Vatican

Cũng trong ngày 28.11, Điện Kremlin bày tỏ sự hoan nghênh trước đề nghị của Vatican làm trung gian đàm phán với Ukraine nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, Nga nhận định quan điểm của chính quyền Kyiv hiện tại khiến khả năng này vô phương diễn ra.

Mười ngày trước, Giáo hoàng Francis của giáo hội Công giáo bày tỏ Vatican sẵn sàng làm mọi điều cần thiết để chấm dứt chiến sự giữa Ukraine và Nga, theo nhật báo La Stampa của Ý.

Châu Âu bức xúc vì Mỹ "hưởng lợi nhiều nhất" từ xung đột Ukraine

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một số nước bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Trung Quốc đều đề nghị làm trung gian đàm phán.

Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine khóa chặt mọi viễn cảnh có thể ngồi vào bàn đàm phán, còn Kyiv khẳng định không thương thuyết và từ chối nhượng bộ bất kỳ tấc đất nào trước Nga, bao gồm các khu vực mà Moscow sáp nhập vừa qua.

Xem thêm tình hình chiến sự Ukraine

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.