Chiến sự ngày 273: Nga 'phóng tên lửa dồn dập' sau cáo buộc của tổng thống Ukraine

Văn Khoa
Văn Khoa
24/11/2022 06:03 GMT+7

Nga đã dội tên lửa xuống khắp Ukraine trong ngày 23.11, khiến 3 người thiệt mạng, gây mất điện ở nhiều nơi và buộc Kyiv phải đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân, theo Reuters.

Chính quyền thủ đô Kyiv ngày 23.11 khẳng định các cuộc không kích cùng ngày của Nga khiến ít nhất 3 người chết và 6 người bị thương. “Hậu quả của vụ tấn công là một tòa nhà dân cư hai tầng bị hư hại. Ba người chết và sáu người bị thương", chính quyền quân sự của thành phố Kyiv thông báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Nhân viên cứu hộ làm việc tại vị trí bị cho là trúng tên lửa Nga ở thủ đô Kyiv ngày 23.11

Reuters

Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cũng viết trên Telegram rằng nguồn cung cấp nước đã bị cắt sau cuộc tấn công mới của Nga. Tỉnh trưởng Oleksii Kuleba của tỉnh Kyiv khẳng định toàn bộ tỉnh này đã không có điện sau cuộc không kích của Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, theo Reuters.

Ngoài ra, công ty năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine cho hay tình trạng mất điện đã buộc cho dừng hoạt động của các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Pivdennoukrainsk ở miền nam, cũng như hai nhà máy điện hạt nhân Khmelnitskyi và Rivne ở phía tây.

Xem nhanh: Ngày 272 chiến dịch, Ukraine lại phản công ở miền nam, Anh chuyển tên lửa hiện đại

Phó thủ tướng Moldova Andrei Spuni cũng đã viết trên Twitter rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine trong ngày 23.11 đã gây mất điện trên diện rộng ở Moldova, theo Reuters. Đây là lần đầu tiên một nước láng giềng ghi nhận mức độ thiệt hại lớn như thế từ chiến sự Nga-Ukraine. Đến tối 23.11 chưa có thông tin về phản ứng của Nga.

Xem thêm: Chiến sự đến tối 7.11: Nguy cơ mất điện, Kyiv có thể sơ tán toàn thành phố

Tổng thống Ukraine ra cáo buộc mới chống Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22.11 nói rằng Nga đang cố sử dụng cái lạnh của mùa đông như một “vũ khí hủy diệt hàng loạt” bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng, theo AFP.

"Điện Kremlin muốn biến cái lạnh trong mùa đông này thành vũ khí hủy diệt hàng loạt”, ông Zelensky phát biểu trong cuộc họp của các thị trưởng Pháp qua video.

“Để tồn tại trong mùa đông này và ngăn chặn Nga biến cái lạnh giá thành một công cụ khủng bố, chúng tôi cần rất nhiều thứ”, ông Zelensky nhấn mạnh trong cuộc họp. Ông kêu gọi Hiệp hội các thị trưởng Pháp gửi máy phát điện, hỗ trợ hoạt động khai thác mỏ và thiết bị cho các dịch vụ khẩn cấp và y tế của Ukraine.

Ukraine mất điện diện rộng sau cuộc tập kích tên lửa của Nga

Hôm 21.11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng hàng triệu người Ukraine đang gặp nguy hiểm khi mạng lưới điện của đất nước này gặp khó khăn trước hàng loạt cuộc tấn công của Nga, theo AFP.

Xem thêm: Ukraine đối diện 'những ngày đen tối nhất'

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói Nga thiếu đáng kể đạn pháo

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 23.11 nói rằng các lực lượng Nga đang bị thiếu hụt "đáng kể" các loại đạn pháo dành cho các chiến dịch của họ ở Ukraine, theo Reuters.

Ông Austin còn cho rằng nguồn cung cấp vũ khí dẫn đường chính xác của Nga đã "giảm đáng kể" trong cuộc xung đột kéo dài 9 tháng và Moscow sẽ không thể nhanh chóng thay thế loại đạn dược đó, do những hạn chế thương mại đối với các mặt hàng như vi mạch.

Mỹ gấp rút bổ sung kho dự trữ sau khi đổ vũ khí đến Ukraine

Đến tối 23.11 chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với đánh giá trên của Bộ trưởng Austin.

Xem thêm: Ukraine nói Nga thiếu tên lửa sau tuyên bố của Moscow về kho vũ khí

Châu Âu gọi Nga là ‘nhà nước bảo trợ khủng bố’

Trong một nghị quyết không có yếu tố ràng buộc, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua quyết định gọi Nga là nhà nước bảo trợ khủng bố, dựa trên những cáo buộc Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng và dân sự của Ukraine. Đến nay, chính quyền Moscow vẫn khẳng định lực lượng nước này không tấn công thường dân và bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.

Theo Reuters, 494 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, 58 phiếu chống và 44 phiếu trắng.

NATO nỗ lực củng cố năng lực quân sự ở châu Âu vì cuộc xung đột Ukraine

Nghị viện châu Âu không thể bắt buộc các chính quyền hoặc Ủy ban châu Âu phải tuân theo các đề xuất về chính sách, trong đó bao gồm thay đổi luật của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến nghị quyết này.

Xem thêm: Moscow cảnh báo quan hệ đổ vỡ nếu Mỹ dán nhãn Nga 'bảo trợ khủng bố'

Anh lần đầu gửi trực thăng đến Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo nước này đang gửi những trực thăng đầu tiên cho Ukraine kể từ khi chiến sự bắt đầu, đánh dấu sự đẩy mạnh ủng hộ chính quyền Kyiv trước Nga.

Anh gửi 3 trực thăng Sea King cho Ukraine và chiếc đầu tiên đã đến nơi, theo PA Media. Đây là trực thăng có người lái đầu tiên của Anh cung cấp cho chính quyền Kyiv kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Bộ trưởng Wallace cũng cho biết Anh tiếp tục cung cấp 10.000 đạn pháo cho Ukraine, nhằm hỗ trợ nước này gia cố năng lực phòng thủ tại khu vực vừa giành lại từ Nga trong vài tuần qua.

Anh cung cấp tên lửa Brimstone 2 tiên tiến cho Ukraine

“Sự ủng hộ của chúng tôi đối với Ukraine là không thể lay chuyển. Số đạn pháo trên sẽ giúp Ukraine giữ được phần lãnh thổ vừa lấy lại từ tay Nga”, ông Wallace hôm 23.11 cho biết trong chuyến thăm Na Uy.

Xem thêm: Binh sĩ Anh được kêu gọi chuẩn bị chiến đấu chống Nga

Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23.11 công bố gói viện trợ mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine để giúp nước này chống lại chiến dịch quân sự của Nga, theo AFP. Gói viện trợ mới bao gồm vũ khí, đạn dược và thiết bị phòng không từ kho dự trữ của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay tổng hỗ trợ quân sự của nước này dành cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1.2021 đã đạt khoảng 19,7 tỉ USD.

Quân đội Ukraine gặp chướng ngại lớn hơn trên chiến trường

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine miễn việc đó còn cần thiết, để nước này có thể tiếp tục tự vệ và ở vị thế mạnh nhất có thể trên bàn đàm phán khi thời điểm đến", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố về gói viện trợ mới.

Xem thêm: Tổng thống Biden muốn cấp gói viện trợ khẩn cấp hơn 37 tỉ USD cho Ukraine

Các đồng minh NATO thử nghiệm hệ thống phòng không ở Romania

Các đồng minh NATO ngày 23.11 đã tiến hành một cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ tên lửa và phòng không ở Romania, khoảng một tuần sau khi một tên lửa bay lạc rơi ở Ba Lan, theo Reuters.

Cụ thể, một hệ thống phòng không của Pháp được triển khai tới Romania đã đẩy lùi một cuộc tấn công giả định từ máy bay chiến đấu của lực lượng đồng minh, theo Bộ Tư lệnh không quân đồng minh của NATO ở Ramstein, miền tây nước Đức.

Tham gia cuộc tập trận có máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay chiến đấu Eurofighter của Tây Ban Nha, máy bay Mỹ được thiết kế cho chiến tranh điện tử và máy bay Rafale của Pháp bay từ tàu sân bay Charles de Gaulle.

Ba Lan sẽ bố trí hệ thống phòng không Patriot của Đức ở biên giới Ukraine

“Để đối phó cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, chúng tôi tiếp tục tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ ở khu vực phía đông của liên minh”, phát ngôn viên NATO Oana Lungescu nhấn mạnh.

"Cuộc tập trận như thế này đảm bảo rằng các lực lượng NATO có thể hoạt động cùng nhau và luôn sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa từ bất kỳ hướng nào", bà Lungescu cho biết thêm.

Xem thêm: Tổng thống Biden hé lộ tương lai của binh sĩ Mỹ đóng trú ở Ba Lan

Xem thêm diễn biến chiến sự Nga-Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.