Chiến sự ngày 286: Nga nói Ukraine đã tổn thất bao nhiêu quân trong tháng 11?

07/12/2022 05:30 GMT+7

Ngày 6.12, Bộ Quốc phòng Nga công bố con số thương vong của quân đội Ukraine trong tháng 11, trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky đến sát tiền tuyến ở Donbass.

Pháo binh bắn về hướng các đơn vị Ukraine ở Luhansk

Chụp từ RIA Novosti

Nga cập nhật tổn thất của quân Ukraine tháng 11

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói quân đội Ukraine đã tổn thất hơn 8.300 lính và một số thiết bị, khí tài quân sự đáng kể trong tháng 11.

RT dẫn lời ông Shoigu cho biết Ukraine tháng 11 mất 5 máy bay, 10 trực thăng, 149 xe tăng và hơn 300 xe chiến đấu bọc thép. Vị bộ trưởng nhận định rằng lực lượng Nga đã phá huỷ và gây ảnh hưởng đáng kể cho năng lực của Kyiv trong việc sử dụng vũ khí chính xác tầm xa.

Thêm một sân bay của Nga bị tấn công

Vào cuối tháng 9, ông Shoigu thống kê các lực lượng vũ trang Ukraine đã tổn thất hơn 61.000 lính kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này. Trong khi đó, ông nói tổn thất của Nga ít hơn đối phương đến 10 lần, có nghĩa là khoảng 6.000 lính Nga đã chiến tử kể từ đầu chiến dịch.

Trong khi không công bố con số thương vong của lực lượng mình, chính quyền Kyiv bác bỏ những số liệu được Bộ Quốc phòng Nga cung cấp. Tổng thống Zelensky hồi tháng 9 cho biết quân đội Ukraine mất khoảng 50 lính/ngày, còn Nga phải tổn thất gấp 5 lần hơn.

Văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine thậm chí còn cho biết Nga đã mất đi 92.200 lính từ ngày 24.2, theo trang Kyiv Independent hôm 6.12

Tổng thống Zelensky thị sát gần tiền tuyến Donbass hôm 6.12

Reuters

Tổng thống Ukraine đến gần tiền tuyến Donbass

Hôm 6.12, nhân ngày các lực lượng vũ trang Ukraine, ông Zelensky đã đến sát tiền tuyến ở Donbass. “Hôm nay, miền đông Ukraine đang đối mặt khó khăn lớn nhất. Tôi vô cùng vinh dự có mặt ở đây với những con người bảo vệ của chúng ta ở Donbass”, nhà lãnh đạo phát biểu.

Tổng thống Ukraine hứa hẹn lần tới sẽ gặp nhau ở Donetsk, Luhansk, và cả Crimea.

Nghi vấn UAV Nga sử dụng ở Ukraine có phụ tùng Canada

Cùng ngày, Nga ghi nhận căn cứ thứ ba bị tấn công, lần này là tỉnh Kursk thuộc Nga giáp với Ukraine. Một ngày trước, Đài CNN ngày 6.12 đưa tin Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine dùng các máy bay không người lái (UAV) tấn công 2 căn cứ không quân Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho hay các vụ tấn công xảy ra tại các khu vực Saratov và Ryazan, nhưng đã bị ngăn chặn bởi lực lượng phòng không, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng đăng bởi hãng RIA Novosti.

TASS dẫn thông tin từ chính quyền Donetsk do Nga kiểm soát cho biết 2 người đã tử vong và 10 người bị thương trong ngày thứ ba liên tiếp trúng pháo cối từ phía Ukraine.

Nga cân nhắc ấn định mức sàn giá dầu

Hãng Bloomberg News đưa tin Nga đang cân nhắc ấn định mức sàn cho giá dầu bán cho thị trường thế giới và xem đây là biện pháp đối phó mức trần giá dầu của EU và G7 đưa ra vài ngày trước.

Ngày 2.12, nhóm G7 và Úc nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga vận chuyển đường biển, trong nỗ lực hạn chế nguồn thu của chính quyền Moscow đến từ dầu mỏ. Và chính sách này có hiệu lực từ ngày 5.12.

Nga thà giảm sản lượng chứ không chấp nhận giá trần dầu mỏ phương Tây áp đặt

Theo chính sách, dầu thô của Nga chỉ được phép vận chuyển đến bên thứ ba - thông qua các công ty vận tải, bảo hiểm và tài chính của G7 và EU - với giá bằng hoặc thấp hơn mức trần nói trên. Vì các công ty vận tải và bảo hiểm chủ chốt của thế giới đều nằm ở các nước G7, chính sách này có thể khiến Moscow khó bán dầu với giá cao hơn.

Trong một diễn biến liên quan, ít nhất 20 tàu dầu xuất phát từ các cảng Nga ở Biển Đen đang dồn ứ ở vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6.12. Số tàu này đang chờ được cấp giấy tờ bảo hiểm theo điều khoản mới của EU nếu muốn đi qua eo biển Bosphorus.

Xe tăng K2 Black Panther (Báo đen) của Hàn Quốc đến cảng Ba Lan hôm 6.12

afp

Hàn Quốc giao lô vũ khí đầu tiên cho Ba Lan

Hôm 6.12, Ba Lan tiếp nhận lô xe tăng và lựu pháo đầu tiên mua từ Hàn Quốc, theo một phần của nỗ lực nhằm nâng cao năng lực phòng thủ theo sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Là thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ba Lan giáp biên giới với cả Nga và Ukraine. Chính quyền Warsaw đẩy mạnh việc mua vũ khí sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ngân sách quốc phòng Đức 'còn lâu' mới đạt mục tiêu của NATO

Theo một phần của thoả thuận, Ba Lan ban đầu mua 180 xe tăng K2 Black Panther (Báo đen) do Hyundai Rotem sản xuất trước khi tiếp nhận hơn 800 phiên bản đặc biệt của dòng xe tăng này là K2PL. Dự kiến việc sản xuất K2PL sẽ được khởi động ở Ba Lan vào năm 2026.

Warsaw cũng mua 48 khẩu lựu pháo K9 trong năm nay, với kế hoạch mua thêm 600 khẩu vào năm 2024. Kế hoạch sản xuất lựu pháo tại Ba Lan sẽ được tiến hành từ năm 2026.

Xem thêm: Ba Lan tiếp nhận lô vũ khí đầu tiên từ Hàn Quốc

Thêm sứ quán Ukraine ở Romania, Đan Mạch nhận “thư máu”

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 6.12 cho biết các sứ quán Ukraine ở Romania và Đan Mạch đã nhận được “thư máu”.

Ông Kuleba cho rằng đây là một phần của chiến dịch nhằm gieo rắc sự khủng hoảng, khởi đầu từ sự kiện bưu phẩm cài chất nổ ở Madrid cách đây 1 tuần và hiện chuyển sang những lá thư máu kèm theo mắt động vật.

Quán cà phê ở thủ đô Ukraine gắng gượng mở cửa giữa các đợt cắt điện

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số trường hợp thư và bưu phẩm đe dọa gửi đến các đại sứ quán và lãnh sự quán Ukraine ở nước ngoài đã tăng lên 23 trường hợp ở 14 quốc gia.

Xem thêm tình hình chiến sự Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.