Chiến sự ngày 353: Nga thừa nhận tấn công hạ tầng Ukraine, sẵn sàng đàm phán

12/02/2023 06:13 GMT+7

Nga thừa nhận nước này đã thực hiện một loạt cuộc tấn công tên lửa vào Ukraine ngày 10.2 trong khi Kyiv tuyên bố nhắm vào nhiều căn cứ tạm thời của Nga.

Chiến sự ngày 353: Nga thừa nhận tấn công hạ tầng Ukraine, sẵn sàng đàm phán - Ảnh 1.

Một quân nhân Ukraine trong cuộc tập trận gần biên giới với Belarus ở vùng Rivne ngày 11.2

REUTERS

Nga tuyên bố tấn công cơ sở hạ tầng Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga ngày 11.2 cho biết các lực lượng nước này đã tiến hành một "cuộc tấn công lớn" vào các cơ sở năng lượng cực kỳ quan trọng thuộc khu liên hợp công nghiệp-quân sự của Ukraine hôm 10.2.

Bộ Quốc phòng Nga không nêu rõ các cơ sở năng lượng mà nước này đã tấn công. Tuy nhiên, Nga khẳng định hành động này đã chặn việc vận chuyển vũ khí và đạn dược nước ngoài bằng đường sắt đến các chiến trường ở Ukraine.

Xem nhanh: Ngày 352 chiến dịch, Mỹ nói Nga đang thích nghi; khó tìm xe tăng cho Ukraine

Trước đó, trong ngày 10.2, Nga đã phát động một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào khắp Ukraine, khiến cơ sở hạ tầng năng lượng nước này hư hại nghiêm trọng. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết nước này đã tạm thời mất 44% sản lượng điện hạt nhân, 75% công suất nhà máy nhiệt điện và 33% công suất nhiệt điện kết hợp. Tuy nhiên, ông Shmyhal trấn an rằng việc sửa chữa đang diễn ra và Ukraine có đủ năng lượng cùng máy phát điện để vượt qua mùa đông.

Nga sẵn sàng đàm phán nhưng không được kèm điều kiện

Hãng thống tấn TASS đưa tin Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Vershinin ngày 11.2 cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Zvezda rằng Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng không được kèm theo điều kiện tiên quyết.

"Như thông lệ, bất kỳ hành động thù địch nào cũng sẽ dẫn đến đàm phán. Đương nhiên, như chúng tôi đã nói trước đây, chúng tôi sẽ sẵn sàng cho những cuộc đàm phán như vậy chỉ khi đó là những cuộc đàm phán không có điều kiện tiên quyết. Những cuộc đàm phán này phải dựa trên cơ sở thực tế", ông Vershinin nói.

Mỹ đánh giá gì về sức mạnh quân Nga ở Ukraine sau nhiều tổn thất?

Sau đó, Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, trưởng đoàn đàm phán của Ukraine trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, viết lên Twitter rằng "đàm phán không thể xảy ra". Ông Podolyak cũng chỉ ra rằng Moscow từ chối rút quân khỏi các vùng lãnh thổ Ukraine và thừa nhận "tội ác".

Ukraine tấn công các căn cứ Nga

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine sáng 11.2 tuyên bố trong 24 giờ trước đó, quân đội Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng Nga gần 7 khu định cư ở hai vùng Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine, theo trang The Kyiv Independent.

Quân đội Ukraine còn cho biết lực lượng này đã thực hiện 12 cuộc tấn công nhắm vào các căn cứ tạm thời của lực lượng Nga và 4 cuộc tấn công vào các vị trí của hệ thống tên lửa phòng không thuộc Nga.

Nga có thể đã mất đến 1.500 xe tăng trong cuộc xung đột ở Ukraine?

Xem thêm: Chiến sự tối 11.2: Ukraine tấn công căn cứ thuộc Nga, Mỹ gửi thông điệp mới?

Mỹ có vai trò tích cực trong xung đột Ukraine?

Các quan chức Ukraine cho biết họ cần tọa độ do Mỹ và các đối tác cung cấp hoặc xác nhận cho phần lớn các cuộc tấn công sử dụng các hệ thống tên lửa tiên tiến từ Mỹ. Đây là điều chưa từng được tiết lộ trước đây, cho thấy vai trò sâu hơn và tích cực hơn của Lầu Năm Góc trong xung đột, theo tường thuật của báo The Washington Post.

Một quan chức cấp cao Ukraine cho biết lực lượng Ukraine gần như không bao giờ sử dụng Hệ thống Rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) mà không có tọa độ cụ thể được cung cấp bởi quân nhân Mỹ đóng tại một căn cứ ở châu Âu. Các quan chức Ukraine cho rằng điều này có thể giúp Washington tự tin hơn trong việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Kyiv.

Slovakia sẵn sàng đàm phán về việc gửi MIG-29 cho Ukraine

Xem thêm: Tiết lộ mới cho thấy vai trò tích cực hơn của Mỹ trong xung đột ở Ukraine

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.