Chiến sự ngày 362: Chuyến đi lịch sử của ông Biden đến Kyiv có mạo hiểm?

Khánh An
Khánh An
21/02/2023 05:00 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ đến Ukraine trước thềm kỷ niệm 1 năm chiến sự, trong chuyến đi "chưa từng có" trong những bối cảnh tương tự.

Chiến sự ngày 362: Chuyến đi lịch sử của ông Biden đến Kyiv có mạo hiểm? - Ảnh 1.

Tổng thống Biden gặp Tổng thống Zelensky trong chuyến thăm bất ngờ đến Ukraine vào ngày 20.2

AFP

Tờ The Guardian ngày 20.2 dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết chuyến công du Ukraine của Tổng thống Joe Biden đến Ukraine là "chưa từng có trong thời nay", khi một Tổng thống Mỹ đến "thủ đô của một nước có chiến sự nơi quân đội Mỹ không kiểm soát hạ tầng trọng yếu".

Do đó, giới chức Mỹ cho biết chuyến đi lịch sử của ông Biden khác với những chuyến công du trước đó của Tổng thống Mỹ đến Iraq và Afghanistan, nơi Washington có sự hiện diện quân sự hùng hậu. Trong khi đó, Mỹ không có sự hiện diện quân sự, và còn có sự hiện diện ngoại giao tối thiểu ở Ukraine.

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 361, Tổng thống Biden đến Kyiv, chiến đấu cơ phương Tây nào phù hợp Ukraine?

"Điều đó đòi hỏi một nỗ lực hậu cần an ninh từ các chuyên gia trong toàn chính phủ Mỹ để thực hiện một công việc vốn rủi ro và biến nó thành một mức độ rủi ro có thể kiểm soát được", ông cho biết.

Reuters dẫn lời ông Sullivan cho hay Nhà Trắng đã thông báo với Nga về chuyến đi của ông Biden đến Kyiv vài giờ trước khi ông khởi hành "nhằm mục đích giảm xung đột".

Ông cho biết Tổng thống Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thảo luận về chiến sự và nhu cầu viện trợ về năng lượng, hạ tầng, kinh tế và nhân đạo.

Theo TASS dẫn lời Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Biden đã nhận được những đảm bảo về an ninh trước chuyến thăm Ukraine, nhưng không nói rõ bên nào đưa ra đảm bảo.

"Ông Biden, trước đó đã nhận được sự đảm bảo về an ninh, sau cùng đã đến Kyiv", ông cho biết.

Ông Medvedev lưu ý rằng các nước phương Tây đang "khá trung thành" trong việc cung cấp vũ khí và tiền bạc cho Kiev. "Với số lượng khổng lồ, cho phép tổ hợp công nghiệp quân sự của các nước NATO kiếm tiền và đánh cắp vũ khí để bán cho những kẻ khủng bố trên toàn thế giới", theo ông Medvedev.

Tổng thống Ukraine: Sẽ có chiến tranh thế giới nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga

Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky cho biết cuộc đàm phán giữa ông và Tổng thống Biden là một cú hích lớn cho Kyiv và "mang chúng tôi đến gần chiến thắng hơn". Ông nói rằng đó là chuyến công du quan trọng nhất trong lịch sử mối quan hệ Ukraine – Mỹ.

"Người Ukraine nhớ về sự tập trung, chú ý và thái độ của Tổng thống Biden và Mỹ đã dành cho Ukraine. Tôi cảm ơn ngài vì mức độ hợp tác Mỹ - Ukraine này", ông phát biểu.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng chuyến thăm lịch sử của ông Biden rõ ràng gửi tín hiệu đến Nga rằng "không ai sợ các người".

Lịch trình bí mật

Theo CNN thông tin về chuyến thăm bí mật của ông Biden, chiếc chuyên cơ Không lực Một cất cánh từ căn cứ hỗn hợp Andrews (Maryland) vào 4 giờ 15 rạng sáng 19.2 (giờ địa phương). Khi máy bay rời đi trong cảnh đêm tối, các phóng viên tháp tùng không được phép mang theo thiết bị.

Mỹ thông báo trước, được Nga 'đảm bảo an toàn' chuyến thăm Kyiv của Tổng thống Biden

Lịch trình chính thức của ông Biden không hiển thị thông tin chuyến thăm, và các quan chức Mỹ tuần trước liên tục khẳng định Ukraine không phải là điểm đến được dự kiến hoặc được Nhà Trắng chuẩn bị.

Vào tối đêm trước khi xuất phát (18.2), Tổng thống Biden ăn tối với phu nhân ở Washington. Sau đó nhà lãnh đạo không lộ diện lần nào nữa trước khi xuất hiện ở Kyiv hôm 20.2 sau hành trình bằng xe lửa từ Ba Lan.

Ukraine hiện là vùng chiến sự và là nơi quân đội Mỹ không có quyền kiểm soát, biến chuyến thăm này trở nên khác biệt so với các lịch trình công du chính thức khác ở Iraq hoặc Afghanistan.

Tháp tùng Tổng thống Biden chỉ có một số người thân cận, bao gồm Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Jen O'Malley Dillon và trợ lý tổng thống Annie Tomasini.

Tổng thống Biden cam kết gì trong chuyến thăm bất ngờ đến Ukraine?

Viện trợ sắp đổ dồn cho Kyiv?

Trong chuyến thăm, Tổng thống Biden cho hay Washington sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho Kyiv, trị giá 500 triệu USD, trong đó có Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Theo Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, ông cảm thấy chắc chắn rằng các đồng minh sẽ dần cung cấp tiêm kích để giúp nước này đối phó Nga.

Báo Repubblica của Ý đưa tin nước này sẵn sàng gửi số lượng lên đến 5 tiêm kích cho Ukraine nếu các đồng minh phương Tây cũng bắt đầu viện trợ vũ khí này. Theo đó, Ý không muốn trở thành nước đầu tiên gửi tiêm kích cho Ukraine "vì các lý do chính trị".

Cũng trong ngày 20.2, AP dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết viện trợ tài chính 5,5 tỉ USD cho Ukraine.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) đang khẩn cấp tìm cách để các thành viên cùng nhau mua thêm đạn dược cho Ukraine, sau khi Kyiv cảnh báo về việc cần viện trợ nhanh chóng.

Ukraine gây áp lực với nghị sĩ Mỹ về cung cấp chiến đấu cơ F-16

Nga sắp tuyên bố chiến thắng ở Bakhmut?

Cùng ngày, theo tờ The Guardian, Bộ Quốc phòng Anh cập nhật báo cáo tình báo với nội dung "bất chấp diễn biến thực địa", lực lượng Nga nhiều khả năng sẽ tuyên bố kiểm soát thành phố Bakhmut thuộc Donetsk vào dịp kỷ niệm một năm chiến sự.

Theo báo cáo, các mũi tấn công Nga tiếp tục ở các hướng Vuhledar, Kremina và Bakhmut ở miền đông Ukraine, nhưng phía Nga vấp phải tổn thất nghiêm trọng. Dựa trên thông tin thương vong, tình báo Anh dự đoán các Lữ đoàn hải quân trên bộ (tương đương thủy quân lục chiến) số 155 và 40 của Nga đã bị vô hiệu hóa năng lực chiến đấu.

Trong một diễn biến khác, AFP đưa tin nền kinh tế Nga sụt giảm 2,1% trong năm ngoái. Con số này vẫn khá hơn so với dự báo mức sụt giảm 2,9% đưa ra vào thàng 9 năm ngoái.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh: Phương Tây "rỗng ruột", không đủ xe tăng cho Ukraine

Lằn ranh đỏ trong quan hệ EU-Trung Quốc

Cũng trong ngày 20.2, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga sử dụng ở Ukraine sẽ là "lằn ranh đỏ" trong quan hệ song phương, theo AFP.

Đích thân ông Borrell nêu lên "lằn ranh đỏ" này trong cuộc gặp với ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Vương Nghị đến Moscow vào ngày 20.2, chặng cuối trong chuyến công du châu Âu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cảnh báo ông Vương Nghị về những hậu quả mà Bắc Kinh đối mặt nếu hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo ông Blinken, Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Moscow, nhưng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc đó.

Trước cảnh báo trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Mỹ không có cơ sở gì để thuyết giáo Bắc Kinh về việc Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí cho Nga.

Ukraine sẽ được phương Tây cung cấp chiến đấu cơ nào?

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chỉ ra chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc đang đều đặn rót vũ khí đến chiến trường.

"Chúng tôi không bao giờ chấp nhận chuyện Mỹ ra lệnh hoặc thậm chí gây sức ép cho quan hệ Nga-Trung", Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.