Chiến sự ngày 370: Diễn biến cực căng tại Bakhmut, UAV rơi xuống lãnh thổ Nga

01/03/2023 05:20 GMT+7

Các lực lượng Nga đang đẩy mạnh nỗ lực tấn công nhằm bao vây thành phố Bakhmut, trong khi nhiều UAV xuất hiện sâu trong lãnh thổ nước này.

Chiến sự căng thẳng tại Bakhmut

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình hình quân sự quanh thành phố Bakhmut ở miền đông ngày càng khó khăn, trong khi các chiến trường đang trở nên lầy lội do băng tan.

"Quân địch liên tục phá hủy mọi thứ có thể được sử dụng để bảo vệ vị trí phòng tuyến của chúng tôi", ông Zelensky nói.

Tư lệnh lực lượng bộ binh Ukraine, thượng tướng Oleksandr Syrskyi, cùng ngày cho biết tình hình xung quanh Bakhmut là "cực kỳ căng thẳng".

Xe tăng của Ukraine tai Bakhmut ngày 27.2

Xe tăng của Ukraine tai Bakhmut ngày 27.2

REUTERS

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl ngày 28.2 mô tả tiền tuyến tại Ukraine trong tình trạng bị nghiền nát một cách chậm chạp và khó có khả năng Nga sẽ đạt bước tiến lớn trong ngắn hạn.

Xem nhanh: Ngày 369 chiến dịch, Nga siết vòng vây Bakhmut, Ukraine nói chiến thuật tên lửa thay đổi

"Bạn có thể thấy các phần nhỏ lãnh thổ bị giành giật qua lại trong vài tuần, vài tháng tới. Tôi không cho rằng có điều gì gợi ý người Nga có thể quét qua khắp Ukraine và giành thắng lợi lớn về lãnh thổ trong một năm tới", ông Kahl nói trong một cuộc điều trần tại Hạ viện, theo Reuters.

Cảnh hoang tàn đổ nát tại Bakhmut ngày 27.2

Cảnh hoang tàn đổ nát tại Bakhmut ngày 27.2

REUTERS

UAV rơi gần cơ sở năng lượng Nga

Bộ Quốc phòng Nga ngày 28.2 cho biết các lực lượng tác chiến điện tử đã ngăn chặn các máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đang tìm cách tấn công cơ sở hạ tầng dân sự tại vùng Krasnodar và Adygea ở miền nam vào rạng sáng 28.2, theo Sputnik.

Cũng trong ngày 28.2, tại vùng Kolomna cách thủ đô Moscow 110 km về hướng đông nam, một chiếc UAV bị rơi xuống gần trạm khí đốt của tập đoàn Gazprom. Hình ảnh trên mạng gợi ý đó có thể là loại UAV UJ-22 của hãng Ukrjet. Hãng sản xuất này cho rằng UAV có thể bay 800 km.

UAV rơi gần

UAV được cho là loại UJ-22 của Ukraine rơi gần Moscow

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE GUARDIAN

Ukraine chưa bình luận về cáo buộc trên. Tuy nhiên, nếu quả thật nước này đã thực hiện cuộc tấn công từ lãnh thổ của mình, đó có thể là một trong những cuộc tấn công tham vọng nhất của Kyiv từ khi chiến sự bùng phát.

Nga đẩy mạnh tấn công ở Bakhmut, Ukraine khẳng định sẽ không rút quân

Cùng ngày, không phận tại thành phố Saint Petersburg của Nga bất ngờ bị đóng trong khoảng 1 giờ, khiến nhiều chuyến bay phải thay đổi lịch trình. Bộ Quốc phòng Nga sau đó thông báo không phận bị đóng do quân đội tổ chức diễn tập với các cơ quan dân sự mà không công bố trước.

Nga không thỏa hiệp về 4 vùng mới sáp nhập

Điện Kremlin ngày 28.2 nhắc lại quan điểm rằng Nga sẵn sàng đối thoại để chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán như vậy không thể phớt lờ "thực tế mới về lãnh thổ".

Theo Reuters, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Nga sẽ không bao giờ từ bỏ yêu sách của mình đối với 4 khu vực của Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập vào năm ngoái. Việc này diễn ra sau các cuộc trưng cầu dân ý mà Kyiv và phương Tây lên án là giả mạo và bất hợp pháp.

Tổng thống Putin kêu gọi doanh nghiệp Nga 'đừng ngửa tay xin tiền' phương Tây

"Với một tình trạng thuận lợi và thái độ phù hợp từ phía Ukraine, cuộc chiến này có thể được giải quyết trên bàn đàm phán. Nhưng điều cốt yếu là đạt được các mục tiêu của chúng tôi", ông Peskov nói thêm.

Mỹ dọa cấm vận công ty Trung Quốc

Phát biểu tại thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 28.2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc sẽ đối diện hậu quả nếu cung cấp vũ khí sát thương cho Nga sử dụng trong xung đột với Ukraine.

"Chúng tôi sẽ không do dự trong việc nhắm vào các công ty và cá nhân Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận của chúng tôi, hoặc có hành động hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga", ông Blinken nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo tại Astana ngày 28.2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo tại Astana ngày 28.2

REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ cho biết đã trực tiếp nêu vấn đề này với Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp hồi tuần trước. "Mối lo ngại của chúng tôi dựa trên thông tin mà chúng tôi có, đó là Trung Quốc đang cân nhắc đi xa hơn việc hỗ trợ không sát thương, trên thực tế một số công ty của họ đã cung cấp hỗ trợ sát thương cho nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraine", ông Blinken cho biết, không nói rõ công ty nào.

Tổng thống Zelensky: Bỏ mặc Ukraine, Mỹ sẽ mất ảnh hưởng địa chính trị

Tuy nhiên, trong phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ ngày 28.2, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink nói rằng công ty vệ tinh Spacety của Trung Quốc đã cung cấp những hình ảnh vệ tinh cho nhóm đánh thuê Wagner của Nga. Spacety vừa bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại trong tháng này.

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh Trung Quốc không thể vừa đưa ra đề xuất hòa bình trong khi lại đổ thêm dầu vào lửa. Trong khi đó, ông Kritenbrink cho biết nhiều đối tác của Mỹ cũng có chung lo ngại về khả năng Trung Quốc cung cấp hỗ trợ sát thương cho Nga.

Trước đó, Trung Quốc công bố lập trường bao gồm 12 điểm về tình hình Ukraine vào sáng 24.2, nhân dịp chiến sự tròn một năm. Trong đó, nước này kêu gọi đàm phán hòa bình đồng thời kêu gọi tất cả các bên tránh leo thang hạt nhân và chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào dân thường.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 27.2 nói rằng Trung Quốc rất rõ ràng đã chọn đứng về phía Nga và không phải là nước trung gian trung thực trong nỗ lực mang hòa bình cho Ukraine. Ông Price bổ sung rằng Trung Quốc đã ủng hộ Nga về ngoại giao, chính trị, kinh tế và cả về mặt phát ngôn.

Cường quốc NATO đề xuất thỏa thuận phòng thủ để khuyến khích Ukraine đàm phán với Nga?

NATO nói Ukraine sẽ là thành viên về lâu dài

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 28.2 nói rằng các đồng minh trong NATO đã đồng ý rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của khối, nhưng đó là câu chuyện lâu dài. The Guardian dẫn lời vị quan chức cho biết trước mắt, ưu tiên là Ukraine vẫn giữ tư cách là quốc gia trung lập trước hành động quân sự của Nga.

Ông Stoltenberg cũng nói ưu tiên của NATO là kết nạp Phần Lan và Thụy Điển. Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo sẽ khôi phục đối thoại vào ngày 9.3 về việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO.

Belarus bác bỏ tin máy bay Nga bị phá hủy

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Yuri Ambrazevich ngày 28.2 nói với Reuters bên lề Hội nghị giải trừ quân bị Liên Hiệp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) rằng thông tin máy bay do thám Nga bị phá hủy gần thủ đô Minsk của Belarus là tin giả. "Do thiếu một phản ứng chính thức, tôi cực kỳ tin chắc rằng đây lại là một tuyên bố giả mạo nhằm làm nổi bật một số thất bại trong an ninh quốc gia của chúng tôi", ông Ambrazevich nói.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 28.2 cho thấy một chiếc máy bay A-50 tại căn cứ Machulishchy

Ảnh vệ tinh chụp ngày 28.2 cho thấy một chiếc máy bay A-50 tại căn cứ Machulishchy

REUTERS

Mạng xã hội hôm 26.2 dậy sóng trước thông tin đã xảy ra vụ tấn công nhằm vào máy bay A-50 Mainstay được Nga triển khai ở căn cứ không quân Machulishchy, phía nam Minsk.

Ông Aliaksandr Azarov, lãnh đạo tổ chức chống chính phủ Belarus BYPOL, nói rằng các nhóm du kích đã sử dụng UAV để thực hiện cuộc tấn công, nhưng không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh.

Máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga bị tấn công ở Belarus?

Nga vẫn nhắm vào hệ thống hạ tầng năng lượng Ukraine

Trong báo cáo ngày 27.2, Tổng cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Nga vẫn chưa từ bỏ ý định phá hủy hệ thống hạ tầng năng lượng của Ukraine, theo trang The Kyiv Independent.

Ngoài lưới điện, Nga cũng muốn phá hủy các khu phức hợp nhiên liệu và năng lượng để ngăn chặn nguồn cung cấp các sản phẩm xăng dầu của Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.