Chiến sự ngày 504: Ukraine nhận nhiều hỗ trợ, Wagner giao nộp vũ khí cho Nga

13/07/2023 04:28 GMT+7

NATO bác bỏ khả năng kết nạp Ukraine trong lúc nước này đang xung đột với Nga nhưng đã đưa ra nhiều cam kết hỗ trợ an ninh để trấn an Kyiv.

Trong lúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự và lời đảm bảo về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius (Lithuania), chiến sự tại Ukraine vẫn tiếp diễn căng thẳng.

Không quân Ukraine thông báo đã bắn hạ 11/15 máy bay không người lái (UAV) cảm tử do Nga phóng đến trong rạng sáng 12.7. Trước đó, Nga phóng 28 UAV Shahed do Iran chế tạo vào vùng đông nam Ukraine trong đêm 11.7. Quân đội Ukraine bắn hạ 26 chiếc trong đó. Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ, các cuộc tấn công bằng UAV của Nga có thể nhằm phô diễn sức mạnh đáp trả hội nghị thượng đỉnh NATO.

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 503, tổng thống Ukraine chưa hài lòng NATO; Nga cảnh báo về Thế chiến 3

Quân đội Ukraine ghi nhận chiến sự ác liệt diễn ra tại các khu vực khác trong thời gian hội nghị NATO diễn ra. Bên cạnh đó, Ukraine tuyên bố đạt thành công nhất định quanh thành phố Bakhmut ở miền đông đang bị Nga kiểm soát.

Trong khi đó, quân đội Nga thông báo các máy bay chiến đấu đã ném bom và phóng tên lửa vào 10 vị trí quân Ukraine trong 24 giờ, theo TASS. Nga tuyên bố còn ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine, phá hủy nhiều khí tài, kho nhiên liệu, ngăn chặn 4 tên lửa hành trình Storm Shadow...

Chiến sự ngày 504: Ukraine nhận nhiều hỗ trợ, Wagner giao nộp vũ khí cho Nga - Ảnh 1.

Lực lượng Ukraine chiến đấu gần Bakhmut ngày 11.7

REUTERS

Ukraine chưa thể gia nhập NATO vào lúc này

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 11.7 đã chỉ trích NATO vì không mời Ukraine gia nhập liên minh vào một ngày cụ thể mà chỉ nói khi điều kiện cho phép.

Trong cuộc họp báo ngày 12.7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói liên minh đã vạch ra quy trình 3 bước để đưa Ukraine tiến gần hơn với NATO gồm: thành lập Hội đồng NATO-Ukraine, tái khẳng định Ukraine sẽ là thành viên và dỡ bỏ yêu cầu Ukraine thực hiện các kế hoạch hành động thành viên - những tiêu chuẩn mà các nước cần đạt được nếu muốn trở thành thành viên của NATO.

Ông Zelensky phản ứng sau khi ông Biden từ chối tư cách thành viên NATO của Ukraine

Ông Stoltenberg nói rằng nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này là đảm bảo Ukraine có đủ vũ khí, đồng thời nhấn mạnh Kyiv có quyền chọn con đường riêng của mình và Moscow không có tiếng nói trong chuyện này.

Chiến sự ngày 504: Ukraine nhận nhiều hỗ trợ, Wagner giao nộp vũ khí cho Nga - Ảnh 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng các nhà lãnh đạo NATO tại Vilnius ngày 12.7

REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thừa nhận liên minh không đưa ra lời mời Ukraine gia nhập NATO tại hội nghị lần này nhưng hứa Mỹ sẽ làm mọi thứ có thể để Ukraine nhanh chóng có được điều họ muốn.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trả lời phỏng vấn CNN rằng việc Ukraine gia nhập NATO vào lúc này "đồng nghĩa chiến tranh với Nga".

Tổng thống Zelensky, trước đó nói rằng việc Ukraine không được mời gia nhập NATO là điều vô lý, trong cuộc họp báo cuối hội nghị nói vẫn không thay đổi quan điểm. Tuy nhiên, ông cho rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh khi tình hình an ninh cho phép và vấn đề không nằm ở những đòi hỏi về cải cách chính trị, theo tờ The Guardian.

"Tương lai của Ukraine là trong NATO", nhưng chưa rõ điều kiện

"Chúng tôi hiểu rằng tất cả đều là về điều kiện an ninh. Tôi tin chúng tôi sẽ ở trong NATO khi tình hình an ninh ổn định và điều đó nghĩa là khi chiến tranh kết thúc, Ukraine chắc chắn sẽ được mời vào NATO. Và chúng tôi chắc chắn sẽ trở thành một nước thành viên của liên minh. Tôi chưa nghe ý kiến nào khác trong hôm nay", nhà lãnh đạo phát biểu.

Tổng thống Ukraine cũng nói ông hiểu rằng nguồn viện trợ quân sự trong tương lai sẽ tùy thuộc vào tình hình trên chiến trường, dù các lãnh đạo phương Tây đã hứa sẽ hỗ trợ mọi thứ cần thiết.

G7 công bố kế hoạch viện trợ

The Guardian đưa tin các thành viên G7 (Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý) ngày 12.7 ký tuyên bố chung, vạch ra kế hoạch hỗ trợ an ninh và kinh tế dài hạn cho Ukraine, cũng như hỗ trợ tạo điều kiện cho chương trình cải cách để Ukraine tiến tới việc hội nhập cùng châu Âu-Đại Tây Dương.

Theo tuyên bố, G7 sẽ đảm bảo Ukraine có sức mạnh phòng thủ trong hiện tại và ngăn ngừa các hành động tương tự của Nga trong tương lai, thông qua cung cấp khí tài quân sự hiện đại trên bộ, trên không và trên biển, chia sẻ tình báo và huấn luyện lực lượng Ukraine.

Cựu Tổng thống Nga nói viện trợ của NATO cho Ukraine khiến Thế chiến 3 đến gần

G7 sẽ thực hiện tái thiết và phục hồi Ukraine để tăng cường sự ổn định kinh tế và khả năng chống chịu của nước này. Bên cạnh đó, G7 sẽ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho những nhu cầu cấp thiết của Ukraine liên quan chiến sự, giúp Kyiv thực hiện cải cách trong quản trị để hướng tới gia nhập NATO và EU.

Chiến sự ngày 504: Ukraine nhận nhiều hỗ trợ, Wagner giao nộp vũ khí cho Nga - Ảnh 3.

Tổng thống Ukraine cùng các lãnh đạo G7 và EU tại Vilnius ngày 12.7

REUTERS

Tại hội nghị, Pháp thông báo sẽ gửi tên lửa hành trình tầm xa SCALP với tầm bắn 250 km cho Ukraine. Anh sẽ cung cấp hơn 70 xe chiến đấu và hậu cần, hàng ngàn quả đạn pháo cho xe tăng Challenger 2 và 50 triệu bảng Anh cho việc sửa chữa thiết bị của Ukraine.

Liên minh 11 nước sẽ bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16 từ tháng 8 tại Đan Mạch. Một trung tâm huấn luyện sẽ được thiết lập tại Romania.

Đức đang hoàn tất gói viện trợ quân sự 700 triệu euro cho Ukraine, gồm 2 giàn phóng tên lửa phòng không Patriot, 40 xe chiến đấu bộ binh Marder, xe tăng và đạn dược.

Bộ trưởng quốc phòng Nga cảnh báo gì khi Mỹ viện trợ đạn chùm cho Ukraine?

Na Uy sẽ chuyển 2 giàn phóng tên lửa phòng không NASAMS, 1.000 UAV trinh sát Black Hornet cho Ukraine, tăng số tiền viện trợ quân sự trong năm nay cho Kyiv thêm 2,5 tỉ crown (239 triệu USD) lên 10 tỉ crown.

Tờ The New York Times loan tin Mỹ đang cân nhắc cung cấp tên lửa ATACMS với tầm tấn công hơn 300 km cho Ukraine.

Nga nói Wagner hoàn tất giao nộp vũ khí

Chiến sự ngày 504: Ukraine nhận nhiều hỗ trợ, Wagner giao nộp vũ khí cho Nga - Ảnh 5.

Các khẩu pháo của Wagner giao nộp cho quân đội Nga

REUTERS

Bộ Quốc phòng Nga ngày 12.7 thông báo Wagner đang hoàn tất giao nộp vũ khí cho các lực lượng vũ trang. Reuters dẫn thông báo cho biết hơn 2.000 khí tài, gồm xe tăng, rốc két... và 2.500 tấn đạn đã được chuyển giao.

Nếu xác thực, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Wagner đang rút khỏi việc chiến đấu tại Ukraine sau vụ nổi loạn chống Bộ Quốc phòng Nga hồi cuối tháng 6.

Wagner giao nộp vũ khí hạng nặng cho Bộ Quốc phòng Nga

Trong một thông tin liên quan vụ nổi loạn, một nghị sĩ Nga ngày 12.7 cho biết tướng Sergei Surovikin, người bị đồn đoán bị bắt vì nghi đồng lõa với Wagner, thực chất đang "nghỉ ngơi" và không thể liên lạc.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.