Chiến sự ngày 70: Ukraine nói Nga muốn đẩy nhanh đà tiến ở miền đông

05/05/2022 05:35 GMT+7

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Nga đang cố gắng gia tăng nhịp độ tiến quân ở miền đông phía đông, trong khi giới chức thành phố Mariupol cho biết đã mất liên lạc với các đơn vị cố thủ bên trong nhà máy Azovstal.

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tổn thất nặng nề tại nhà máy Azovstal

Planet Labs

Người phát ngôn Oleksandr Motuzyanyk của Bộ Quốc phòng Ukraine không cung cấp thêm chi tiết dẫn đến kết luận về kế hoạch sắp tới của phía Nga. Tuy nhiên ông cho hay chỉ tính riêng ngày 3.5, lực lượng Nga đã triển khai gần 50 đợt không kích vào nhiều nơi trên lãnh thổ Ukraine, báo The Guardian đưa tin.

“Pháo đài” Azovstal trên bờ vực sụp đổ

Cũng theo người phát ngôn, Nga tiếp tục pháo kích và không kích nhà máy Azovstal. Trong ngày, Thị trưởng Vadym Boichenko của thành phố Mariupol cho hay đã mất liên lạc với các đơn vị đang cố thủ bên trong nhà máy. Ông Boichenko nói rằng nhà máy nổ ra cuộc giao tranh ác liệt giữa hai bên.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự bước sang ngày 70, có diễn biến gì nóng?

“Chúng tôi không có cách nào biết được chuyện gì đang xảy ra, họ có an toàn hay không”, ông Boichenko phát biểu trên đài truyền hình Ukraine. Trước đó, Điện Kremlin bác tin quân Nga ập vào nhà máy này.

Trước đó, có tin tỉnh Zakarpattia ở cực tây được cho là lần đầu tiên bị Nga tập kích bằng tên lửa kể từ khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng. Zakarpattia cũng là tỉnh duy nhất của Ukraine có biên giới giáp với 4 nước gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu

afp/getty

Phản ứng trái chiều về dự thảo cấm vận

Ngày 4.5 chứng kiến Liên minh châu Âu (EU) đưa ra dự thảo gói cấm vận cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Nga, bao gồm dầu mỏ. Theo đề xuất của bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, 27 quốc gia thành viên được yêu cầu loại bỏ dầu thô Nga trong vòng 6 tháng và đến cuối năm nay ngừng nhập khẩu toàn bộ các sản phẩm lọc dầu của Nga.

Tuy nhiên, một số nước không đồng ý với nội dung trên. Chẳng hạn, Slovakia muốn áp dụng thời gian chuyển tiếp kéo dài 3 năm trước khi chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Điện đàm với ông Macron, ông Putin kêu gọi phương Tây ngừng vũ trang Ukraine

Còn Hungary cảnh báo rằng nước này sẽ không thể ủng hộ dự thảo gói cấm vận mới nhất của EU vì cách tiếp cận này sẽ “phá hủy hoàn toàn” nguồn cung đảm bảo an ninh năng lượng của Hungary, theo AFP. Theo số liệu chính thức, Nga hiện cung cấp 65% nhu cầu dầu mỏ và 85% nhu cầu khí đốt cho Hungary.

Điện Kremlin cho biết sẽ cân nhắc một loạt các phương án đáp trả EU. Đức cảnh báo giá dầu và khí đốt sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Nga xem các lô hàng viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine là mục tiêu hợp pháp

afp/getty

Viện trợ vũ khí cho Ukraine

Trong lúc chiến sự tiếp tục ác liệt, Hà Lan đang cân nhắc khả năng liệu có nên cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine hay không, theo Thủ tướng Mark Rutte.

Chỉ tính riêng Mỹ, nước này đã viện trợ an ninh trị giá 4,6 tỉ USD hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Trong số này, ông Joe Biden đã sử dụng đặc quyền của tổng thống Mỹ để cung cấp 3,4 tỉ USD giá trị vũ khí lấy từ kho của Lầu Năm Góc, tính từ tháng 9.2021.

Mỹ tiết lộ số lượng vũ khí viện trợ đã đến Ukraine

Báo The Hill dẫn lời giới quan sát cảnh báo hiện các nhà thầu quân sự Mỹ đang đối mặt sức ép phải bổ sung vũ khí cho quân đội Mỹ. Ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ hiện không sẵn sàng để gia tăng sản xuất như trong thời chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga xem tất cả vũ khí được phương Tây chuyển đến Ukraine là "mục tiêu hợp pháp" và sẽ phá hủy toàn bộ.

Xem thêm diễn tiến quân sự tại Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.