Chiến sự Ukraine đến trưa 16.5: giao tranh quyết liệt ở miền đông, nóng chuyện NATO

16/05/2022 12:31 GMT+7

Nga đang tiếp tục tấn công các mục tiêu ở miền đông Ukraine , còn Kyiv cũng đẩy mạnh phản công. Trong khi đó, Phần Lan và Thụy Điển chuẩn bị nộp đơn xin gia nhập NATO .

Nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, Ukraine ngày 15.5

reuters

Ukraine phản công ở miền đông

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở Mỹ đưa ra sáng 16.5, Nga có thể đã từ bỏ mục tiêu bao vây các đơn vị Ukraine ở giữa thành phố Donetsk thuộc tỉnh Donetsk và thành phố Izyum thuộc tỉnh Kharkiv, cả hai đều ở miền đông Ukraine. Thay vào đó, Nga đang tập trung giành quyền kiểm soát tỉnh Luhansk. Nga cũng đang phải đối phó với các cuộc phản công của Ukraine khi lực lượng Ukraine tăng sức ép lên Izyum, nơi quân Nga đã kiểm soát từ tháng 3.

ISW còn cho rằng Nga dường như đã cạn kiệt lực lượng dự bị sẵn sàng chiến đấu. Điều này buộc quân đội Nga phải hợp nhất các binh sĩ từ nhiều thành phần khác nhau, bao gồm các công ty quân sự tư nhân và dân quân ủy nhiệm, thành các đơn vị quân đội chính quy và thủy quân lục chiến.

Nga giảm lợi thế ở Donbass, khó tiến nhanh trong 30 ngày tới?

Theo ISW, Nga có khả năng đang củng cố các khu dân cư mà lực lượng nước này đã giành được quyền kiểm soát ở miền nam Ukraine. Các quan chức Ukraine cho biết Nga đã bắt đầu đào hào và xây dựng kè bê tông ở các khu vực của tỉnh Mykolaiv và Kherson, gần Melitopol, và ở tỉnh Zaporizhia ở đông nam Ukraine.

Mariupol, Nga tiếp tục pháo kích nhà máy thép Azovstal. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine cố thủ tại đây vẫn chống trả quyết liệt. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc đàm phán phức tạp đang được tiến hành để sơ tán một số lượng lớn binh lính bị thương khỏi nhà máy thép Azovstal.

Kể từ giữa tháng 4, Nga đã tập trung lực lượng để cố gắng giành quyền kiểm soát hai tỉnh ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine. Giao tranh hiện diễn ra dữ dội nhất xung quanh thành phố Izyum.

Reuters dẫn lại thông báo của Ukraine cho biết quân đội nước này đã đẩy lùi 17 cuộc tấn công và phá hủy 11 thiết bị của Nga vào ngày 15.5. Bộ chỉ huy lực lượng không quân Ukraine cho biết nước này đã bắn rơi hai trực thăng, hai tên lửa hành trình và 7 máy bay không người lái.

Reuters nhận định nếu Ukraine có thể duy trì áp lực lên Izyum và các tuyến đường tiếp tế của Nga, Moscow sẽ khó bao vây quân đội Ukraine ở Donbass. Dù vậy, quân đội Ukraine cũng thừa nhận những thất bại, và cho biết các lực lượng Nga "tiếp tục tiến công" ở một số nơi trong khu vực Donbas.

Nga chưa xác nhận các thông tin và đánh giá trên. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga ngày 15.5 cho biết các tên lửa nước này đã bắn trúng hai sở chỉ huy, 11 điểm tập trung lực lượng và bốn kho pháo ở bốn khu vực phía đông tỉnh Donetsk, một số nằm sâu trong lãnh thổ do Ukraine kiểm soát giữa Donetsk và Izyum.

Quân Ukraine từ Kharkiv đã phản công tới biên giới Nga?

Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo lực lượng nước này đã tấn công các khu vực gần thành phố Baxmut và Kostyantynivka thuộc tỉnh Donetsk. Cơ quan này còn cho biết Nga cũng phá hủy hai hệ thống tên lửa S-300 và một trạm radar ở tỉnh Sumy, đông bắc Ukraine.

Hãng thông tấn TASS ngày 15.5 cũng dẫn lời một phó chỉ huy trung đoàn của Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) cho biết lực lượng LPR cùng với quân đội Nga đã tiến thêm được 5 km từ thành phố Popasna, tỉnh Luhansk.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ukraine điện đàm

Theo CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 15.5 đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết ông Austin “nhắc lại sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với chủ quyền của Ukraine và các nỗ lực hỗ trợ an ninh, đồng thời cung cấp thông tin về cuộc gọi giữa ông Austin với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 13.5.

Bộ trưởng Austin và Bộ trưởng Reznikov "đã thảo luận về tình hình trên chiến trường và nhu cầu của Ukraine. Hai bên cũng cam kết sẽ giữ liên lạc", Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Xem nhanh: Chiến sự bước sang ngày thứ 81, Nga quyết không lùi bước


Thổ Nhĩ Kỳ ra điều kiện cho Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15.5 đã ra điều kiện Phần Lan và Thụy Điển cần thực hiện trước khi có được sự đồng ý của Ankara trong việc trở thành thành viên NATO. Ankara muốn các nước Bắc Âu ngừng hỗ trợ cho những nhóm chiến binh người Kurd và dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Yêu cầu được đưa ra bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng NATO ở Berlin (Đức).

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết các cuộc đàm phán với những người đồng cấp Thụy Điển và Phần Lan tại Berlin rất hữu ích. Helsinki và Stockholm đã đưa ra đề xuất để đáp ứng những lo ngại của Ankara và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét các đề xuất này.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây bất ngờ cho các đồng minh khi tuyên bố không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Xem thêm: Phần Lan và Thụy Điển muốn gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ ra điều kiện

Sống sót thoát khỏi nhà máy Azovstal, nữ công nhân kể lại câu chuyện trú ẩn dưới hầm

NATO sẽ rút ngắn thời gian kết nạp Phần Lan, Thụy Điển

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này sẽ đảm bảo quá trình phê duyệt tư cách thành viên đối với Thụy Điển và Phần Lan diễn ra "nhanh chóng", một khi hai nước Bắc Âu chính thức đăng ký gia nhập.

Phát biểu được ông Stoltenberg nói với các phóng viên ở Berlin qua video sau một loạt cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng NATO ngày 15.5.

Chính phủ Phần Lan ngày 15.5 thông báo sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO, vài giờ trước khi đảng cầm quyền của Thụy Điển thông báo về việc chính thức thay đổi lập trường trung lập, mở đường cho việc "nối gót" nước láng giềng.

Xem thêm: NATO sẽ đẩy nhanh quá trình kết nạp Phần Lan và Thụy Điển

Xem thêm tình hình chiến sự Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.