Chiến sự Ukraine ngày 110: Ukraine thất thế tại Severodonetsk

Khánh An
Khánh An
14/06/2022 06:30 GMT+7

Chiến sự tại Ukraine vào ngày thứ 110 đáng chú ý với thông tin lực lượng Ukraine bị đẩy khỏi trung tâm thành phố Severodonetsk ở miền đông, trong khi nhiều nơi khác cũng hứng hỏa lực.

Khói bụi bốc lên từ chiến sự ở Severodonetsk vào ngày 13.6

afp

Hãng Reuters ngày 13.6 đưa tin lực lượng Nga đẩy mạnh tiến công vào thành phố Severodonetsk ở tỉnh Luhansk phía đông Ukraine và oanh kích một nhà máy hóa chất, phần nào tái hiện cảnh tấn công nhà máy thép Azovstal ở Mariupol vào tháng trước.

Lực lượng ly khai thân Moscow cho biết cây cầu cuối cùng từ Severodonetsk ra bên ngoài đã bị phá hủy, khiến lực lượng Ukraine cố thủ bị cắt đứt đường rút lui. Trong khi đó, phía Ukraine cho biết vẫn còn đường khác nhưng bị hư hại nghiêm trọng.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ngày 110, quân Ukraine bị đe dọa "hàng hoặc chết" ở Severodonetsk

“Bên cạnh việc dội pháo, ném bom thường xuyên, có nguy cơ thực sự rằng lực lượng phòng vệ tại Severodonetsk có thể bị chia cắt với Lysychansk nếu chiếc cầu thứ 3 kết nối 2 thành phố bị phá hủy”, theo phát ngôn viên Damien Magrou của Binh đoàn quốc tế phòng vệ lãnh thổ Ukraine có lực lượng tại Severodonetsk.

“Bạn có thể thấy tình hình tương tự như Mariupol khi một khu vực lớn của lực lượng phòng vệ Ukraine bị chia cắt khỏi bên ngoài. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là các đối tác phương Tây cần cung cấp pháo tầm xa càng sớm càng tốt”, ông kêu gọi.

Theo tỉnh trưởng Luhansk Serhyi Gaidai, chiến sự ác liệt đến mức 2 bên giằng co từng con đường và từng tòa nhà suốt vài ngày. Ông cho biết nhà máy hóa chất Azot tại Severodonetsk bị dội pháo, nơi có khoảng 500 dân thường trú ẩn.

Phía Nga chưa bình luận về thông tin trên. Hãng RIA dẫn lời phát ngôn viên Eduard Basurin của lực lượng ly khai thân Moscow cho rằng lực lượng Ukraine tại Severodonetsk bị bao vây và nên đầu hàng nếu không muốn thiệt mạng.

NATO: Ukraine phải quyết định đổi bao nhiêu lãnh thổ để lấy hòa bình

Theo AFP dẫn lời giới chức địa phương tại vùng Chernihiv, phía Nga còn oanh kích thành phố Pryluky ở phía bắc Ukraine, khiến nhiều ngôi làng lân cận phải sơ tán. Pryluky cách Kyiv khoảng 150 km về phía đông và có một sân bay quân sự.

Lực lượng Nga đã rút khỏi Chernihiv vào tháng 4, hai tháng sau khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Kể từ đó, vùng này hầu như không còn bị oanh kích do Nga tập trung vào miền đông Ukraine, trừ vụ oanh kích ngày 17.5 tại một căn cứ quân sự trong khu vực khiến 87 người thiệt mạng.

Phần Lan cáo buộc Nga dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt

Theo tờ The Guardian, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho rằng cả Nga lẫn Ukraine đều đang sử dụng những vũ khí hạng nặng trong chiến sự, trong đó Nga có sử dụng bom nhiệt áp.

“Chúng ta đang hỗ trợ Ukraine với vũ khí hạng nặng ngày càng nhiều. Còn bên kia Nga cũng bắt đầu sử dụng vũ khí rất mạnh, bom nhiệt áp thực ra là vũ khí hủy diệt hàng loạt”, ông phát biểu với báo giới về chính sách an ninh. Nga chưa bình luận về phát biểu trên.

Liên quan việc các ứng viên gia nhập NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 13.6 cho hay Thụy Điển đã có những bước quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia nhập NATO.

Phần Lan sẽ không gia nhập NATO mà không có Thụy Điển

“Tôi hoan nghênh việc Thụy Điển đã bắt đầu thay đổi luật pháp về phòng chống khủng bố và Thụy Điển sẽ đảm bảo khung pháp lý về xuất khẩu vũ khí sẽ phản ánh vị thế tương lai là một thành viên NATO với các cam kết mới với đồng minh”, ông phát biểu trong chuyến thăm Thụy Điển.

Ukraine xuất khẩu lương thực qua đường Ba Lan, Romania

Theo Reuters, Ukraine đã mở 2 tuyến xuất khẩu ngũ cốc sang Ba Lan, Romania nhằm giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu và đang tìm thêm tuyến thứ 3, dù các tuyến này gặp tình trạng nút thắt cổ chai.

Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào ngày 12.6, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Senik nói Ukraine đang đàm phán với các nước Baltic để có thêm tuyến xuất khẩu lương thực thứ 3.

Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ 4 thế giới và có khoảng 30 triệu tấn ngũ cốc đang lưu kho tại lãnh thổ do nước này hiện kiểm soát. Ukraine vẫn đang tìm cách xuất khẩu ngũ cốc qua các tuyến đường bộ, đường sông và đường sắt.

Ukraine mở tuyến xuất khẩu ngũ cốc qua Ba Lan, Romania

Xem thêm: Ukraine mở đường xuất khẩu lương thực qua Ba Lan, Romania

Cựu thủ tướng Nga nói xung đột có thể kéo dài 2 năm

AFP ngày 13.6 dẫn lời ông Mikhail Kasyanov (64 tuổi), người đầu tiên nhậm chức thủ tướng Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, cho biết ông dự đoán xung đột ở Ukraine có thể kéo dài đến 2 năm và Ukraine bắt buộc phải giành chiến thắng.

“Nếu Ukraine sụp đổ, các nước Baltic sẽ là mục tiêu tiếp theo", ông Kasyanov nói và nhận định kết quả của cuộc xung đột cũng sẽ quyết định tương lai của Nga.

Cựu thủ tướng Kasyanov cho biết ông "hoàn toàn không đồng ý với đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng không nên khiến Nga mất mặt". Ông Kasyanov cũng bác bỏ những lời kêu gọi Ukraine nhượng lại lãnh thổ để chấm dứt xung đột.

Cựu chỉ huy Tiểu đoàn Azov: thi thể lính Ukraine vẫn còn ở Mariupol

Ông Kasyanov là thủ tướng Nga từ năm 2000 đến năm 2004. Khi còn là thủ tướng, ông ủng hộ việc Nga có quan hệ chặt chẽ với phương Tây. Sau khi bị Tổng thống Putin sa thải, ông Kasyanov gia nhập phe đối lập của Nga và trở thành một trong những người chỉ trích Điện Kremlin.

Ông hiện là lãnh đạo của đảng Tự do Nhân dân đối lập (Parnas). Ông Kasyanov cũng cho biết mình đã rời Nga và đang sống ở châu Âu nhưng từ chối tiết lộ vị trí vì lo ngại cho sự an toàn của mình.

Xem thêm diễn biến chiến sự Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.