Triều Tiên công nhận DPR và LPR
Triều Tiên ngày 13.7 đã chính thức công nhận "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" (DPR) và "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" (LPR), hai thực thể ly khai ở vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine, theo hãng tin TASS của Nga. Cho đến nay, mới chỉ có Nga và Syria công nhận DPR và LPR là các "nhà nước" hợp pháp.
Đại sứ Triều Tiên tại Nga Sin Hong-chol trao văn kiện công nhận DPR cho người đứng đầu cơ quan đại diện DPR tại Moscow, bà Olga Makeyeva |
TASS cho biết Đại sứ quán Triều Tiên tại Moscow đã xác nhận thông tin này. Trong khi đó, lãnh đạo của DPR, ông Denis Pushilin, nói trên Telegram rằng ông hy vọng về "hợp tác hiệu quả" và giao thương gia tăng với Triều Tiên, theo Reuters.
Cơ quan đại diện của DPR tại Moscow đăng trên Telegram bức ảnh chụp buổi lễ trong đó Đại sứ Triều Tiên tại Nga Sin Hong-chol trao văn kiện công nhận DPR cho người đứng đầu cơ quan này, bà Olga Makeyeva.
Nga đã công nhận độc lập đối với DPR và LPR ngay trước khi tuyên bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Moscow, nói mục tiêu của họ là bảo vệ người nói tiếng Nga tại hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Xem nhanh: Ngày 140 chiến dịch quân sự, Nga chưa có cách ngăn chặn tập kích từ HIMARS của Ukraine? |
EU xoa dịu căng thẳng ở Kaliningrad
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), ngày 13.7 nói hàng hóa Nga nằm trong danh mục trừng phạt có thể đi qua lãnh thổ của khối bằng đường sắt, sau khi căng thẳng giữa Moscow và Lithuania leo thang vì vấn đề giao thương với vùng Kaliningrad của Nga.
EC cho biết lệnh trừng phạt của EU áp dụng đối với việc vận chuyển hàng hóa Nga bằng đường bộ, song không áp dụng đối với đường sắt, và các quốc gia EU cần kiểm tra các chuyến tàu như vậy.
"Ủy ban nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát dòng chảy thương mại hai chiều giữa Nga và Kaliningrad... để đảm bảo rằng hàng hóa bị trừng phạt không thể đi vào lãnh thổ hải quan của EU", EC nói, theo Reuters.
Ủy ban cho biết thêm rằng việc vận chuyển hàng hóa quân dụng và lưỡng dụng bị cấm bất kể dùng phương thức vận chuyển nào.
Lithuania, thành viên của cả EU và NATO, đã lâm vào căng thẳng với Nga trong những tuần qua sau khi tuyên bố cấm vận chuyển hàng hóa Nga đến Kaliningrad thông qua lãnh thổ của mình. Kaliningrad là một tỉnh của Nga nhưng tách biệt với phần còn lại của đất nước, nằm lọt giữa Lithuania và Ba Lan.
Nông dân ở Nga sắp có một mùa lúa mì bội thu |
Hội nghị bốn bên ở Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc
Các phái đoàn quân sự của Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp các quan chức Liên Hiệp Quốc tại Istanbul ngày 13.7 để đàm phán về việc khôi phục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ cảng Odessa ở biển Đen, giữa lúc cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng.
Cuộc gặp 4 bên tại Istanbul ngày 13.7 |
afp |
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moscow đã trình bày một số đề xuất để đi đến "giải pháp thực tế về vấn đề này một cách nhanh chóng" trong cuộc gặp.
Ukraine và Nga là những nhà cung cấp lúa mì lớn trên toàn cầu. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn, trong khi Ukraine là nhà sản xuất ngô và dầu hướng dương quan trọng.
Các nhà ngoại giao cho biết chi tiết của kế hoạch đang được thảo luận bao gồm việc tàu Ukraine hướng dẫn các tàu chở ngũ cốc ra vào khu vực cảng có mìn, Nga đồng ý ngừng bắn trong khi các tàu qua lại; và Thổ Nhĩ Kỳ - với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc - kiểm tra các tàu để xoa dịu lo ngại của Nga về việc buôn lậu vũ khí, theo Reuters.
Nga tìm cách kiểm soát các thị trấn nhỏ ở Donetsk để đến sát mục tiêu chính Slovyansk, Kramatorsk |
Ukraine bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 13.7 đã bác bỏ việc nhượng lãnh thổ cho Nga như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào và cho biết không có cuộc đàm phán nào đang được tiến hành giữa Moscow và Kyiv.
"Mục tiêu của Ukraine trong cuộc chiến này... là giải phóng lãnh thổ của chúng tôi, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đầy đủ ở phía đông và phía nam của Ukraine", ông nói trong một cuộc họp báo, theo Reuters. Ông nhấn mạnh: "Đây là điểm chốt hạ lập trường đàm phán của chúng tôi".
"Hiện tại không có cuộc đàm phán (hòa bình) nào giữa Nga và Ukraine vì lập trường của Nga và việc nước này tiếp tục gây hấn với đất nước của chúng tôi", ông Kuleba cho biết.
Ukraine nói pháo binh ở thế 1 chọi 8 với Nga, nhưng HIMARS đang giúp thay đổi tình hình |
Bình luận (0)