Chiến sự Ukraine ngày 703: Hàng chục nước chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ Kyiv 10 năm

Khánh An
Khánh An
28/01/2024 05:21 GMT+7

Khoảng 30 quốc gia đang chuẩn bị các chiến lược hỗ trợ chi tiết cho Ukraine kéo dài đến một thập niên.

Chiến sự Ukraine ngày 703: Hàng chục nước chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ Kyiv 10 năm- Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine sửa chữa pháo L119 tại một địa điểm gần Bakhmut

REUTERS

Tờ The Washington Post ngày 27.1 dẫn nguồn giới thạo tin cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang làm việc về một kế hoạch dài hạn để hỗ trợ Ukraine.

Tuy nhiên, kế hoạch này không bao gồm việc giành lại kiểm soát đáng kể lãnh thổ của Ukraine trong năm 2024.

Kế hoạch mới sẽ tìm cách giảm bớt nhấn mạnh việc giành lại lãnh thổ mà thay vào đó tập trung vào việc chống lại những bước tiến mới của Nga, đồng thời tăng cường quốc phòng và kinh tế.

Điểm xung đột: UAV Ukraine 'năm ăn năm thua', Israel có lý do để thịnh nộ

"Khá rõ ràng là họ sẽ khó có thể cố gắng tạo ra lực đẩy lớn trên tất cả các mặt trận như họ đã cố gắng thực hiện vào năm ngoái", theo một quan chức cấp cao Mỹ.

Bản tin cho biết kế hoạch này là một phần trong nỗ lực đa phương của khoảng 30 quốc gia nhằm cung cấp hỗ trợ kinh tế và an ninh lâu dài cho Ukraine. Theo đó, mỗi quốc gia đang chuẩn bị một tài liệu phác thảo các chiến lược hỗ trợ chi tiết cho Ukraine kéo dài tới một thập niên.

Trong một diễn biến khác, Đài CNN dẫn các nguồn tin cho hay những nhà đàm phán ở Thượng viện Mỹ đã đồng ý về một thỏa thuận nhằm mở đường cho việc tiếp tục viện trợ Ukraine, dự kiến sẽ công bố vào tuần tới.

Tuy nhiên, kế hoạch này có thể gặp sự phản đối mạnh mẽ tại hạ viện, khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cảnh báo rằng thỏa thuận sẽ "chết trước khi đến nơi".

Đề nghị viện trợ bổ sung hơn 110 tỉ USD, trong đó có khoảng 61 tỉ USD cho Ukraine, đã bị vướng tại Quốc hội Mỹ từ năm ngoái.

Nga thông tin thêm về máy bay Il-76

Đài RT ngày 27.1 đưa tin Ủy ban Điều tra Nga công bố đoạn phim cho thấy các tù binh Ukraine lên chiếc Il-76, máy bay vận tải quân sự bị bắn rơi tại vùng Belgorod gần biên giới Ukraine hôm 24.1.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc Il-76 của nước này bị rơi gần làng Yablonovo khiến tất cả mọi người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 65 tù binh Ukraine dự kiến được đưa đi trao đổi.

Nga cáo buộc Ukraine bắn rơi máy bay chở tù binh, Kyiv muốn quốc tế điều tra

Chính quyền Nga cáo buộc quân đội Ukraine bắn hạ máy bay bằng tên lửa đất đối không.

Liên quan vụ việc, Ukraine cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế để đưa ra sự thật về máy bay rơi tại vùng Belgorod của Nga. Theo The Kyiv Independent dẫn lời phát ngôn viên cơ quan tình báo quân đội Ukraine Andrii Yusov, Nga chưa chuyển thông tin về vụ việc lên Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế để điều tra.

Không xác nhận cũng không phủ nhận sự liên quan của Ukraine trong vụ máy bay rơi, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho hay Kyiv đang giám sát chặt chẽ các điểm phóng tên lửa của Nga và công tác hậu cần cho việc vận chuyển chúng, đặc biệt là việc sử dụng máy bay vận tải quân sự, trong bối cảnh các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Nga.

Xem thêm: Nga công bố cảnh tù binh Ukraine lên máy bay Il-76

Thổ Nhĩ Kỳ được mua thêm F-16

Theo US News and World Report, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt thương vụ bán 40 chiếc máy bay chiến đấu F-16 và các thiết bị liên quan khác, trị giá 23 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ gửi "văn kiện phê chuẩn" việc Thụy Điển gia nhập NATO cho Mỹ.

Là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã trì hoãn việc chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển trong hơn một năm qua. Việc Mỹ không phê chuẩn thương vụ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nguyên nhân chính cho sự kéo dài này.

Thủ tướng Slovakia nói cho Ukraine gia nhập NATO là 'cơ sở cho Thế chiến 3'

Việc Thụy Điển chính thức gia nhập NATO hiện chỉ còn phụ thuộc vào Hungary, thành viên cuối cùng của NATO chưa phê chuẩn. Các quan chức Mỹ và NATO cho biết họ mong đợi Hungary hành động nhanh chóng, đặc biệt là sau quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ.

Xem thêm: Mỹ đồng ý bán chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ sẽ đưa bom hạt nhân đến Anh?

Tờ The Telegraph ngày 27.1 đưa tin Mỹ định điều vũ khí hạt nhân đến Anh lần đầu trong 15 năm, giữa thông tin cho rằng mối đe dọa từ Nga ngày càng gia tăng.

Các đầu đạn hạt nhân mạnh gấp 3 lần quả bom nguyên tử từng ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) có thể được đưa đến Căn cứ Không quân Hoàng gia Anh (RAF) Lakenhealth ở vùng Suffolk phía đông nước Anh, theo đề xuất.

Bình luận về thông tin điều động vũ khí hạt nhân, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết "chính sách lâu dài của Vương quốc Anh và NATO là không xác nhận hay phủ nhận sự hiện diện của vũ khí hạt nhân tại một địa điểm nhất định".

Nga không đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ, ra điều kiện gì?

Xem thêm: Mỹ định điều động vũ khí hạt nhân đến Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.