Chiến sự Ukraine ngày 826: Phương Tây chia rẽ giữa cảnh báo rắn từ Tổng thống Putin

30/05/2024 04:28 GMT+7

Các quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine đang bất đồng về việc liệu có nên cho phép lực lượng Kyiv tấn công các địa điểm quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do họ cung cấp hay không.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Đức hôm 28.5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói Ukraine nên được phép sử dụng vũ khí phương Tây để "vô hiệu hóa" các địa điểm quân sự trên lãnh thổ Nga mà quân đội Moscow sử dụng để bắn tên lửa về phía Ukraine.

Tuy nhiên, ông Macron nhấn mạnh rằng "chúng ta không nên cho phép họ động đến các mục tiêu khác ở Nga và rõ ràng là không động đến các năng lực dân sự", theo AFP.

Tổng thống Biden 'âm thầm' bật đèn xanh để Ukraine dùng vũ khí Mỹ đánh đất Nga

Phát biểu này xuất hiện trong bối cảnh một số thành viên NATO cũng như người đứng đầu liên minh Jens Stoltenberg kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí để đẩy mạnh các cuộc tấn công trên đất Nga, sau hơn hai năm chiến sự.

Trước đó trong ngày 28.5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng các thành viên NATO ở châu Âu đang "đùa với lửa" khi đưa ra đề xuất như vậy. Theo ông Putin, "hành động leo thang liên tục này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng".

Chiến sự Ukraine ngày 826: Phương Tây chia rẽ giữa cảnh báo rắn từ Tổng thống Putin- Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến Donetsk

REUTERS

Cho đến nay, vấn đề vẫn gây chia rẽ trong các đồng minh của Kyiv. Chẳng hạn, quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu châu Âu như Đức không muốn cho phép Ukraine tấn công xuyên biên giới vì lo ngại điều này có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Moscow.

Sau phát biểu của ông Macron, ông Scholz cho biết có các quy định liên quan việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine và việc này "phải luôn nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế". Ông cũng lưu ý rằng Đức và Pháp đã "cung cấp các loại vũ khí khác nhau".

Mỹ, nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, cũng không đồng ý cho Kyiv sử dụng vũ khí của mình để tấn công lãnh thổ Nga. Nhà Trắng hôm 28.5 cho biết chính sách của Washington trong vấn đề này vẫn chưa có gì thay đổi.

Song Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Cezary Tomczyk hôm 29.5 tiết lộ Ukraine đang được tự do sử dụng vũ khí do Ba Lan cung cấp, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây khác dỡ bỏ các hạn chế của họ, theo AFP.

Telegraph: Ukraine vẫn chưa thể là thành viên của NATO

Nga tiếp tục tập kích bằng tên lửa, pháo

Giới chức Ukraine hôm 29.5 cho biết tổng cộng 9 người đã thiệt mạng tại nhiều tỉnh của nước này, khi Nga tranh thủ lợi thế mà họ giành được ở tiền tuyến, trước những khó khăn của lực lượng Kyiv.

Theo AFP, Thống đốc Sergiy Lysak cho biết tại tỉnh Dnipropetrovsk, 2 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công nhằm vào thành phố Nikopol nằm ở hữu ngạn sông Dnipro.

Một cuộc tấn công tên lửa trước đó nhằm vào tỉnh Sumy giáp biên giới Nga đã khiến 2 người thiệt mạng và 3 người bị thương, theo chính quyền địa phương.

Thống đốc Vadym Filashkin của tỉnh Donetsk thông báo 3 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công riêng biệt hôm 29.5.

Tại tỉnh Kherson ở phía nam, lãnh đạo chính quyền cho hay Nga đã pháo kích vào nhà ở và cơ sở hạ tầng, khiến một người tử vong.

Ukraine có thể đã thổi phồng thành tích diệt máy bay Su-25 Nga

Thực hư chuyện Ukraine bắn rơi 7 cường kích Su-25 của Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và quân đội nước này đã tuyên bố bắn hạ 7 cường kích Su-25 của Nga trong chưa đầy một tháng, song lại không có nhiều bằng chứng hỗ trợ thông tin trên, theo tường thuật của Forbes hôm 28.5.

Lữ đoàn cơ giới số 110, Bộ Quốc phòng Ukraine và Tổng thống Zelensky đều tuyên bố hệ thống phòng không của lữ đoàn này đã bắn hạ 7 cường kích Su-25 của Nga trong tháng 5, với trường hợp gần nhất là vào ngày 25.5.

Tuy nhiên, lực lượng Ukraine lại chưa đưa ra bằng chứng rõ ràng cho tuyên bố trên. Theo Forbes, chỉ có một hình ảnh mờ về vật gì đó bốc cháy ở mặt đất được đăng vào ngày 13.5, cùng một video quay từ rất xa được Bộ Quốc phòng Ukraine đăng ngày 26.5 về cảnh tên lửa bắn trúng phi cơ bay tầm thấp. Những “bằng chứng” trực quan khác mà Lữ đoàn số 110 đưa ra đến từ cảnh trong trò chơi điện tử.

Thụy Điển công bố viện trợ mới cho Ukraine

Thụy Điển ngày 29.5 đã cam kết viện trợ quân sự 13,3 tỉ krona (1,25 tỉ USD) cho Ukraine, trong bối cảnh Kyiv phải đối phó với sự gián đoạn của dòng chảy vũ khí từ phương Tây.

Quốc gia Scandinavia, thành viên NATO từ tháng 3, sẽ tài trợ một loạt khí tài quân sự, bao gồm máy bay giám sát ASC 890, tên lửa không đối không tầm trung Rb 99 và đạn pháo, cũng như toàn bộ đội xe chuyển quân bọc thép PBV 302 của nước này.

"Thụy Điển đang hỗ trợ Ukraine với gói viện trợ thứ 16, gói viện trợ lớn nhất cho đến nay, trị giá 13,3 tỉ krona", Phó thủ tướng Thụy Điển Ebba Busch nói với các phóng viên, theo AFP.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết máy bay giám sát ASC 890 sẽ đặc biệt hữu ích cho lực lượng phòng không Ukraine, cho phép họ "xác định tên lửa hành trình và máy bay không người lái đang bay tới cũng như xác định các mục tiêu cả trên bộ và lẫn trên biển".

Stockholm không loại trừ việc gửi máy bay chiến đấu Gripen cho Ukraine, nhưng hôm 28.5 cho biết liên minh không quân hỗ trợ Kyiv đã yêu cầu Thụy Điển trì hoãn việc này vì họ ưu tiên đưa những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất vào lực lượng không quân Ukraine.

Tổng giá trị các cam kết viện trợ của Stockholm cho Kyiv đến nay đã lên đến hơn 100 tỉ krona, đưa Ukraine trở thành quốc gia nhận viện trợ lớn nhất của Thụy Điển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.