|
Ôn thi cùng thủ khoa
Một trong những đơn vị tổ chức “Ôn thi cùng thủ khoa” là Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam. Trên website có địa chỉ www.hocvalam.vn của trung tâm này có đăng tải danh sách thủ khoa đang tham gia giảng bài, kèm cặp học sinh ôn thi, với nhiều cái tên quen thuộc như Tăng Văn Bình; Lê Minh Thông; Đinh Quang Cường… từng là thủ khoa nổi tiếng trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH. Để tạo thêm lòng tin cho khách ghé thăm, website còn có cả danh sách họ tên, trình độ và đơn vị công tác của hàng chục “chuyên gia luyện thi” là giảng viên tại ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội…
Trong vai người đi đăng ký ôn thi cho người nhà, PV Thanh Niên tìm đến văn phòng trung tâm thuê tại phòng 507, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, số 5 phố Chùa Láng. Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam, ông Bùi Đức Quyết, say sưa giới thiệu về các lớp ôn thi đang hoạt động. Ông Quyết cho hay, khóa ôn thi cùng thủ khoa mở từ 2 năm nay và chỉ nhận thí sinh đạt yêu cầu khi đã vượt qua các vòng kiểm tra kiến thức. Do nhu cầu, nguyện vọng ôn thi cùng thủ khoa từ phụ huynh và thí sinh quá lớn, từ năm 2012, trung tâm mở rộng tuyển sinh với cả học sinh khá và trung bình. “Ở đây, học sinh học theo nhóm nhỏ, lớp không quá 30 người...”, ông Quyết cho biết.
Học phí cho một tháng ôn thi tại đây rất cao với giá 6 triệu đồng. Nếu có nhu cầu ở nội trú mỗi học sinh đóng thêm 1,2 triệu đồng/người.
Còn ở gói ôn thi cao cấp, học viên được ở chung nhà với thủ khoa, khi vượt qua vòng kiểm tra kiến thức, học viên phải nộp trước 15 triệu đồng, chưa kể tiền cam kết thưởng cho thủ khoa khi học sinh đỗ ĐH. Cũng theo ông Quyết, tùy vào số tiền phụ huynh cam kết, tổng chi phí cho gói ôn thi cùng thủ khoa dao động từ 25 - 40 triệu đồng.
Chúng tôi đặt câu hỏi: “Nếu ôn cùng thủ khoa mà không đỗ ĐH thì hai bên sẽ giải quyết thế nào?”. Ông Quyết cho biết, trung tâm có cam kết với từng trường hợp về khoản tiền thưởng cho thủ khoa khi các em đỗ ĐH, trường hợp học sinh không đỗ thì chỉ mất 15 triệu đồng tiền ăn, ở.
Tại Hà Nội, hiện có khá nhiều trung tâm quảng cáo ôn thi cùng thủ khoa. Trên website clbgiasuthukhoa.org cũng quảng cáo đã mở lớp ôn thi gần Trường ĐH Tài nguyên môi trường. Học viên phải chi 300.000 đồng mua hồ sơ đăng ký, nếu trải qua vòng kiểm tra kiến thức thì nộp 9 triệu đồng, gồm cả tiền ăn, ở trong tháng ôn thi. Khi chúng tôi liên lạc tới số điện thoại 0973765358 đăng tải trên website, người phụ nữ trả lời điện thoại xác nhận, các lớp ôn thi 3 khối A, A1, D đã “đi vào quỹ đạo”. Mỗi lớp chỉ nhận 10 người vì phòng không đủ chỗ. Khi được hỏi về người giảng bài có chính xác là thủ khoa hay không, người phụ nữ này một mực quả quyết: “Có Tăng Văn Bình chủ nhiệm lớp khối A”.
Khi chúng tôi gọi điện đến câu lạc bộ (CLB) thủ khoa EFC, địa chỉ số 50, ngõ 24, đường Ngọc Lâm (Q.Long Biên), người tự xưng là đại diện CLB khẳng định: “Có 2 cơ sở, trong quận nội thành đã có Đinh Quang Cường phụ trách. Các thủ khoa còn lại thì tham gia giảng bài tại cơ sở 2”…
Chỉ là mạo danh
Chúng tôi đã gặp Đinh Quang Cường - Chủ nhiệm CLB gia sư thủ khoa Hà Nội. Cường cho biết ngoài lớp ôn thi duy nhất tại số nhà 35C, ngõ 32 đường Bưởi, CLB không hề liên kết hay phối hợp với các cá nhân, tổ chức bên ngoài để mở lớp ôn thi. “CLB gia sư thủ khoa Hà Nội có lớp ôn thi duy nhất, hoàn toàn không có chuyện thành viên CLB tham gia dạy thuê cho các trung tâm, hay lò luyện thi nào khác. Thông tin quảng cáo trên các trang mạng của các trung tâm đào tạo và lò luyện thi là sự lừa đảo và bịa đặt trắng trợn”, Cường khẳng định. Chúng tôi tiếp tục liên lạc với Tăng Văn Bình, thủ khoa đạt điểm tuyệt đối vào Trường ĐH Ngoại thương năm 2010, người được hầu hết các website, lò luyện quảng cáo cho mô hình ôn thi cùng thủ khoa. Bình ngỡ ngàng và bức xúc khi tên mình bị lợi dụng để quảng cáo, rao vặt trên mạng. Bình khẳng định, chưa bao giờ nhận lời đi giảng bài cho các lò luyện thi hay các trung tâm đào tạo bên ngoài.
Lần theo địa chỉ của các “chuyên gia luyện thi” nằm trong danh sách tham gia luyện thi tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam, chúng tôi đã liên hệ với nhiều giảng viên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Tất cả những giảng viên chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định không có đồng nghiệp nào tên: Phạm Hùng Hải (thạc sĩ vật lý), Nguyễn Bá Mai (thạc sĩ hóa học)… đang công tác tại trường như thông tin đăng tải trên website www.hocvalam.vn.
Giả mạo trường ĐH quảng cáo Sau loạt bài Cẩn trọng với luyện thi cấp tốc đăng trên Báo Thanh Niên, đại diện Trường ĐH Hoa Sen cho biết có trung tâm luyện thi mạo danh giảng viên trường mình. Theo tờ quảng cáo của Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH Hoa Sen (trực thuộc Trường THCS - THPT Hoa Sen, 26 Phan Chu Trinh, Q.9, TP.HCM), giảng viên luyện thi tại đây đến từ các trường như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Hoa Sen… Tuy nhiên, Trường ĐH Hoa Sen cho biết không có bất kỳ giảng viên nào của trường giảng dạy cho trung tâm này. Theo danh sách khoảng 240 trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH được Sở GD-ĐT TP.HCM cấp phép cũng không có tên trung tâm này. Chỉ có Trung tâm ngoại ngữ - tin học - bồi dưỡng văn hóa Hoa Sen nhưng địa chỉ cấp phép nằm tại 743/15 Hồng Bàng, P.6, Q.6. Đăng Nguyên |
Phan Hậu - Thúy Hằng
>> Nhiều trung tâm luyện thi sai phạm
>> Cẩn trọng với luyện thi cấp tốc - Kỳ 2: Đủ chiêu lôi kéo học viên
>> Cẩn trọng với luyện thi cấp tốc
>> Thí sinh bắt đầu về thành phố luyện thi
>> Cơ hội cho học sinh trung bình
>> Đừng quá tin vào các lò luyện thi cấp tốc
>> Luyện thi cấp tốc
>> Nóng" ở các lò luyện thi cấp tốc
>> “Lò” luyện thi cấp tốc: Nhiều chiêu lôi kéo học viên
>> Luyện thi cấp tốc có nhanh tới đích?
>> Luyện thi ĐH: Trung tâm đìu hiu, trên mạng nở rộ
Bình luận (0)