Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: Mong sao thoát cảnh chợ 'chạy'

Nhiều người bán hàng tại khu chợ tự phát gần Công ty PouYuen đều cho hay, dù không làm công nhân, hưởng lương trực tiếp từ đơn vị, nhưng sinh kế của hàng trăm gia đình bán buôn ở khu chợ này phụ thuộc lớn vào 'nguồn lao động' công ty.

Thế nên khi nghe tin công nhân ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Công ty PouYuen, trú đóng P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) mất việc, tiền lương bị ảnh hưởng, người bán ở chợ tự phát cũng không ít âu lo…

Từ 16 - 16 giờ 30, công nhân PouYuen tan ca, những ngả đường đông nghẹt người. Phiên chợ chiều náo nhiệt. Hàng rong, xe đẩy "bủa vây" Công ty PouYuen. Kèn xe inh ỏi. Công nhân ghé xe, tạt nhanh để mua thực phẩm về nấu cơm chiều. Còn người bán trải bạt, bày ra đủ loại lương thực, thực phẩm trên vỉa hè, lòng đường, Ai cũng cất tiếng rao mời mua hàng và liên tục đảo mắt xung quanh để kịp "chạy" khi trật tự đô thị xuất hiện.

Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: Mong sao thoát cảnh chợ 'chạy'- Ảnh 1.

Tuyến đường quanh Công ty PouYuen, người dân bán buôn nhộn nhịp

CHỤP MÀN HÌNH GOOGLE MAPS

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Út (38 tuổi, quê Bạc Liêu) trải bạt trên vỉa hè phía đường 54, bày bán loe ngoe vài món rau củ. Chị Út kể ngày xưa, hai vợ chồng dưới quê loay hoay làm ruộng, nhưng mất mùa hoài. Thấy công việc không ổn định, nên 5 năm trước, nghe người quen giới thiệu nên hai vợ chồng lên TP.HCM, thuê một căn nhà trọ gần Công ty PouYuen, định đi làm công nhân. Nhưng không được nhận vào làm, hai vợ chồng bèn lấy vài món hàng để ra chợ PouYuen bán.

Công ty PouYuen tuyển dụng 1.000 nhân sự tại ngày hội việc làm cuối năm

"Lúc dịch Covid-19 thì mình không nói rồi, nhưng hai năm nay bán khó khăn lắm, vì cạnh tranh và vì công nhân không có tiền mua. Chưa từng thấy năm nào như năm nay. Bây giờ nhìn công nhân tan ca đông nghẹt người vậy, nhưng không bằng hồi đó", chị Út nói.

"Ngày xưa bán không kịp luôn, giờ thì lác đác. Nhiều khi không biết ở đây có khi nào người bán còn đông hơn người mua hay không, bởi người bán vãng lai nhiều lắm. Có chị em ở nhà nhận hàng may gia công, có khi được mối bán xoong nồi là cũng sẽ trải ra bán, thấy chỗ trống thì bán thôi", chị Út chia sẻ thêm.

Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: Mong sao thoát cảnh chợ 'chạy'- Ảnh 2.
Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: Mong sao thoát cảnh chợ 'chạy'- Ảnh 3.
Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: Mong sao thoát cảnh chợ 'chạy'- Ảnh 4.

Người dân buôn bán quanh Công ty PouYuen "chạy" khi trật tự đô thị xuất hiện

TRỌNG NGHĨA

Vừa nói xong, đồng hồ điểm 16 giờ 39, chị Út thấy xe tuần tra của đội trật tự đô thị đi tới từ hướng dưới chân cầu tỉnh lộ 10B. Hai vợ chồng liền túm bạt rau, quấn lại, chất lên yên xe máy. Khi xe tuần tra đi qua, chị Út lấy xuống trải ra bán.

Thao tác nhanh gọn, chị Út nói: "Mấy tháng nay không dám lấy hàng nhiều, một phần vì công nhân mua ít, phần vì đôi khi trật tự đô thị họ cũng làm gắt, mình bán tự phát mà. Cuối ngày còn dư hàng thì để ăn, nếu không ăn thì cũng phải bỏ, chịu lỗ".

Hỏi chị tết tới có về quê không, chị Út đáp: "Cũng không mong chi tết đến nữa, muốn về quê nhưng nghĩ lại thì tiền đâu mà về, hằng ngày tiền ăn suy nghĩ thôi đã mệt rồi".

Tiếp tục bán rau cho khoảng 2 công nhân nữa thì tầm 16 giờ 49, hai vợ chồng chị Út tiếp tục "chạy", vì đội trật tự đô thị quay đầu xe lại. Quanh chị Út, nhiều người gom hàng lại, bê bưng tháo chạy, quay mặt đi. Vài người bỏ hàng vào thùng xốp, đứng dựa vào tường, chân giữ khư khư thùng hàng kế bên.

Cách chỗ bán của chị Út không xa, bà Trần Kim Hạnh (43 tuổi, quê Bình Định) kéo cao cổ áo khoác, dọn vào mâm định bưng chạy. Bà Hạnh nói: "Khó khăn mới bán, nhưng cũng không ổn định, có hôm bưng chạy sứt móng chân".

Theo lời bà Hạnh, mỗi ngày, người bán ở chợ này "đắt sô" nhất từ khoảng 16 - 17 giờ, thời điểm công nhân tan ca chiều. Bà Hạnh biết việc buôn bán của mình cũng là lấn chiếm lề đường, ảnh hưởng tới giao thông.

"Nhưng bết sao đây, giờ không có việc làm. Bán buôn được ngày cũng lời chắc cỡ 100.000 đồng, bây giờ kiếm chỗ bán, mà thuê chỗ 60.000 - 70.000 đồng/ngày thì lấy gì ăn. Nếu hôm nay bị thu thì ngày mai cũng phải tiếp tục kiếm vốn thôi. Bây giờ nhà nước thu phí vỉa hè 200.000 - 300.000 đồng/tháng, tôi cũng cố gắng đóng nữa, làm sao để khỏi phải chạy nữa", bà Hạnh nói.

Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: Mong sao thoát cảnh chợ 'chạy'- Ảnh 5.
Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: Mong sao thoát cảnh chợ 'chạy'- Ảnh 6.

Khu chợ tự phát phục vụ công nhân vào giờ tan ca buổi chiều

TRỌNG NGHĨA

Ông Tô Thanh Tâm, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Bình Tân cho biết, vừa qua TP.HCM ban hành Quyết định 32 về sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè, trong đó giao quận, huyện phân cấp một số tuyến đường quản lý, được phép cho sử dụng làm chỗ đậu xe, hoạt động văn hóa nghệ thuật, kinh doanh buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng.

Sau đó, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 15 quy định mức thu phí. Sở GTVT TP.HCM có văn bản hướng dẫn, những tuyến đường do Trung tâm Hạ tầng quản lý thì Sở GTVT sẽ cấp phép, còn tuyến đường của quận thì quận cấp phép.

Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: Mong sao thoát cảnh chợ 'chạy'- Ảnh 7.

Công ty PouYuen ở Q.Bình Tân

NGUYÊN VŨ

Đến nay, Q.Bình Tân đã được Sở GTVT giao quản lý tài sản là công trình đường bộ. Qua thống kê, toàn quận có 548 tuyến đường, trong đó có 352 tuyến đường vỉa hè rộng trên 3 m, đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm ngoài mục đích giao thông. Trên cơ sở rà soát, quận xây dựng kế hoạch thực hiện mục đích chính của vỉa hè vẫn là dùng cho giao thông, còn việc làm chỗ để xe, tập kết vật liệu xây dựng hay buôn bán là mục đích khai thác thêm.

Về quy trình, quận phải đánh giá từng tuyến, xác định lý trình (đoạn nào, dài bao nhiêu, từ số nhà nào), giải pháp tổ chức thực hiện. Đồng thời tổng hợp danh mục gửi công an, ban an toàn giao thông, Sở GTVT và các tổ chức có liên quan có ý kiến.

Sau khi tổng hợp ý kiến, quận mới ban hành danh mục các tuyến đường được phép sử dụng, vào mục đích gì. Khi đó, người dân mới lên tổ tiếp nhận của UBND quận nộp hồ sơ đăng ký sử dụng, ví dụ như vỉa hè trước nhà ngang bao nhiêu, rộng bao nhiêu.

Riêng việc người dân đề xuất buôn bán ở khu chợ tự phát bên cạnh Công ty PouYuen, quận đã có ghi nhận và đang tham mưu kế hoạch, sau đó mới cụ thể hóa tuyến nào được sử dụng, cho mục đích gì. Q.Bình Tân sẽ không triển khai đại trà mà sẽ làm trước khoảng 20 tuyến.

Chiều tan ca Công ty PouYuen đông công nhân nhất TP.HCM: Mong sao thoát cảnh chợ 'chạy'- Ảnh 8.

Người dân trải bạt, bán buôn ra giữa đường

NHẬT THỊNH

"Khu chợ tự phát này tồn tại lâu rồi. Chợ tự phát bán theo giờ, chủ yếu phục vụ công nhân vào giờ tan ca buổi chiều, chứ buổi trưa không buôn bán. Nó như cái nếp rồi, mình sắp xếp để đi vào nề nếp, có lối cho người đi bộ, xe cộ lưu thông. TP.HCM cho chủ trương rồi, phòng quản lý đô thị sẽ tham mưu theo hướng đó để quản lý cho trật tự", ông Tâm cho biết.

Ở thời điểm hiện nay, quanh khu PouYuen có khoảng 7 tuyến đường dự kiến sử dụng làm điểm tập kết vật liệu xây dựng, chủ nhà phải thuê thì mới được sử dụng. Còn sử dụng cho mục đích khác như đậu xe hay kinh doanh hàng hóa thì dự kiến cũng chỉ có một số tuyến hiện hữu đang buôn bán tự phát. Phòng quản lý đô thị sẽ phối hợp UBND phường, phòng kinh tế, đội quản lý trật tự đô thị sẽ đánh giá toàn diện rồi đề xuất UBND Q.Bình Tân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.