Bão số 5 là cơn bão mạnh
Sáng nay 30.10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai để triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 5.
Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN-MT), cho biết đến sáng nay đã đo được gió mạnh cấp 9 và nhận định đây là một cơn bão mạnh.
Dự báo đến 16 chiều nay, tâm bão hoạt động ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận với sức gió cấp 9, giật cấp 11. Chiều tối nay, bão đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với gió cấp 6, giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão, sóng biển cao 3 - 5 m, vùng gần tâm bão 4 - 7 m, biển động rất mạnh. Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận và khu vực giữa Biển Đông có sóng cao trên 5,5 m. Các khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, quần đảo Hoàng Sa, bắc Biển Đông có sóng cao từ 3 - 4,5 m. Vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận có nước dâng từ khoảng 0,2 - 0,35 m; riêng khu vực Vạn Ninh - Khánh Hòa có nước dâng cao nhất khoảng 0,62 m.
Thứ trướng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, phải thống nhất với nhau đây là cơn bão mạnh để có giải pháp ứng phó phù hợp, chứ không được chủ quan chỉ tập trung ứng phó với mưa lớn theo dự báo trong những ngày trước đây.
Gần 600 tàu cá chưa vào bờ tránh bão
Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đến sáng nay, thống kê tại các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 5, vẫn còn khoảng gần 600 tàu cá chưa vào bờ tránh bão.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đôn đốc các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, là các địa phương đang có nhiều tàu cá còn trên biển nhất, phải tìm mọi cách để liên hệ với các chủ tàu kêu gọi các tàu về bờ tránh bão, trong trường hợp không kịp thì hướng dẫn di chuyển tránh xa vùng nguy hiểm.
Qua kinh nghiệm từ sự cố kẹt cửa van thủy điện Đắk Kar (Đắk Lắk ), ông Nguyễn Hoàng Hiệp đặc biệt lưu ý, đối với các dự án đang trong thời gian thi công, ban quản lý các dự án phải cử lãnh đạo ứng trực tại hiện trường.
“Giám đốc, phó giám đốc phải trực tại công trường trong thời gian mưa bão để kịp thời chỉ đạo xử lý các tình huống có thể xảy ra, nếu không trực mà công trình có sự cố thì phải chịu trách nhiệm, kỷ luật”, ông Hiệp nói.
Đặc biệt, theo ông Hiệp, đối với các công trình đang thi công, các đơn vị, địa phương phải kiểm tra, rà soát kiên quyết không cho phép tích nước.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng yêu cầu các địa phương trong vùng bão đổ bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đã được cảnh báo, phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cứu hộ cứu nạn; rút kinh nghiệm từ trận lũ quét ở Thanh Hoá vừa qua, do thiếu cả phương tiện cứu nạn lẫn liên lạc, nên nắm tình hình rất khó khăn.
Bình luận (0)