Những cuộc điện thoại bất ngờ
Buổi sáng cuối tuần, PV Thanh Niên bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại lạ, nhân viên phía bên kia tự giới thiệu là người của Vincom, thông báo khách hàng đã nhận được một phần quà của doanh nghiệp là 1 bình giữ nhiệt trị giá 50.000 đồng và đề nghị được kết bạn Zalo để gửi thông tin. Để tìm hiểu rõ hơn chiêu trò nhử mồi của nhân viên chăm sóc khách hàng "từ trên trời rơi xuống" này, tôi quyết định tham gia. Ngay khi cuộc gọi vừa kết thúc, lập tức tôi được kéo vào một nhóm chat có chừng 40 người. Tố Như, người tự giới thiệu là admin của công ty Vincom Retail bắt đầu hướng dẫn chương trình tặng quà và xin số tài khoản để quy đổi ra tiền mặt. Quả nhiên, khi tôi cung cấp số tài khoản cá nhân thì nhận được ngay "quà tặng tri ân" đúng 50.000 đồng vào tài khoản.
Xem chừng đã tạo được sự tin tưởng ban đầu, Tố Như tiếp tục lôi kéo các thành viên vào nhiệm vụ "Chiến dịch quan tâm thương hiệu" với các bước tìm kiếm thương hiệu do admin đưa ra vào bấm vào "quan tâm" để nhận được hoa hồng trị giá 10.000 đồng. Lần lượt làm theo các yêu cầu, PV Thanh Niên đã nhận được thêm 10.000 đồng cho mỗi lượt tương tác.
Quá dễ dàng, nhiều thành viên trong nhóm (không rõ thật hay ảo) phấn khích và yêu cầu được nhận thêm các nhiệm vụ nhưng ngay lúc này admin Tố Như lại thông báo tạm ngừng để tiếp nhận thành viên mới vào nhóm.
Sáng hôm sau, admin Tố Như tiếp tục đưa ra các yêu cầu tìm kiếm thương hiệu để đăng ký theo dõi và nhận tiền công, như thường lệ vẫn là 10.000 đồng/lượt. Tôi chăm chỉ làm theo, nhưng dù có bận việc khác mà lơ là quên làm "nhiệm vụ" thì Tố Như cũng nhắn tin nhắc nhở.
Thu lưới
Đến giữa buổi, nhân vật admin chưa quen biết tên Tố Như bắt đầu chuyển đổi hình thức khác và bắt đầu có mùi "thu hoạch". Tố Như đưa ra điều kiện mới, yêu cầu các thành viên đóng một khoản phí để "định danh" và trở thành thành viên của hệ thống. Các ưu đãi gồm có làm nhiệm vụ hàng ngày và nhận về 15.000 đồng/lần (không phải 10.000 đồng như trước). Ngoài ra, thành viên còn có thể nhận lương cứng từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Lập tức, vài tài khoản "chim mồi" trong nhóm gửi các hình ảnh hóa đơn chuyển tiền thực hiện theo yêu cầu, đồng thời động viên các thành viên khác mạnh dạn làm theo. Tôi ngần ngừ chưa quyết định nạp tiền hay không, Tố Như đã lập tức nhắn tin riêng, khuyến khích: "Số tiền mà anh chị nạp để định danh là để trở thành thành viên chính thức của công ty. Khi công ty tạo ra chương trình tri ân gửi tặng quý khách hàng và tạo điều kiện giúp anh chị kiếm thêm thu nhập thì không có lý do gì mà công ty lại đi lấy 150.000 đồng tiền phí của anh chị cả. Đây chỉ là hình thức nạp tiền để định danh và sau đó nhận về hoa hồng tương ứng với số tiền đã nạp..." nhưng tôi quyết định dừng lại.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam (NCS) phân tích: Với hình thức lừa đảo cộng tác viên bán hàng, làm nhiệm vụ, việc nhẹ lương cao thường ban đầu các đối tượng lừa đảo chỉ yêu cầu những số tiền khá nhỏ, thậm chí ngay sau khi nộp tiền người dùng có thể nhìn thấy tiền lãi về luôn. Thủ đoạn gây dựng lòng tin này của các đối tượng lừa đảo khiến cho nạn nhân không đề phòng, sau đó do hám lợi nên tiếp tục nạp vào những khoản tiền lớn hơn. Vì vậy, nhiều người đã sụp bẫy với những khoản tiền rất lớn.
Không chỉ giả mạo các thương hiệu quen thuộc như Vincom, Shopee, Masan hay Lazada, các đối tượng lừa đảo còn dẫn dụ nạn nhân vào các website hoặc tải các ứng dụng riêng như Visenze, Newtab... Các ứng dụng này đều có điểm chung là yêu cầu nạn nhân nạp tiền để làm nhiệm vụ, sau đó viện ra các lý do để không cho rút tiền, buộc phải nạp thêm tiền mới được rút và cuối cùng bị mất hết tài khoản.
Chiêu trò hù dọa
Trong lúc PV Thanh Niên đang thực hiện loạt bài này thì bản thân đối mặt với những cuộc điện thoại mạo danh công an để hù dọa liên quan đến việc mua bán hàng cấm và yêu cầu cung cấp tài khoản.
Thời gian qua, cơ quan công an liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có nhiều người sập bẫy của các đối tượng. Mới đây, Công an TP Hà Nội thông tin, Công an quận Đống Đa đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 150 triệu đồng.
Theo tin trình báo của anh D. (SN 2001, trú Q.Đống Đa, Hà Nội), anh nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói anh D. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền. Đối tượng yêu cầu anh D. phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan. Do lo sợ nên anh D. đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi biết mình bị lừa, anh D. tới cơ quan công an trình báo.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Tuyệt đối không nghe và làm theo những hướng dẫn của đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân tránh bị đánh cắp thông tin phục vụ cho những hành vi phạm tội của đối tượng. Khi cần làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Bình luận (0)