Chính phủ Assad sụp đổ, Syria biến động lớn

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
09/12/2024 05:00 GMT+7

Diễn biến chóng vánh tại Syria khiến giới quan sát bất ngờ khi lực lượng đối lập có thể kiểm soát thủ đô Damascus chỉ trong thời gian ngắn.

Hôm qua, dư luận quốc tế xôn xao trước thông tin lực lượng đối lập tại Syria tiến vào thủ đô Damascus. Các nhóm quân sự đối lập tuyên bố chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sụp đổ, trong khi Bộ Ngoại giao Nga tối qua cho biết ông Assad đã rời khỏi đất nước và đưa ra chỉ thị chuyển giao quyền lực hòa bình nhưng không nêu điểm đến. Tình hình tại Syria được đánh giá sẽ mang tính bước ngoặt ở khu vực Trung Đông và xoay chuyển bức tranh địa chính trị, khi xung đột tại đây có sự can dự của nhiều chủ thể nước ngoài.

Chính phủ Assad sụp đổ, Syria biến động lớn- Ảnh 1.

Thành viên lực lượng đối lập Syria nổ súng chỉ thiên tại TP.Damascus ngày 8.12

ẢNH: AFP

11 ngày chớp nhoáng

Kể từ khi lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu phát động cuộc tấn công bất ngờ ngày 27.11 nhằm vào khu vực do quân đội chính phủ kiểm soát, chỉ mất 11 ngày để phe đối lập đưa Syria trở thành tâm điểm truyền thông quốc tế. Đà tiến quân của lực lượng quân sự đối lập gặp rất ít sự kháng cự từ quân đội của chính phủ ông Assad và lần lượt tiến vào những địa điểm chiến lược, trong đó có việc kiểm soát 4 thành phố Daraa, Quneitra, Suwayda và Homs trong vòng 24 giờ, trước khi hướng đến Damascus. Quân đội Syria cho biết giao tranh tiếp tục diễn ra tại một số thành phố chủ chốt, sau thông tin phe đối lập kiểm soát thủ đô.

Hàng ngàn người đã tụ tập về quảng trường chính ở Damascus sau tuyên bố từ lực lượng quân sự đối lập. Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali cho biết sẵn sàng quá trình chuyển giao quyền lực tại Syria, nhấn mạnh sẽ hợp tác với nhà lãnh đạo do dân bầu. Liên minh đối lập cũng thông tin sẽ đảm bảo hoàn tất chuyển giao quyền lực cho cơ quan chuyển tiếp có đầy đủ quyền hành pháp.

Điểm xung đột: Thắng lợi chóng vánh của quân đối lập Syria; Nga lấy bom lượn bù pháo binh

Phản ứng quốc tế

Những diễn biến tại Syria được cho là xảy ra quá nhanh và một số quốc gia cũng thận trọng khi đưa ra phát ngôn. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo dõi sát sao tình hình và tiếp tục liên lạc với các đối tác trong khu vực. Tổng thống đắc cử Donald Trump thì có bài viết trên mạng xã hội đề cập thông tin cho rằng ông Assad đã rời Syria. Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen nhấn mạnh mong muốn rõ ràng của hàng triệu người Syria là có các thỏa thuận chuyển giao quyền lực ổn định, kêu gọi người dân Syria ưu tiên đối thoại, đoàn kết và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Trong khi đó, truyền thông Iran đưa tin Đại sứ quán Iran ở Damascus bị lực lượng đối lập Syria tấn công. Bộ Ngoại giao Nga tối qua bày tỏ quan ngại về tình hình Syria và kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp chính trị, đồng thời nêu thêm Nga đã liên lạc với các nhóm đối lập tại Syria.

Chính phủ Assad sụp đổ, Syria biến động lớn- Ảnh 2.

Người dân Syria trèo lên xe tăng

ẢNH: AFP

Mặt khác, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề hải ngoại Israel Amichai Chikli cảnh báo tình hình tại Syria "không phải là lý do nên ăn mừng", nhấn mạnh mối nguy tiềm ẩn các phong trào thánh chiến cực đoan có thể trỗi dậy từ bất ổn. Chính quyền Jordan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định và an ninh tại Syria, nêu thêm các hoạt động nhằm tăng cường an ninh trong khu vực đang được tiến hành. Giới chức Trung Quốc thì bày tỏ hy vọng Syria trở lại tình trạng ổn định sớm nhất có thể, theo AFP.

Bất ổn nội tại

Trong những năm qua, một số nhà quan sát cho rằng tình trạng xung đột tại Syria đã "đóng băng", sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thúc đẩy một lệnh ngừng bắn vào năm 2020. Kể từ đó, chính quyền Tổng thống Assad không có các cuộc chạm trán quy mô lớn với lực lượng quân sự đối lập. Tuy nhiên, khi chính phủ không thể dứt điểm được phong trào đối lập, việc "lớp băng" nói trên tan ra và giao tranh nóng trở lại được nhận định chỉ là vấn đề thời gian. Với những nhóm đối lập, giai đoạn này được xem như thời điểm lý tưởng, khi các đồng minh lớn hỗ trợ ông Assad như Nga và Iran, hay nhóm vũ trang Hezbollah ở Li Băng, đều phải dồn lực cho những xung đột trực tiếp.

Chính phủ Assad sụp đổ, Syria biến động lớn- Ảnh 3.

Lực lượng đối lập Syria có mặt tại TP.Damascus ngày 8.12

ẢNH: AFP

Nếu xung đột tại Syria nhìn chung ở thế giằng co trong những năm qua thì gánh nặng kinh tế và xã hội không ngừng tăng, góp phần làm trầm trọng thêm bất ổn. Các lệnh cấm vận từ Mỹ, khủng hoảng trong khu vực và thiên tai đều tạo áp lực cho chính quyền ông Assad, đặc biệt về vấn đề ngân sách cho quân đội. Đài Al Jazeera cũng dẫn lời các nhà nghiên cứu về Trung Đông cho rằng khi chính quyền Damascus không sở hữu lực lượng vũ trang đủ mạnh thì những hỗ trợ của Nga hay Iran đều chỉ mang tính cục bộ. Diễn biến thực địa cũng cho thấy chính phủ Syria mất nhiều năm bao vây và bắn phá để có thể kiểm soát toàn bộ Aleppo vào năm 2016. Tuy nhiên, lực lượng quân sự đối lập chỉ cần một ngày để giành được thành phố này mà không gặp nhiều kháng cự.

Lãnh đạo lực lượng quân sự đối lập là ai ?

Ông Abu Mohammed al-Julani, thủ lĩnh nhóm vũ trang đối lập HTS, đã dẫn đầu lực lượng chống chính phủ Syria và tổ chức các cuộc tấn công chóng vánh. Theo Al Jazeera, ông Julani đã dành gần 10 năm để tập trung vào các hoạt động nhằm thành lập một thể chế riêng tại Syria, thay vì hướng đến hoạt động xuyên quốc gia như những nhóm vũ trang khác.

Nhóm HTS khi điều hành tỉnh Idlib ở Syria được cho là có chính sách cứng rắn với những người bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, ông Julani dường như đã có lập trường mềm mỏng hơn sau khi lực lượng quân sự đối lập phát động tấn công những ngày qua. Ông từng bị quân đội Mỹ bắt tại Iraq năm 2006 và ngồi tù 5 năm. Julani sau đó được giao nhiệm vụ thành lập nhánh al-Qaeda tại Syria.

Mỹ lo IS trỗi dậy

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông Daniel Shapiro hôm qua nhấn mạnh Mỹ sẽ duy trì hiện diện tại miền đông Syria và có những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Reuters dẫn lời ông Shapiro nói tình cảnh tại Syria có thể tạo điều kiện cho IS hoạt động. Mỹ cũng khẳng định sẽ không can dự vào xung đột nội bộ tại Syria.

Căng thẳng tại Syria bắt đầu từ những cuộc biểu tình ôn hòa năm 2011 rồi leo thang thành xung đột giữa chính quyền Tổng thống Assad và các nhóm đối lập. Từng có thời điểm Syria trở thành điểm nóng khi nhiều cường quốc như Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ can dự với lý do nhằm tiêu diệt IS tại đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.