Chính phủ đặt mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025, Quốc hội nói khó khả thi

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/10/2021 17:10 GMT+7

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 5 năm tới của Chính phủ đặt mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp ; 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị cân nhắc vì mục tiêu này khó khả thi.

Chiều 12.10, tiếp tục phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp

gia hân

Trình bày báo cáo của Chính phủ về kế hoạch này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP.

Đáng chú ý, kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Đến năm 2025, tối thiểu 5 - 10 trong số các sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế, góp phần cải thiện vị thế của ngành trên chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, tới hết giai đoạn, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% cũng nằm trong chỉ tiêu chung của kế hoạch.

Chỉ tiêu khó khả thi

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban này cơ bản nhất trí với các mục tiêu, chỉ tiêu được nêu tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 mà Chính phủ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

gia hân

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, cần đặt thời hạn sớm hoàn thành các mục tiêu không đạt được theo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực hiện của giai đoạn 2021 - 2025.

Với các mục tiêu mới, cơ quan thẩm tra lưu ý, thời gian qua do tác động của dịch Covid-19 nên số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đã tăng mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, tình hình tài chính của doanh nghiệp đã bị bào mòn, suy giảm đáng kể.

Do đó, ông Thanh cho rằng, cần nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu khó khả thi như mục tiêu "đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%”.

Ông Thanh cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số, từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu "kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”.

"Đây là một nội dung mới được đặt ra tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nên cần phải được cụ thể hóa đối với từng ngành, lĩnh vực, nhất là những ngành, lĩnh vực mà mục tiêu đóng góp vào kinh tế số cao, là động lực cho phát triển kinh tế nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện", ông Thanh lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.