Chính phủ họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Đình Sơn
Đình Sơn
08/11/2022 11:56 GMT+7

Ngày 8.11, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng với Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản phía nam và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản .

Hiện các doanh nghiệp bất động sản đang gặp vô vàn khó khăn
ĐÌNH SƠN

Theo Văn phòng Chính phủ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, ngày 7.11 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1492 mời lãnh đạo Bộ Xây dựng và lãnh đạo các doanh nghiệp đến dự cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Trong đó 11 doanh nghiệp bất động sản khu vực phía nam được Văn phòng Chính phủ mời họp, bao gồm: Tập đoàn Novaland, Công ty Phú Mỹ Hưng, Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex, Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty cổ phần Đầu tư IMG, Công ty địa ốc Hoàng Quân, Tập đoàn Himlam, Công ty cổ phần Đại An, Tập đoàn Phú Cường, Tập đoàn Sơn Kim Land, Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC), Tập đoàn Khang Điền và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. Ngoài 11 doanh nghiệp phía nam còn có 12 doanh nghiệp bất động sản lớn tại khu vực phía bắc cũng được mời dự họp trực tuyến gồm Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Tuần Châu, Tập đoàn TNG, Tập đoàn Flamingo... Bộ Xây dựng được yêu cầu chuẩn bị 40 bộ tài liệu và báo cáo.

Chia sẻ với Thanh Niên về nội dung báo cáo với Chính phủ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để tồn tại như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO). Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Không những thế, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động tác động đến vấn đề an sinh xã hội hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 40% giá hợp đồng. Bên cạnh đó, việc bán dự án với giá hời có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang “thống lĩnh” thị trường bất động sản hiện nay.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, tình thế khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng so với thời điểm tiền khủng hoảng đã dẫn đến thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng trong giai đoạn 2008 - 2013. Bởi khi năm 2008 và năm 2011, Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đột ngột dẫn đến thị trường bất động sản ngay lập tức rơi vào khủng hoảng đóng băng. Đến tháng 6.2022, số liệu của 45 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, ghi nhận khoảng 273.373 tỉ đồng hàng tồn kho, chiếm quá nửa giá trị tài sản và đáng quan ngại đối với hàng tồn kho thuộc các dự án dở dang, nên cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để tháo gỡ. Trong khi đó 2023 có nguy cơ xảy ra lạm phát, suy thoái kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.