Nhóm nào cũng khó
Ông đánh giá thế nào về những khó khăn mà các doanh nghiệp (DN) VN đang phải đối mặt?
Độc Lập |
Nhìn chung, tình hình các DN đang rất khó khăn. Trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, tôi từng nhiều lần phân biệt có 3 loại DN: Thứ nhất là nhóm DN có thị trường, có dòng tài chính tốt, thu hút được lao động trở lại sau đại dịch vẫn có tiềm năng phát triển tốt. Thứ hai là nhóm còn thị trường, có thể đang thiếu vốn. Nếu nằm trong diện tiếp cận được các gói vay ưu đãi thì “sức khỏe” cũng tương đối. Còn một nhóm rất khó khăn là vừa thiếu vốn, vừa mất thị trường, nếu không đủ tiêu chí tiếp cận các khoản vay hỗ trợ thì cực kỳ khó khăn.
Tập trung phục hồi thị trường bất động sản được cho là sẽ tạo tác động lan tỏa tới hơn 40 ngành kinh tế khác |
Ngọc Dương |
Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, nhóm nào cũng khó. DN xuất khẩu ngành gỗ, dệt may, da giày… thiếu đơn hàng, ảnh hưởng đến người lao động. Thị trường bất động sản (BĐS) hiện có tình trạng các dự án làm dang dở không có dòng vốn để tiếp tục. Các dự án có ngân hàng thương mại cam kết cho vay, đóng tiền từng đợt hiện nay cũng không vay được. Phản ánh của một số DN BĐS là khách hàng rất khó khăn, không vay được tiền để mua nhà theo lộ trình đã xây dựng. Từ chỗ không có dòng tiền, DN không thể thi công, ảnh hưởng tới thanh toán cho các nhà cung cấp vật tư, nhà thầu… Điều này cũng khiến cho phân khúc thị trường nhà ở cho người có thu nhập trung bình, nhà ở xã hội nguồn cung cũng quá hiếm, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Trên tổng thể, thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới những khó khăn này?
Từ đầu năm, sau khi mở cửa kinh tế hậu Covid-19, chúng ta vẫn chủ trương nếu không thể giảm lãi suất thì cố gắng giữ mức lãi suất như cũ để ổn định thị trường. Tuy nhiên, hiện nay do chính sách tín dụng ưu tiên phục vụ kiểm soát lạm phát, giữ giá trị tiền đồng và an toàn của hệ thống ngân hàng nên đã buộc phải tăng lãi suất. Lãi suất cho vay trên 10% thì khó có DN nào có thể làm ăn có lãi để vay nên chắc hẳn rất nhiều DN không thể vay để đầu tư mới. Ngay cả các DN thuộc nhóm 1 cũng bị hạn chế không thể mở rộng thị trường, không đầu tư được như kỳ vọng. Riêng gói hỗ trợ lãi suất 2% thì triển khai còn khá chậm, nhiều DN dè dặt hoặc không đạt tiêu chuẩn vay. Bên cạnh đó, việc nới lỏng tín dụng, đặc biệt đối với thị trường BĐS, hiện nay đang quá hạn chế.
Cùng với đó, cuộc thiết lập trật tự tại 2 thị trường tài chính và thị trường BĐS cũng gây ảnh hưởng tâm lý và ở mức nào đó, có tác động làm ngưng trệ một số dự án. Các DN BĐS lớn đang rất khó về dòng tiền.
Tôi phải nhấn mạnh thị trường BĐS là bởi BĐS liên quan tới hơn 40 ngành nghề. Dự án ngưng thì công trường không thi công, ảnh hưởng người lao động, công ty xây dựng, DN cung cấp vật liệu xây dựng như thép, sắt… cũng vì thế mà ngưng trệ theo. BĐS không phải chỉ có nhà ở mà còn phân khúc công nghiệp, xây dựng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại hay BĐS du lịch… Tất cả các thị trường đó đều bị ảnh hưởng. Vì thế, tập trung phục hồi thị trường BĐS rất quan trọng.
Mặc dù đến nay, thị trường xuất khẩu vẫn còn tốt nhưng năm sau sẽ có nhiều khó khăn do lạm phát thế giới, tỷ giá USD tăng quá cao. Nếu để ngưng trệ dây chuyền thì rất khó khăn trong tương lai. Việc lành mạnh hóa các thị trường tài chính, trái phiếu, BĐS là phải làm nhưng cần có biện pháp ứng phó những tác động tiêu cực đến thị trường. Nhà nước luôn khẳng định đồng hành cùng DN, nhất là lúc khó khăn thì nên tập trung có nhiều giải pháp tháo gỡ để giữ đà phục hồi sau đại dịch.
Phương thức lựa chọn đối tượng là cực kỳ quan trọng
Cụ thể, những biện pháp là gì, thưa ông?
Phải thừa nhận chính sách tiền tệ hiện trong thế quá khó, không thể nới lỏng vì cần đảm bảo 3 tiêu chí mà tôi đã nêu ở trên. Tuy vậy, trong dư địa hữu hạn, phải lựa chọn đối tượng để có sự hỗ trợ cần thiết, không để thị trường bị đứt gãy. Nguồn lực ít thì phải dồn lực, phải có sự liên kết của hệ thống ngân hàng thương mại dưới sự chỉ huy của Ngân hàng Nhà nước để tập trung vào một số đối tượng cần “giải cứu”.
Đơn cử như thị trường BĐS, các dự án đang làm dang dở, cần tiếp tục dòng tiền thì phải ưu tiên giải ngân để không làm ngưng trệ, giúp dự án sớm hoàn thành theo dự kiến. Ưu tiên cho các dự án BĐS nhà ở, những khu công nghiệp và thương mại. Bên cạnh chính sách chung, cần có những xử lý cá biệt. Kinh nghiệm từ các nước chỉ ra rằng khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế thì luôn luôn có lựa chọn, làm sao nuôi dưỡng được nguồn lực của DN, ngăn chặn sự ngưng trệ của thị trường. Như Trung Quốc hiện cũng đã phải áp dụng những chính sách đặc thù với thị trường BĐS, chỉ tập trung vào các dự án đang dang dở, nếu “bơm” thêm tiền có thể hoàn thành.
Cùng với đó, ưu tiên tháo gỡ cho các dự án BĐS đang đầu tư bị nghẽn thủ tục về đất đai, tạo điều kiện để đẩy nhanh các công trình. Ngưng trệ chỗ này thì phải tạo được nguồn thông từ chỗ khác bù vào. Chỗ nào đã quá khó khăn, thật sự phải “đóng băng” thì chấp nhận tạm thời dừng xử lý, tập trung vào những chỗ có thể khơi thông được. Tập trung “tháo” 1 - 2 dự án lớn chưa được, chi bằng dồn lực đẩy cho 10 dự án nhỏ “chạy” để tạo tác động đến thị trường.
Mặt khác, chúng ta chấn chỉnh thị trường trái phiếu là đúng. Những sai phạm phải bị xử lý, song, phải tạo điều kiện cho những DN có điều kiện tiếp tục phát hành trái phiếu. Không thể để đóng băng hết được. DN đáp ứng đủ điều kiện, minh bạch thì vẫn phải tiếp tục được phát hành trái phiếu vì đây là một kênh huy động vốn quan trọng. Thị trường trái phiếu chính là kênh chia sẻ bớt gánh nặng vốn trung hạn cho hệ thống ngân hàng thương mại.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng với chính sách hiện nay, nhất là chính sách tiền tệ, phương thức lựa chọn đối tượng là cực kỳ quan trọng. Nguồn vốn hữu hạn thì chắc chắn không dàn trải mà phải đến đúng chỗ, không để cho những DN có vai trò lớn trong thị trường gãy đổ. Không chỉ ở VN, với cả những nền kinh tế lớn trên thế giới, nếu để những DN lớn, có vai trò lớn trên thị trường gãy đổ thì hậu quả sẽ rất lớn.
2023 được đánh giá còn rất nhiều thách thức. Với bối cảnh thị trường hiện nay, theo ông, liệu VN có thể tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt như năm nay?
2023 thật sự còn nhiều khó khăn do các biến động trên thế giới chưa có điểm dừng, dự báo khó lường.
Tuy nhiên, chúng ta phải tin sức sống của DN VN rất mạnh. Họ rất linh hoạt và năng động. Dù khó khăn đến đâu, các DN cũng luôn có phương án tái cấu trúc, tái cơ cấu để giảm chi phí, kinh doanh hiệu quả. Vấn đề là chính sách làm sao tạo điều kiện cho họ để họ yên tâm và tự tin rằng họ làm được. Chính phủ cần có chính sách tháo gỡ vướng mắc đối với những DN lớn, có vị trí, vai trò nhất định, tác động lớn đến thị trường. Dĩ nhiên, các DN nhỏ và vừa vẫn cần tháo gỡ chính sách tín dụng như triển khai nhanh, mạnh gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tiềm lực và dự trữ quốc gia tương đối ổn định. Vốn mồi của nhà nước qua kênh đầu tư công hiện nay Chính phủ đang thúc đẩy khá mạnh. Nếu đẩy được dòng vốn này thì cũng sẽ tạo tác động lan tỏa trên thị trường.
Nếu có chính sách xử lý nhanh tài sản thế chấp từ thị trường trái phiếu thì cũng có thể giảm bớt thất thoát. Có thể cần tới những chính sách đặc biệt với những giải pháp mạnh để xử lý càng sớm càng tốt tài sản thế chấp trên thị trường trái phiếu giống như Quốc hội đã từng ban hành Nghị quyết 42 để xử lý vấn đề nợ xấu. Để càng lâu thì càng khó khăn, thiệt hại càng lớn.
Bình luận (0)