Chính phủ khóa 2021 - 2026 chỉ còn 4 Phó thủ tướng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/07/2021 16:05 GMT+7

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, cơ cấu, số lượng Chính phủ khóa mới (2021 - 2026) sẽ giảm một Phó thủ tướng, chỉ còn 4 Phó thủ tướng, thay vì 5 như hiện tại.

Chiều 17.7, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.
Trả lời câu hỏi về việc tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp lần này,  Quốc hội sẽ kiện toàn 50 chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước. 
"Cơ cấu nhiệm kỳ trước có 51 chức danh thì nhiệm kỳ lần này còn 50 chức danh. Chính phủ hiện tại có 5 Phó thủ tướng, nhiệm kỳ mới sẽ chỉ có 4 Phó thủ tướng", ông Cường thông tin và cho biết, 4 Phó thủ tướng hiện tại đều sẽ tái cử.
Thông tin thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội XV, các đề án liên quan tới kiện toàn chức danh Quốc hội, cơ cấu của Chính phủ đã được báo cáo T.Ư Đảng, Bộ Chính trị.
Theo đó, trước mắt, Chính phủ sẽ kiện toàn 27 chức danh, gồm: Thủ tướng, 4 Phó thủ tướng, 18 Bộ trưởng, 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Bà Thanh khẳng định, đề án cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ đã được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, đánh giá nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021. "Trên cơ sở cân nhắc tổng thể công tác cán bộ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư đã định hướng và cho ý kiến, trước mắt nhiệm kỳ Chính phủ 2021 - 2026 sẽ có 4 Phó thủ tướng", bà Thanh nói.
Theo bà Thanh, nhiệm kỳ trước 2016 - 2021 Chính phủ có 5 Phó thủ tướng, trong đó có một Phó thủ tướng đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao. Từ kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, chức danh Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đã phân tách ra. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh không kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Bùi Thanh Sơn được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao.
Hiện tại, Chính phủ có 5 Phó thủ tướng, gồm các ông Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành, Lê Minh Khái. Trong đó, ông Trương Hòa Bình không tham gia Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII và dự kiến sẽ nghỉ sau khi hết nhiệm kỳ.

Kiện toàn nhân sự tại 2 kỳ họp Quốc hội là đúng Hiến pháp

Trả lời câu hỏi về việc lặp lại quy trình kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo Nhà nước tại kỳ họp 11 liệu có "mất thời gian" hay không, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khẳng định, công tác nhân sự là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới theo luật Tổ chức Quốc hội và luật Tổ chức Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời tại họp báo

Ảnh Gia Hân

Theo bà Thanh, sau Đại hội Đảng XIII, để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, Quốc hội đã kiện toàn một bước liên quan tới nhân sự tại kỳ họp 11 (tháng 4.2021). Theo luật Tổ chức Quốc hội, Chính phủ, bước vào Quốc hội khóa mới, Quốc hội kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước vì Quốc hội và Chính phủ hoạt động theo nhiệm kỳ. "Với quy định như vậy, việc kiện toàn tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ nhất Quốc hội XV là hoàn toàn đúng với Hiến pháp", bà Thanh khẳng định.
Bà Thanh cũng khẳng định, việc kiện toàn nhân sự, thực hiện nghi lễ theo quy định tại Hiến pháp cũng thể hiện rõ tính cam kết, thực hiện lời hứa chức danh cấp cao của Nhà nước đối với Quốc hội và cử tri cả nước.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào 20.7 và bế mạc ngày 31.7, kéo dài khoảng 11 ngày, bao gồm 2 ngày thứ 7. Trong đó, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày cho công tác nhân sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.