Dãy Núi Bà là một quần thể núi hùng vĩ gồm 66 ngọn gần như nằm trọn trong địa phận huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tại dãy núi này có một hòn đá rất lớn, sừng sững vượt hẳn các ngọn khác xung quanh. Nó có hình trụ trông xa khá giống quả chuông nên được gọi là Hòn Chuông. Chưa hết, trên đỉnh của nó còn một khối nhỏ hơn như cái núm chuông. Về tổng thể, núi này cao hơn các ngọn núi còn lại nên được người xưa coi là chủ sơn và đặt tên là Phô Chinh Đại Sơn.
Cái núm chuông của ngọn Phô Chinh Đại Sơn này chính là một ngọn tháp Chăm cổ. Nhưng kỳ lạ thay, trong suốt quá trình xâm lược đất Việt hơn 100 năm, không hề có một nhà nghiên cứu người Pháp nào về văn hóa Chăm, tháp Chăm đề cập đến nó trong các văn bản, thư tịch.
|
Thông tin ít ỏi
Mặc dù tất cả các tháp, cụm tháp, bia ký Chăm... tại Bình Định đều đã được các nhà nghiên cứu Pháp điều tra, nghiên cứu khá kỹ lưỡng, toàn diện đến mức đặt tên luôn cho tháp (như tháp Bánh Ít là tháp Bạc, tháp Phú Lốc là tháp Vàng…). Thậm chí, một số tượng, phù điêu, linh vật... của nhiều tháp Chăm cũng được họ kỳ công sưu tập rồi tháo dỡ, đóng gói công phu, vận chuyển về trưng bày tại một số bảo tàng tận bên Pháp. Nhưng hầu hết các tài liệu, công trình nghiên cứu về văn hóa, khảo cổ, dân tộc học về người Chăm cũng không có một dòng chữ nào đề cập đến ngôi cổ tháp đã góp phần làm nên cái tên Hòn Chuông dân dã.
Những năm 1970 - 1980, một số thanh niên khỏe mạnh và liều lĩnh nhất từ các xã xung quanh Núi Bà như Cát Tiến, Cát Thành, Cát Tài..., mà chủ yếu là người ở thôn Chánh Danh, xã Cát Tài (huyện Phù Cát), đã mang rựa, mang cuốc lội rừng đến Hòn Chuông mong đổi đời với ước mơ tìm được “vàng Hời“ - cách gọi của người dân về các truyền thuyết khi tìm được vàng từ các tháp hay mộ Chăm.
Vàng đâu không thấy, cũng chẳng thấy ai đổi đời nhưng câu chuyện về ngôi tháp Chăm bí ẩn dần dần được nhiều người biết đến hơn. Năm 1993, khi tiến hành đợt khảo sát các di tích lịch sử cách mạng về căn cứ của Tỉnh ủy Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ, tháp Hòn Chuông lần đầu tiên được đề cập chính thức trong một văn bản của chính quyền cấp tỉnh.
|
Và phải đến 21 năm sau - năm 2014, Bảo tàng Bình Định đã đưa tháp Chăm Hòn Chuông vào website tra cứu bản đồ khảo cổ của tỉnh. Tuy nhiên, thông tin về tháp Chăm này vẫn còn ít ỏi do cơ quan chức năng vẫn chỉ khảo sát quanh chân Hòn Chuông và thu lượm được một số hiện vật như mảnh gạch, mảnh ngói mũi lá - đặc trưng cho kiến trúc Chăm cổ.
6 năm sau, dùng flycam, các cán bộ khảo cổ của Bảo tàng Bình Định đã tiến thêm một bước khá dài khi mô tả khá chi tiết hình dáng, kích thước, kết cấu, phương pháp và vật liệu xây tháp... nhưng tất cả vẫn là nhìn qua màn hình.
Chinh phục tháp cổ bí ẩn
Cho đến ngày 18.4.2021, nhóm khảo sát và khám phá độc lập của chúng tôi gồm 13 thành viên (thuộc Hội Khám phá non nước Bình Định) cùng 2 người dẫn đường cõng theo sợi dây cáp dài 200 m sau gần 4 giờ băng rừng vượt dốc đã đến chân núi Hòn Chuông.
Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, anh Khoa - người dẫn đường, thông báo đã tìm được đường lên tháp. Sau thủ tục tâm linh và thành kính thắp nén nhang thơm xin phép tiền nhân, với sự trợ giúp của sợi cáp có đai an toàn chống rơi - thiết bị chuyên dụng của các “người nhện“ chuyên vệ sinh cao ốc và được 2 người dẫn đường là Khoa và Cường hướng dẫn, 5 người trong nhóm phải mất gần 1 giờ để leo lên được thớt đá đầu tiên.
|
Đến đây, do lối đi men theo giữa 2 thớt đá rất hẹp và thấp, có chỗ thậm chí chỉ có thể qua được bằng cách bò thấp nên để đảm bảo an toàn, 4 người đã quyết định không leo lên phần cao hơn.
12 giờ 30, sau nhiều nỗ lực, anh Thanh - thành viên trong nhóm và 2 người dẫn đường cũng đã lên được tới đỉnh Hòn Chuông và tận tay sờ được vào thân tháp cổ trong tiếng hò reo cổ vũ không ngớt của cả nhóm. Tháp Chăm cổ đã thức giấc sau giấc ngủ nghìn năm.
Sau khoảng gần 30 phút, mọi người xuống tháp. Anh Cường đeo ba lô mang theo 1 viên gạch còn nguyên cùng mấy mảnh vỡ lượm được trong đống đổ nát ngay chân tháp để gửi đến các nhà nghiên cứu.
|
Anh Thanh kể lại: diện tích toàn mặt bằng khoảng 100 – 120 m2; kích thước chân tháp khoảng 4x3 m trong đó cạnh dài là phía đông - tây, cạnh ngắn là nam - bắc. Từ nền lên đến phần mái tháp còn lại cao khoảng 3,2 m do phần đỉnh và tường phía tây tháp bị hư hại, đã bị đổ. Phía đông có cửa tháp còn tương đối nguyên vẹn hình chữ V ngược cao tầm 1,8 m. Trong lòng tháp ngổn ngang gạch đổ từ mái, tường tháp được xây bằng gạch có kích thước không đồng nhất, bề dày khoảng 70 - 80 cm.
Tháp được xây trên nền đá gốc, xung quanh tháp có nhiều đống gạch rơi vỡ đổ nát, nhất là phía tây và nam... Viên gạch Chăm mang xuống từ tháp Hòn Chuông có kích thước 32x12x9 cm và nặng 6 kg.
Với việc chinh phục tháp Chăm cổ Hòn Chuông, nhóm khảo sát - khám phá chúng tôi hy vọng giới chuyên gia về khảo cổ học, về văn hóa và tháp Chăm sẽ sớm có những cuộc khảo sát mang tính chất căn cơ, bài bản và chính quy hơn để giải mã các bí ẩn ngàn năm như: tháp Hòn Chuông được xây khi nào, xây bằng cách gì và xây để làm gì? Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn di tích Tháp Chăm Hòn Chuông sẽ là điểm du lịch khám phá và mạo hiểm mới đầy hấp dẫn của tỉnh Bình Định.
Bình luận (0)