Lăng kính bạn đọc:

Chính quyền quản lý sát sao, 'cò' đất hết thời lũng đoạn

Tường Vy
(tổng hợp)
11/04/2023 06:13 GMT+7

Câu chuyện sốt đất ảo ở một số vùng ven của H.Cam Lâm (Khánh Hòa) vừa qua cho thấy chỉ khi cơ quan chức năng sát sao, vào cuộc quyết liệt thì những cơn "sóng ảo" mới nhanh chóng bị dập tắt.

Liên quan tình trạng sốt đất ảo ở một số vùng ven của H.Cam Lâm, Thanh Niên đã có một số tin bài phản ánh. Theo đó, sau khi tỉnh Khánh Hòa công bố một số quy hoạch của tỉnh được Chính phủ phê duyệt (ngày 2.4), một số vùng ven của H.Cam Lâm, nơi dự kiến có "đại đô thị" hơn 54.700 ha được quy hoạch, rộ lên tình trạng sốt đất ảo do "cò" tung tin thất thiệt. Cụ thể, như tại xã Cam An Bắc, "cò" đất tung tin rằng địa phương này trước đây có quy hoạch làm 6 sân golf, nhưng quy hoạch này đã bỏ, thay vào đó là các dự án khu tái định cư. Thậm chí, một số còn dùng hình ảnh sai lệch về việc đổ xô làm thủ tục giao dịch đất để "kích cầu"… Tất cả những thông tin này sau đó đã được cơ quan chức năng địa phương bác bỏ, tình hình đã tạm lắng nhưng nhiều bạn đọc (BÐ) cho rằng cần nhiều biện pháp đề phòng sự việc tái diễn...

Chính quyền quản lý sát sao, 'cò' đất hết thời lũng đoạn - Ảnh 1.

Thủ đoạn không mới...

Nhận định sốt đất ảo khiến giá bất động sản không phản ánh đúng thực chất giá trị, vừa có thể gây mất trật tự, an ninh tại địa phương, dễ phát sinh nhiều tranh chấp... đặc biệt có thể là "bẫy" khiến nhiều người nhẹ dạ lao theo dẫn đến "tiền mất, tật mang", BÐ Phuc Vo nhắc lại bài học không bao giờ cũ đó là: "Cẩn trọng, kiểm chứng những thông tin sốt đất vốn thỉnh thoảng lại xuất hiện trên các nhóm kín, một số trang cá nhân chuyện mua - bán bất động sản".

"Các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống đã nhiều lần lên tiếng, cảnh báo về tình trạng những kẻ lợi dụng sự quan tâm của người dân về các dự án bất động sản đang được đầu tư ở các địa phương, đưa lên mạng xã hội những thông tin giả nhằm tạo ra nhu cầu mua - bán. Từ đó, họ cấu kết nhau, lừa người mua nhanh chóng đặt cọc, thậm chí sang tay những khu đất mà tính pháp lý vẫn chưa rõ ràng. Trong đa số các trường hợp, người mua sập bẫy, rơi vào vòng xoáy của những cơn sốt đất ảo kiểu này là do muốn "lướt sóng", chốt nhanh, lời đậm... Thủ đoạn của "cò" tuy không mới, nhưng thật đáng tiếc là không ít người vẫn "nhẹ dạ, cả tin" hoặc "nhắm mắt làm liều" mà lãnh hậu quả to lớn", BÐ Phuc Vo cho biết.

Chính quyền quản lý sát sao, 'cò' đất hết thời lũng đoạn - Ảnh 2.

Hình ảnh “đổ xô làm thủ tục giao dịch đất” do một chủ tài khoản mạng xã hội đăng tải sau đó bị chính quyền bác bỏ, người đăng thông tin bị lực lượng chức năng xử phạt

THẾ QUANG

BÐ Viet Thao cho rằng không chỉ ở xã Cam An Bắc, H.Cam Lâm, mà thời gian qua sốt đất ảo từng xảy ra nhiều lần ở Bình Phước, Bình Thuận, Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Gia Lai... "Ðáng lên án nhất là những kẻ đã tham gia vào "vở kịch" tạo cơn sốt đất giả tạo ấy. Nhiều người dân địa phương, thường trú hoặc sở hữu đất tại khu vực được đồn thổi cũng đã vô tình hoặc cố ý khiến cho "vở kịch" do "cò" đất dựng lên càng thêm thuyết phục, và dễ khiến nhiều người tin hơn...", BÐ này bức xúc.

Cần vài vụ "án điểm"

Theo BÐ Lê Hà, sẽ như "bắt cóc bỏ dĩa" nếu không có một vài vụ "án điểm" xử lý, chế tài thật nghiêm khắc đối với "cò" đất hoặc những kẻ tung tin thất thiệt gây sốt đất ảo ở một số địa phương. Song song đó, vai trò của chính quyền cơ sở, đặc biệt là ở những địa phương đang có thông tin về quy hoạch dự án rất quan trọng. Nếu sâu sát, nắm bắt tốt phản ánh từ người dân địa phương, triển khai ngay các tổ công tác xuống thực địa để nắm bắt thông tin, diễn tiến để từ đó có những báo cáo nhanh đến cơ quan quản lý các cấp, sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng sốt đất ảo.

"Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, một số khu vực ở Bình Thuận, tôi thấy chính quyền địa phương có cắm bảng cảnh báo về các khu đất chưa được quy hoạch, chưa được cấp đất để làm dự án nhà ở… để cảnh báo người từ nơi khác đến, hoặc người được mời chào, dẫn dụ mua đất. Cũng có địa phương ghi hẳn số điện thoại của cán bộ địa chính, UBND phường, xã để người dân có nhu cầu tìm hiểu thông tin về thửa đất, khu đất có thể thực hiện được quyền của mình... ", BÐ Ngọc Diễm nêu ý kiến.

Theo BÐ Lâm Minh Tân, về lâu dài, thông tin quy hoạch chi tiết về dự án đất đai của các địa phương phải được công khai, minh bạch để người dân muốn tìm hiểu có được thông tin đáng tin cậy từ cơ quan có thẩm quyền. "Nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ cơ sở cũng phải được đặt ra, vì các yếu tố gây nên hiện tượng sốt đất ảo thường là: rêu rao, quảng bá, đưa thông tin giả lên mạng xã hội hoặc tập trung thành từng nhóm người tại khu vực đang được đồn thổi để lan tỏa thông tin sai... Chính quyền gần dân, sát sao, quyết liệt vào cuộc thì chắc chắn "cò" sẽ không dám làm bậy, gây lũng đoạn thị trường", BÐ này viết.

* Chỉ khi chính quyền địa phương vào cuộc, quyết liệt, đồng bộ trách nhiệm... thì mọi việc mới mong trật tự.

M.Trang

* Một yếu tố nữa ít người đề cập đến, nhưng theo tôi, cần chú ý, đó là vận động, tuyên truyền người dân địa phương tại nơi được đồn thổi đang sốt đất đừng góp sức cho "cò". Trường hợp tham gia vào "màn kịch" của "cò" đất, hãy xử lý nghiêm để làm gương.

Pham Do Toan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.