Chuẩn tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar, đưa ra cáo buộc này trong buổi họp báo ngày 11.3.
Ông Min Tun khẳng định thông tin đã được xác minh và nhiều người đã bị thẩm vấn liên quan đến việc bà Suu Kyi chấp nhận khoản thanh toán bất hợp pháp lên đến 600.000 USD cùng với vàng, theo Reuters.
Bên cạnh đó, tổng thống bị lật đổ Win Myint cùng với một số bộ trưởng trong nội các cũng bị cáo buộc tham nhũng.
Ông Min Tun nói ông Win Myint đã gây áp lực buộc ủy ban bầu cử quốc gia không được có bất kỳ hành động nào để giải quyết các báo cáo của quân đội về gian lận bầu cử. Hiện bà Suu Kyi và Win Myint vẫn đang bị quản thúc tại gia.
Hôm 1.3, bà Suu Kyi đã phải hầu tòa vì bị cáo buộc sở hữu nhiều máy bộ đàm, vi phạm luật xuất nhập khẩu. Bà còn bị cáo buộc vi phạm luật quản lý thiên tai khi tham gia cuộc vận động tranh cử hồi năm 2020, vi phạm quy định phòng dịch Covid-19.
Quân đội Myanmar lên nắm quyền kể từ cuộc chính biến ngày 1.2 dẫn đến làn sóng biểu tình khắp nước này cho đến nay.
Theo ông Min Tun, chính quyền quân sự Myanmar chỉ nắm quyền kiểm soát đất nước “trong một thời gian nhất định” và sẽ tổ chức cuộc bầu cử rồi trao quyền lực cho bên chiến thắng.
Trước đó, quân đội Myanmar cáo buộc Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8.11.2020 là nhờ "gian lận bầu cử". Quân đội lên án ủy ban bầu cử không xử lý khiếu nại về gian lận bầu cử nên buộc phải lên nắm quyền.
Nhiều nguồn tin ở Myanmar cho rằng đến nay có hơn 60 người biểu tình đã bị giết chết và lực lượng quân đội giam giữ khoảng 2.000 người biểu tình.
Mỹ cùng một số nước khác lên án việc quân đội trấn áp người biểu tình. Washington vừa áp đặt lệnh cấm vận nhắm vào các trai và con gái của lãnh đạo quân đội Myanmar và trước đó các tướng lĩnh.
Bình luận (0)