Chính sách BHXH, Việt Nam muốn thay đổi những gì?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
20/07/2023 10:47 GMT+7

Tháng 6.2023, Bộ LĐ-TB-XH hoàn thiện dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cho ý kiến. Thanh Niên điểm lại những chính sách nổi bật được đề xuất thay đổi.

Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội

So với luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, dự thảo bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội. Mục đích của thay đổi này nhằm hình thành hệ thống BHXH đa tầng (cùng với BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHXH hưu trí bổ sung) và để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội (hiện nay chỉ mới đạt 35%).

Cụ thể, đề xuất công dân Việt Nam từ 75 tuổi trở lên nếu không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Tùy điều kiện kinh tế - xã hội và ngân sách từng thời kỳ, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và Chính phủ quy định mức trợ cấp hằng tháng.

Ngoài ra, người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy vào thời gian đóng, tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động.

Nhìn lại các điểm Việt Nam muốn thay đổi về chính sách BHXH - Ảnh 1.

Việt Nam phấn đấu năm 2030 có 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội

NHẬT THỊNH

Mở rộng diện đóng BHXH bắt buộc

Dự thảo luật BHXH sửa đổi quy định mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Trong đó, điểm đáng chú ý là bổ sung diện "chủ hộ kinh doanh". Bộ LĐ-TB-XH thống kê hiện Việt Nam có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký nhưng các chủ hộ vì không có hợp đồng lao động, không có tiền lương nên chưa tham gia BHXH bắt buộc.

Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện

Đề xuất này nhằm tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện và hạn chế tình trạng giảm sinh. Theo đó, dự thảo quy định người lao động (gồm cả nam lẫn nữ) tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng từ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho 1 con.

Chế độ này do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.

Bổ sung chế độ với người hoạt động không chuyên trách

Hiện nay có khoảng 100.000 người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đang tham gia BHXH bắt buộc nhưng chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Đề xuất mới quy định diện này tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc như các đối tượng khác.

Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu

Đề xuất này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.

Đề xuất này căn cứ số liệu thống kê rằng trong 7 năm thực hiện luật BHXH năm 2014, có khoảng 500.000 người hưởng BHXH 1 lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm; có hơn 70.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH 1 lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có hơn 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương. Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu 20 năm tham gia BHXH thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu.

Nhìn lại các điểm Việt Nam muốn thay đổi về chính sách BHXH - Ảnh 2.

Giảm số năm tham gia BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm để hưởng lương hưu là một trong đề xuất nổi bật của cơ quan soạn thảo

NHẬT THỊNH

Về rút BHXH 1 lần

Đây là một trong những đề xuất được tranh luận sôi nổi nhất trong thời gian qua. Cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án xin ý kiến:

Thứ nhất, giữ nguyên quy định hiện hành: được rút BHXH 1 lần sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Cạnh đó, bổ sung tăng quyền lợi nếu người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Thứ hai, đề xuất người lao động chỉ được rút 50%. Thời gian còn lại đóng BHXH được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Phương án này gặp nhiều phản ứng trái chiều của người lao động. Các chuyên gia cũng cảnh báo về đề xuất này, cho rằng cần có giải pháp "giảm sốc" cho người lao động trước khi cấm hoặc hạn chế khoản tiền rút BHXH 1 lần.

Căn cứ đóng BHXH bắt buộc

Dự thảo luật BHXH sửa đổi bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố và cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những diện không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương…), cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với diện người lao động làm việc không trọn thời gian.

Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động ngoài nhà nước thì cơ bản kế thừa quy định hiện hành, song dự thảo quy định cụ thể hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Nhìn lại các điểm Việt Nam muốn thay đổi về chính sách BHXH - Ảnh 3.

Dự thảo luật BHXH sửa đổi bổ sung nhiều quy định liên quan khu vực nhà nước

NHẬT THỊNH

Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước

Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách tiền lương định hướng sẽ không còn mức lương cơ sở. Quy định hiện hành còn nhiều khoản trợ cấp gắn với mức lương cơ sở như dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng…

Dự thảo luật BHXH sửa đổi các khoản trợ cấp gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể, đồng thời quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH.

Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH

Đề xuất của Bộ Tài chính đối với dự thảo luật BHXH sửa đổi gồm: bổ sung quy định về nguyên tắc đầu tư; danh mục đầu tư và phương thức đầu tư; quản lý hoạt động đầu tư.

Chi phí quản lý BHXH

Cơ quan soạn thảo trình 2 phương án:

Phương án 1, mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu BHXH. Các chuyên gia đánh giá ưu điểm của phương án này là phù hợp với thông lệ quốc tế; đảm bảo thu đúng, thu đủ, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động.

Tuy nhiên, nhược điểm là chưa bao hàm được các nhiệm vụ của cơ quan BHXH (thu, chi BHXH) và chi phí quản lý này sẽ cao hơn so với phương án 2 - đề xuất mức chi phí này được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ để đạt mục tiêu

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đạt 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (tương đương hơn 29,4 triệu người); 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội (hơn 8,9 triệu người).

Dự thảo luật BHXH đã đề xuất một số chính sách cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thể chế hóa quan điểm, chủ trương này gồm: trợ cấp hưu trí xã hội, trợ cấp thai sản với người đóng BHXH tự nguyện; BHYT đối với người hưởng trợ cấp hằng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. 

Theo kinh nghiệm của các nước, tỷ lệ trung bình ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hệ thống BHXH khoảng 3 - 4% GDP/năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.