Chính sách hỗ trợ tài chính sinh viên ở các nước

07/09/2024 06:05 GMT+7

Nhiều quốc gia có những chính sách vay tiền đóng học phí nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội học tập.

SINH VIÊN MỸ VAY TỪ CHÍNH PHỦ HOẶC NGUỒN TƯ NHÂN

Ở Mỹ, sinh viên (SV) có thể nộp đơn xin hỗ trợ tài chính, với khoản vay từ chính phủ liên bang (Federal Student Aid, FSA) hoặc nguồn tư nhân như: ngân hàng, tổ chức tài chính hoặc các tổ chức khác. Các khoản vay FSA có nhiều ưu đãi về thời hạn trả, lãi suất thấp hơn khoản vay tư nhân.

Chính sách hỗ trợ tài chính sinh viên ở các nước- Ảnh 1.

Hầu hết các nước có chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên vay đóng tiền học phí và trả nợ sau khi tốt nghiệp

ẢNH: REUTERS

Trả lời PV Thanh Niên, anh Nick McNamara (31 tuổi), cựu SV tại California State University, cho biết học sinh tốt nghiệp THPT có thể đăng ký vay tiền đóng học phí bằng cách điền vào đơn trực tuyến Free Application for Federal Student Aid trên website của FSA (đơn xin hỗ trợ tài chính liên bang miễn phí, gọi tắt FAFSA).

Trong đơn trực tuyến, ngoài thông tin cá nhân, SV phải cung cấp thông tin khác như: mã số an sinh xã hội, thông tin thuế thu nhập cá nhân cha mẹ. Sau khi hoàn tất FAFSA, SV sẽ chuyển đến trang studentloans.gov để được tư vấn các khoản vay phù hợp, lộ trình chi trả sau khi tốt nghiệp. Chính phủ liên bang thuê các tổ chức tài chính tư nhân thực hiện tư vấn, quản lý khoản vay SV.

"SV đứng tên khoản vay, nhưng có khả năng không thể hoàn thành đơn xin FSA nếu cha mẹ không cung cấp thông tin tài chính của họ, vì đây là thông tin bắt buộc và biểu mẫu được tự động hóa, nhưng cha mẹ không có nghĩa vụ phải trả nợ thay con", anh McNamara chia sẻ.

SINH VIÊN TRẢ NỢ TRONG 10 - 20 NĂM LÀ BÌNH THƯỜNG

Theo anh McNamara, 6 tháng sau khi tốt nghiệp, SV bắt đầu trả một mức tối thiểu hằng tháng theo kế hoạch trả nợ. Nếu gặp khó khăn tài chính thì SV tốt nghiệp có thể xin hoãn trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định hoặc điều chỉnh lộ trình trả nợ (chẳng hạn kéo dài thời gian trả để giảm bớt số tiền phải trả hằng tháng).

"Thời gian thanh toán khoản nợ SV kéo dài từ 10 - 20 năm là khá bình thường, thậm chí lên tới 30 năm. Tất nhiên SV sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài. Bản thân tôi đang phải trả khoản vay SV bằng 10% thu nhập/tháng", anh McNamara cho hay. Nếu không trả khoản vay SV trong nhiều tháng, người vay sẽ bị "siết nợ" bằng cách áp đặt trừ lương qua hệ thống ngân hàng.

Theo anh McNamara, trong kế hoạch xóa nợ SV của chính phủ Tổng thống Joe Biden, anh không phải trả nợ hằng tháng từ năm ngoái. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Mỹ hồi tháng 6.2023 đã ra phán quyết ngăn chặn việc triển khai kế hoạch này. Cũng theo anh McNamara, hiện tại mọi người vẫn được hoãn trả nợ và không tính lãi, nhưng chưa biết sắp tới sẽ như thế nào.

Trong khi đó, SV sẽ phải trả lãi suất cao hơn nếu chọn vay tiền từ các tổ chức tài chính hoặc ngân hàng, và không được hưởng chính sách xóa nợ từ chính phủ liên bang.

Trao đổi với PV Thanh Niên, cô Hayley Booth (41 tuổi), nghiên cứu sinh tiến sĩ tại bang Louisiana (Mỹ), cho biết: "Tôi vay tiền từ tổ chức cho vay Sallie Mae để đóng học phí chương trình cử nhân lẫn thạc sĩ. Quy trình xét duyệt hồ sơ vay đơn giản và tổ chức cho vay chỉ đánh giá điểm tín dụng để xác định tôi là một người vay tiền có trách nhiệm hay không. Khác với FSA, các tổ chức cho vay ấn định số tiền phải trả hằng tháng".

"Tôi có nghĩa vụ trả nợ khi tôi tốt nghiệp. Tôi đã trả khoản vay SV trong 10 năm. Trong lúc học thạc sĩ và bây giờ là tiến sĩ, tôi được tạm hoãn trả nợ cho đến khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, tôi có một khoản vay đã vượt ngưỡng thời hạn hoãn trả nên phải bắt đầu trả nợ. Một số khoản vay sẽ có thời hạn hoãn trả nợ tối đa nhằm ngăn chặn tình trạng mọi người ở lại trường mãi mãi để tránh trả nợ", cô Booth chia sẻ.

Chính sách hỗ trợ tài chính sinh viên ở các nước- Ảnh 2.

Học phí là mối bận tâm lớn nhất của nhiều gia đình khi con trúng tuyển ĐH

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


CHA MẸ CHÂU Á KHÔNG THỂ NGỒI YÊN NHÌN CON MẮC NỢ

Ở châu Á, một số quốc gia như Trung Quốc có chính sách cho vay dành cho SV, với yêu cầu, thủ tục khác nhau.

Trong bài báo trên tạp chí Journal of Student Financial Aid (năm 2023), tác giả Hanwen Zhang, ĐH Hồng Kông, mô tả hệ thống cho vay hỗ trợ SV ở Trung Quốc sau khi phân tích dữ liệu và khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu với 41 SV Trung Quốc đại lục.

Cụ thể, Trung Quốc áp dụng ngưỡng cho vay ở mức 12.000 nhân dân tệ (42 triệu đồng)/năm cho SV bậc ĐH và 16.000 nhân dân tệ đối với SV cao học. Lãi suất được nhà nước trợ cấp hoàn toàn trong thời gian học và được giảm thấp hơn so với thị trường sau khi tốt nghiệp (nhà nước hỗ trợ giảm lãi suất).

Thời gian trả nợ trong vòng 22 năm và thời gian hoãn trả nợ tối đa 5 năm. Chính phủ tin rằng việc mở rộng thời gian trả nợ góp phần làm giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho SV tốt nghiệp. Vào năm 2023, chính phủ Trung Quốc đã miễn hơn 2,3 tỉ nhân dân tệ tiền lãi cho vay SV, theo Tân Hoa xã.

Để được vay, SV phải cung cấp nhiều loại giấy tờ cho ngân hàng: giấy chứng nhận gia đình gặp khó khăn tài chính; giấy chấp thuận của phụ huynh; giấy chấp thuận của trường; giấy cam kết trả nợ đúng hạn; giấy cam kết cung cấp thông tin đầy đủ về nơi làm việc sau khi tốt nghiệp; lý lịch tốt, không có tiền án tiền sự…

Hơn phân nửa trong số 41 SV Trung Quốc tham gia khảo sát cho biết gia đình thường trả nợ cho họ. Một số SV thừa nhận cha mẹ đã giúp trả hết số nợ một lần sau khi tốt nghiệp. "Ở Trung Quốc, cha mẹ không thể ngồi yên nhìn con lâm vào cảnh nợ nần sau khi tốt nghiệp ĐH nên sẽ làm đủ mọi cách để giúp đỡ con cái", một SV chia sẻ.

Nhiều bất cập trong chương trình cho SV vay vốn học tập

Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh, Trưởng ban Ban đối ngoại và phát triển dự án - Giám đốc Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận sau hơn 15 năm thực hiện chương trình cho học sinh - SV vay do Ngân hàng Chính sách xã hội VN quản lý, bên cạnh những thành tựu, có một số hạn chế.

Đối tượng được vay vốn đang bị giới hạn ở một trong các nhóm sau: mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ mà người còn lại không có khả năng lao động; SV sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo hoặc có mức thu nhập trung bình theo chuẩn do pháp luật quy định; SV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn nơi cư trú. Trường hợp SV không đúng đối tượng trên nhưng bản thân hoặc gia đình gặp khó khăn hay biến cố bất ngờ, ảnh hưởng đến việc tiếp tục chương trình học nhưng chưa hoặc không xin được xác nhận của địa phương không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ chương trình. Ngoài ra, quy trình xin xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn nơi cư trú có thể đòi hỏi nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Hạnh cũng cho rằng hạn mức cho vay không đáp ứng nhu cầu thực tế của người vay. Dù đã có sự điều chỉnh về hạn mức vay lên 4 triệu đồng/tháng/SV nhưng xét theo mức học phí và chi phí sinh hoạt thực tế hiện nay, đặc biệt tại các đô thị lớn, hạn mức cho vay hiện nay cơ bản chưa đáp ứng đủ nhu cầu của SV. Chính sách lãi suất cũng chưa thực sự ưu đãi cho SV khi so sánh với các đối tượng chính sách khác. Mức lãi suất hiện nay áp dụng cho SV vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 6,6%/năm và mức lãi suất SV phải trả khi quá hạn là 130% lãi suất cho vay. Nhìn sang các đối tượng ưu đãi khác của ngân hàng này như cho vay trồng rừng sản xuất và chăn nuôi (1,2%/năm), cho vay nhà ở (3 - 4,8%/năm), hay cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi (3,3%/năm), thì SV thiệt thòi hơn nhiều dù đây là lực lượng then chốt đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Việc hạ lãi suất tín dụng SV thực sự cần thiết để hỗ trợ người trẻ hoàn cảnh kinh tế khó khăn có cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH; tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.