Chính sách nổi bật trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Pháp Macron

25/04/2022 16:10 GMT+7

Năm 2017, ông Emmanuel Macron trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất lịch sử Pháp khi phá vỡ cán cân truyền thống của hai phe tả - hữu với chính sách trung dung.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Macron đã thúc đẩy hàng loạt cải cách về kinh tế, an ninh, giáo dục và môi trường nổi bật.

Tổng thống Emmanuel Macron đã đắc cử nhiệm kỳ 2 sau vòng bỏ phiếu ngày 24.4

Reuters

Về kinh tế, ông Macron từng cam kết sẽ làm cho nước Pháp trở nên thu hút hơn với doanh nghiệp nước ngoài cũng như các công ty khởi nghiệp trong nước, thông qua việc cởi mở luật lao động và tháo gỡ các quy tắc hành chính, theo AFP.

Ông Macron, cựu chuyên viên cấp cao của ngân hàng Rothschild và là cựu bộ trưởng kinh tế, đã nới lỏng quy định tuyển dụng và sa thải, trao cho doanh nghiệp quyền đàm phán mức lương trực tiếp với nhân viên thay vì tuân theo thỏa thuận theo từng lĩnh vực, nơi các nghiệp đoàn có tiếng nói lớn hơn.

Ông cũng áp mức thuế trần đối với cổ tức và lãi vốn ở mức 30% và bãi bỏ thuế tài sản đối với người có thu nhập cao.

Ông Macron trở thành tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử sau 20 năm

Những khoản hỗ trợ thất nghiệp bị kiểm soát chặt và tiền trợ giá nhà ở thu nhập thấp, lương hưu bị giảm. Những chính sách này khiến ông Macron bị chỉ trích là “tổng thống của người giàu”.

Phong trào biểu tình áo phản quang vàng hồi năm 2018 đã buộc ông Macron tăng lương tối thiểu và giảm thuế thu nhập với người thu nhập thấp, đảo ngược việc tăng thuế nhiên liệu.

Người biểu tình áo phản quang vàng tại Đại lộ Champs Elysees năm 2018

Reuters

Nhà lãnh đạo cải cách hệ thống thực tập để thu hút thêm nhiều người trẻ, đưa số hợp đồng thực tập lên mức kỷ lục 700.000 vào năm 2021.

Chính quyền cũng ban hành mức “thuế số” đối với các ông lớn công nghệ đa quốc gia như Amazon và Facebook, có thể mang về gần 520 triệu euro cho ngân sách trong năm 2022.

Ông Macron còn thực hiện cải cách mang tính biểu tượng lớn đối với công ty đường sắt SNCF, loại bỏ chế độ hợp đồng trọn đời và đưa ra những cam kết về lương hưu cho nhân viên mới.

Sau 5 năm, thành tựu kinh tế đáng chú ý của ông Macron là đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 15 năm, còn 7,4% vào cuối năm 2021 so với mức 9,5% lúc ông mới nhậm chức. Thành tích này có được một phần lớn nhờ gói chính sách nhiều tỉ euro để cứu việc làm và các công ty trong các đợt phong tỏa do Covid-19.

Tỷ lệ người thất nghiệp tại Pháp đã giảm dưới nhiệm kỳ của ông Macron

Reuters

Về an ninh, dưới nhiệm kỳ của ông Macron, lực lượng cảnh sát Pháp bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức đối với người biểu tình. Những vụ việc cảnh sát da trắng dùng vũ lực để bắt giữ những người thiểu số càng làm gia tăng làn sóng phẫn nộ, cáo buộc lực lượng an ninh có hành vi phân biệt sắc tộc.

Ông Macron thừa nhận vấn đề này nhưng trái lại cũng thúc đẩy những luật mới nhằm gia tăng thẩm quyền, ngân sách cho cảnh sát, bảo vệ cảnh sát khỏi bị truy tố trong một số trường hợp.

Ông cũng tìm cách cấm đăng tải băng hình quay cảnh cảnh sát làm nhiệm vụ nhưng sau đó bị Hội đồng Hiến pháp ngăn chặn.

Lính cứu hỏa đụng độ cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình phản đối điều kiện làm việc tại Paris hồi năm 2020

Reuters

Về nhập cư, những vụ tấn công khủng bố đẫm máu liên quan đến các thành phần cực đoan từ năm 2015 đã khiến chính sách nhập cư trở thành mối quan tâm lớn của cử tri. Tổng thống Macron do đó buộc phải có biện pháp cứng rắn hơn, khiến giới chỉ trích cho rằng đã làm tổn hại quyền của người nhập cư.

Năm 2018, ông Macron thúc đẩy thông qua luật hạn chế tiếp nhận người nhập cư và tạo điều kiện dễ dàng hơn để trục xuất nếu đơn xin tị nạn bị bác bỏ. Luật cũng giảm mức hỗ trợ cho người nhập cư muốn có nơi cư trú.

Chính quyền cũng mạnh tay xóa sổ những khu lều trại của người nhập cư ở Paris và các vùng ngoại ô hoặc gần cảng Calais. Năm ngoái, Pháp thông qua luật chống “chủ nghĩa ly khai Hồi giáo”, gia tăng thẩm quyền cho cơ quan chức năng đóng cửa trường tôn giáo, nơi thờ phượng, cấm hoạt động những cá nhân truyền bá cực đoan.

Về môi trường, Tổng thống Macron đảo ngược kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân khiến Bộ trưởng Môi trường Nicolas Hulot từ chức vào năm 2018. Ông còn có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân và coi nguồn điện này là "năng lượng xanh".

Việc ông Macron thông qua các thỏa thuận thương mại của EU với Canada và Nam Mỹ bị cho là để lại những hệ lụy môi trường về sau. Ông cũng không hoàn thành lời hứa cấm sử dụng thuốc trừ sâu chứa glyphosate, chất bị cho là có khả năng gây ung thư. Năm ngoái, nhà lãnh đạo cũng từ bỏ cam kết tổ chức trưng cầu dân ý về việc đưa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vào hiến pháp.

Bất chấp những tuyên bố về việc chống biến đổi khí hậu của ông Macron, tòa án Pháp hồi tháng 11.2020 tuyên bố chính quyền không nỗ lực đủ để hoàn thành cam kết giảm khí thải nhà kính xuống 40% vào năm 2030 so với mức vào năm 1990 như quy định trong Thỏa thuận Paris năm 2015.

Nhà máy điện hạt nhân tại Civaux, Pháp

Reuters

Về đối ngoại, việc củng cố châu Âu là trọng tâm trong chính sách của ông Macron. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhà lãnh đạo đã đến Brussels, nơi đặt trụ sở của EU và NATO 32 lần và đến Đức 19 lần, theo tờ The Telegraph.

Nhật báo Neue Zürcher Zeitung (Thụy Sĩ) đánh giá chính sách đối ngoại của ông Macron có phần phân cực qua những lần gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin lẫn cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuyên bố NATO bị “chết não” và việc mời ngoại trưởng Iran đến dự hội nghị G7 năm 2019.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.