Chính thức: Tháng 7.2023 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận

Chí Nhân
Chí Nhân
10/08/2023 17:41 GMT+7

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa chính thức khẳng định: Tháng 7.2023 là tháng nóng nhất thế giới từng được ghi nhận. Không chỉ nhiệt độ khí hậu mà nhiệt độ mặt nước biển cũng nóng hơn trung bình nhiều năm.

Các chuyên gia khí tượng thế giới cho biết, mức nhiệt trung bình của tháng 7 vừa qua cao hơn 0,72 độ C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn 1991 - 2020 cùng thời kỳ. Còn so với nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận vào tháng 7.2019 thì tháng 7.2023 cao hơn 0,33 độ C. Nếu so với giai đoạn tiền công nghiệp (1850 - 1900), nhiệt độ tháng 7 vừa qua cao hơn đến 1,5 độ C. Với toàn bộ số liệu thu thập được có thể khẳng định, tháng 7.2023 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Đó là nguồn gốc của các hiện tượng thời tiết cực đoan gồm cả nắng nóng, các đợt sóng nhiệt, băng tan và mưa lũ kỷ lục đang diễn ra khắp thế giới.

Chính thức: Tháng 7.2023 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận - Ảnh 1.

Nhiệt độ không khí toàn cầu trong tháng 7.2023 tăng vọt so với những năm trước đó

WMO

Tình trạng ấm hơn đã gây ra các làn sóng nhiệt ở nhiều khu vực phía bắc bán cầu, đặc biệt miền nam châu Âu. Nhiều nơi ở Nam Cực và khu vực Nam Mỹ cũng ghi nhận nhiệt độ cao hơn mức trung bình.

Tình trạng ấm lên được ghi nhận cả trên bề mặt nước biển. Trong tháng 7.2023, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu tăng 0,51 độ C so với giai đoạn 1991 - 2020 cùng thời kỳ. Riêng khu vực phía bắc Đại Tây Dương, mực nước biển tăng đến 1,05 độ C.

Phó giám đốc Dịch vụ Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) - Samantha Burgess, nói: Nhiệt độ không khí toàn cầu và nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu lập kỷ lục mới, vượt mọi thời đại vào tháng 7.2023, đã gây hậu quả nghiêm trọng cho cả con người và hành tinh đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên, dữ dội hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, phần còn lại của thế giới đang gánh chịu những trận mưa bão kỷ lục. Đáng chú ý nhất là trận mưa kéo dài từ 29.7 đến 2.8 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với lượng mưa đo được lên tới 744,8mm. Đây là số liệu kỷ lục kéo dài 140 năm của ngành khí tượng Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, việc trái đất đang ấm lên không phải là điều bất ngờ vì xu hướng này đã kéo dài cả thập kỷ qua. Để làm chậm quá trình này, yêu cầu cấp bách là con người phải giảm phát thải khí nhà kính thông qua giảm tiêu thụ các nhiên liệu hóa thạch.

Các chuyên gia cũng dự báo, trong thời gian còn lại của năm 2023, dự kiến khí hậu sẽ tương đối ấm như hiện tại do hiện tượng El Nino đang phát triển.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.