Các đại biểu góp ý kiến
|
Đó là ý kiến của TS Đào Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nêu ra tại tọa đàm “Văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM tổ chức ngày 29.3.
Theo anh Dương Trọng Phúc, Phó giám đốc Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM, trong khoảng một năm qua, các trào lưu trên Facebook trong giới trẻ xuất hiện liên tiếp, có những trào lưu được hình thành từ nước ngoài và lan tỏa đến Việt Nam. Nhưng cũng có những trào lưu do cộng đồng người dùng Việt Nam tạo ra. Một mặt sự hình thành và hoạt động của các trào lưu phản ảnh đời sống đa dạng của cộng đồng mạng xã hội, nhưng mặt khác nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội. “Có nhiều trào lưu, ban đầu xuất hiện là tốt, là hữu ích nhưng dần dần bị biến tướng. Đơn cử, confession, ban đầu là một dạng thông tin ẩn danh nhằm đem lại niềm vui, sự chia sẻ tình cảm, sau đó chuyển thành dạng đã kích cá nhân, tổ chức, trao đổi thông tin khi chưa kiểm chứng dẫn đến những hệ lụy khó lường”, anh Trọng Phúc dẫn chứng.
Trong khi đó, cô Phan Thụy Mộng Thu, giáo viên Trường THCS Lữ Gia, Q.11 (TP.HCM) nêu thực trạng trong môi trường học đường: “Hiện nay có rất nhiều học sinh quan niệm thầy cô giáo và cán bộ nhà trường chỉ là người làm công tác đào tạo cho mình. Vì vậy, họ đã đánh mất những cái đẹp, xa rời các chuẩn mực trong cách ứng xử thầy cô giáo. Đó là thái độ không tôn trọng giáo viên trong giờ học, mà những biểu hiện cụ thể như: cãi lại lời thầy cô khi bản thân mình có lỗi và bị phê bình; trả lời câu hỏi của thầy cô một cách cộc lốc, thờ ơ cho qua; nói xấu, phỉ báng thầy cô giáo sau lưng...”.
Để khắc phục thực trạng này, cô Thu đưa ra giải pháp: “Trước hết phải giáo dục, uốn nắn những lệch lạc về chuẩn mực trong thái độ, hành vi ứng xử của học sinh. Làm sao phải cho học sinh nhận thức được văn hóa ứng xử với thầy cô giáo không chỉ thể hiện nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc, không chỉ là yêu cầu về đạo đức, lối sống đối với học sinh mà còn thể hiện giá trị bản thân của mình. Chính vì vậy, nhà trường cần phải đẩy mạnh hơn nữa những bài học, những câu chuyện ứng xử bằng những tình huống thực tế của cuộc sống, tích hợp các tình huống văn hóa ứng xử văn hóa nơi công cộng vào giáo án giảng dạy. Ví dụ như hình thành văn hóa xếp hàng, văn hóa giao thông (đi đúng luật, biết nhường chỗ cho người già khi đi trên các phương tiện xe buýt, xe khách...), văn hóa đọc. Song song đó, cần có nhiều bài học về đạo đức cũng như cách ứng xử của học sinh trong nhà trường và ngoài xã hội. Đặc biệt, cần đặt ra những hình phạt thật nghiêm khắc đối với những học sinh vi phạm”.
Theo TS Đào Minh Hồng, quá trình hoàn thiện của một con người gắn liền với sự học tập, rèn luyện thật kiên trì, kiên nhẫn chứ không phải làm theo phong trào. Chính vì vậy, để con người tuân thủ và ứng xử có văn hóa nơi công cộng thì cần đặt ra nguyên tắc và luật lệ rõ ràng. Tiếp theo đó là phải có những mức phạt thật nghiêm “Bởi vì bản chất của người phương Đông là họ chỉ thực hiện và tuân thủ làm tốt những quy định khi họ thấy được đằng sau sự không tuân thủ là những hình phạt đi kèm”, TS Minh Hồng nói.
Chia sẻ tại buổi tọa đám, anh Phạm Hồng Sơn, Bí Thư Thành đoàn TP.HCM cho biết: “Để chuẩn bị cho tọa đàm hôm nay, ban tổ chức đã thực hiện cuộc khảo sát nhanh trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cho văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng. Vấn đề được nhiều người quan tâm tập trung vào những hành vi như: xã rác bừa bãi, văn tục chửi thề, chen lấn, xô đẩy khi tham gia các dịch vụ công cộng, viết bậy, bôi bẩn các công trình, văn hóa ứng xử của người trẻ trên không gian mạng…Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà tâm lý, xã hội học để có những chuyên đề về “Văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng” để giúp học sinh, sinh viên và người trẻ nói chung ngày một có cái nhìn tích cực, ứng xử văn minh cũng như hình thành tốt hơn về nhân cách của bản thân”.
|
|
Bình luận (0)