Chính trường Thái Lan trong cơn bất định

26/08/2022 08:30 GMT+7

Chính trường Thái Lan một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha bị đình chỉ chức vụ vào ngày 24.8, chờ tòa án hiến pháp ra phán quyết về giới hạn nhiệm kỳ đối với nhà lãnh đạo theo yêu cầu của phe đối lập.

Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan, đồng minh thân cận của ông Prayuth, sẽ giữ vai trò thủ tướng tạm quyền trong thời gian này. Tòa không nói khi nào phán quyết sẽ được đưa ra nhưng giới quan sát cho rằng quá trình này có thể kéo dài đến 1 tháng. Ông Prayuth vẫn tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và đã tham dự một cuộc họp tại bộ này ngày 25.8, theo Reuters.

Theo hiến pháp hiện hành tại Thái Lan, một thủ tướng không thể nắm quyền quá 8 năm. Tuy nhiên, cách tính thời gian tại nhiệm của ông Prayuth là chủ đề gây tranh cãi. Trong khi phe đối lập cho rằng ông Prayuth lẽ ra phải từ nhiệm trong tuần này vì ông nhận sắc phong hoàng gia để làm thủ tướng từ tháng 8.2014 sau cuộc đảo chính, những người ủng hộ ông lại nói thời gian ông nắm quyền nên được tính từ tháng 4.2017 khi hiến pháp mới có hiệu lực, hoặc từ tháng 3.2019 khi ông được bầu làm thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử.

Thủ tướng Prayuth (phải) và Phó thủ tướng Prawit

Reuters

Động thái bất ngờ của tòa án hiến pháp ngày 24.8 đã tạo ra khoảng trống chính trị tại Thái Lan và gây nên nhiều bất định. Theo AP, bất cứ quyết định nào cho phép ông Prayuth tiếp tục tại nhiệm đều có nguy cơ thúc đẩy phong trào phản kháng lâu nay đã tìm cách lật đổ ông và tái hiện những rạn nứt sâu sắc tồn tại trong xã hội Thái Lan suốt 2 thập kỷ qua.

Tỷ lệ ủng hộ ông Prayuth đang ngày càng sụt giảm, bất chấp việc ông đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần 4 vào tháng trước. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 2/3 trong số 1.300 người được hỏi muốn ông Prayuth ra đi ngay lập tức, theo AFP. Trong những ngày qua, các nhóm biểu tình đã tụ tập tại thủ đô Bangkok kêu gọi ông từ chức.

Nếu tòa án ra phán quyết có lợi cho ông Prayuth, việc này có thể cho phép ông tại vị đến năm 2025 hoặc 2027 - tùy thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tiếp theo, dự kiến diễn ra trước tháng 5.2023. Đây là kịch bản khả thi nhất vì tòa án hiến pháp có lịch sử đứng về phía ông và phe nắm quyền.

Song nếu tòa kết luận ông Prayuth đã đến giới hạn nhiệm kỳ - kịch bản được cho là khó xảy ra, sự ra đi của ông sẽ là một “cơn địa chấn chính trị”, theo ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok. Thái Lan sẽ có thể phải đẩy nhanh thời gian tổ chức bầu cử và mọi dự đoán đều trở nên vô nghĩa.

Trong bối cảnh đó, những đồn đoán về việc cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ đưa gia tộc trở lại chính trường được khoác thêm lớp áo mới. Dù sống lưu vong nhiều năm qua, ông vẫn duy trì ảnh hưởng lớn đến nền chính trị phân cực sâu sắc tại Thái Lan. Mới đây, ông Thaksin lên tiếng bác bỏ tin đồn rằng ông đã bí mật dàn xếp một thỏa thuận giữa đảng Palang Pracharath nắm quyền và đảng Pheu Thai đối lập để xây dựng chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử năm 2023, theo Bangkok Post.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.