Ghế thủ tướng Thái Lan và thách thức mới từ gia tộc Shinawatra

06/04/2022 16:55 GMT+7

Giữa cuộc thảo luận về khả năng Thái Lan tổ chức bầu cử sớm, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đối diện nhiểu thử thách trong đó có thách thức mới đến từ gia tộc Shinawatra.

Tháng trước, hình ảnh Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha dùng bữa với các thành viên trong liên minh đã khiến công chúng bất ngờ.

Ông Prayuth, trước đây được biết đến với hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn xuất thân từ quân đội. Việc ông bất ngờ thể hiện sự gần gũi đối với cấp dưới, đặc biệt là đồng minh lâu năm Prawit Wongsuwan, được coi là nỗ lực để củng cố liên minh trong bối cảnh có dấu hiệu rạn nứt và chia rẽ. Trước hết, ông Prayuth nỗ lực để đảm bảo khả năng kết thúc trọn vẹn nhiệm kỳ tới tháng 3.2023.

Tranh luận về nhiệm kỳ của ông Prayuth

Tranh luận về thời điểm kết thúc chính xác nhiệm kỳ của ông Prayuth đã nổ ra trong những tháng gần đây, theo South China Morning Post. Sau cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng khi đó là bà Yingluck Shinawatra vào tháng 5.2014, ông Prayuth đã nhận sắc lệnh hoàng gia để bắt đầu làm thủ tướng của chính quyền quân sự vào tháng 8 cùng năm.

Theo điều 158, chương 8 của hiến pháp Thái Lan năm 2017, một người chỉ được giữ chức vụ thủ tướng tối đa 8 năm tổng cộng, bất kể nhiệm kỳ có liên tục hay không.

Nếu tính từ năm 2014 thì ông Prayuth sẽ hết thời gian làm thủ tướng vào tháng 8 năm nay, theo hiến pháp nêu.

Tuy nhiên, một số người cho rằng nếu xem nhiệm kỳ của ông Prayuth chính thức bắt đầu vào tháng 3.2019, khi đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, ông có thể vẫn ngồi ghế thủ tướng cho đến tháng 3.2023, khi nhiệm kỳ kết thúc. Trường hợp khác có thể tính từ tháng 6.2019 khi ông nhận sắc lệnh hoàng gia để chính thức làm thủ tướng.

Cũng có ý kiến cho rằng hiến pháp 2017 không có hiệu lực hồi tố đối với ông Prayuth và mốc thời gian ông bắt đầu làm thủ tướng nên được tính từ khi bản hiến pháp này có hiệu lực, tức ngày 6.4.2018. Với lập luận như vậy, ông Prayuth có thể tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ sau.

Hồi tháng 2 vừa qua, ông Prayuth từng tuyên bố sẽ tiếp tục đảm nhiệm công việc cho đến khi nhiệm kỳ của chính phủ ông kết thúc vào tháng 3.2023, theo tờ Bangkok Post.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha và Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan nắm tay trong một sự kiện năm 2019

Reuters

Cuộc tranh luận này có thể ​​được giải quyết ở tòa án hiến pháp, nhưng đến nay chưa có đơn kiện nào như vậy.

"Ngay cả khi vụ việc được đưa ra tòa, nhìn vào các phán quyết trong quá khứ có thể dự đoán rằng tòa sẽ giải thích luật theo hướng có lợi cho chính phủ", Titipol Phakdeewanich, nhà khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani, bình luận.

Tháng trước, Phó Thủ tướng Prawit đã khơi mào cho cuộc thảo luận về việc tổ chức bầu cử sớm khi ông được cho là đã đề nghị giải tán quốc hội sau khi Thái Lan tổ chức xong hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11. Đề nghị của ông được xem là nỗ lực để xoa dịu căng thẳng trong liên minh giữa lúc bức tranh kinh tế và chính trị Thái Lan nhuốm màu ảm đạm.

Ông Prayuth sau đó đã bác bỏ tin đồn, nói rằng đây sẽ là quyết định của ông. Điều này được giới quan sát cho là báo hiệu sự rạn nứt trong tình bạn đã kéo dài hàng thập niên giữa hai vị tướng.

Thách thức nội tại

Không có đảng chính trị của riêng mình, ông Prayuth được củng cố quyền lực nhờ sự ủng hộ của tướng Prawit và đảng Palang Pracharath, cũng như lãnh đạo các đảng phái khác trong liên minh nắm quyền.

"Ông ấy vẫn ở thế phòng thủ, đợi đối thủ hành động và sau đó đáp trả", Termsak Chalermpalanupap, nhà nghiên cứu Thái Lan tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nói. "Đây không phải là chiến lược bền vững".

Được thành lập vào năm 2018, đảng Palang Pracharath dẫn dắt liên minh và đề cử ông Prayuth tranh cử thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019.

Trong bối cảnh hiện tại, việc Palang Pracharath tái đề cử ông Prayuth dường như ngày càng khó, nhất là sau khi vị thủ tướng sa thải Thammanat Prompao, thứ trưởng bộ nông nghiệp và người thân cận với ông Prawit, vào tháng 9 năm ngoái.

Hồi tháng 1, ông Thammanat và 20 nghị sĩ khác của Palang Pracharath đã chuyển sang đảng Kinh tế Thái Lan do một thân tín khác của ông Prawit thành lập. Sau khi "nhảy tàu", ông Thammanat cho biết nhóm của ông không thể đảm bảo sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Prayuth.

Thêm vào đó, tình hình kinh tế và tác động của đại dịch Covid-19 cũng là thách thức không nhỏ đối với mức độ ủng hộ dành cho ông Prayuth.

Nhà Shinawatra trở lại

Trước tương lai chưa rõ ràng của đương kim thủ tướng, đảng đối lập Pheu Thai - được hậu thuẫn bởi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 - năm nay đã giới thiệu con gái út của ông là Paetongtarn, 35 tuổi, ra chính trường.

Bà Paetongtarn đã trở thành tâm điểm chú ý vào năm 2019 với đám cưới hào nhoáng tại khách sạn Rosewood, Hồng Kông. Tiệc cưới có sự tham dự của toàn bộ gia tộc Shinawatra, bao gồm ông Thaksin, người đang sống lưu vong, bên cạnh nhiều người trong giới tinh hoa Thái Lan và châu Á. Điều này thể hiện sức ảnh hưởng chưa hết nóng của nhà Shinawatra tại khu vực.

Ông Thaksin tham dự đám cưới của con gái Paetongtarn năm 2019

Facebook

Tham dự lễ cưới còn có công chúa Ubolratana Rajakanya, chị gái nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn. Năm 2019, bà từng đứng ra ứng cử chức thủ tướng, đại diện cho một đảng có liên kết với gia tộc Shinawatra. Song nỗ lực này sau đó đã bị nhà vua ngăn chặn, dựa trên cơ sở rằng thành viên hoàng tộc không được phép hoạt động chính trị.

Tháng trước, đảng Pheu Thai đã phong cho bà Paetongtarn danh hiệu đặc biệt: "lãnh đạo gia đình Pheu Thai". Động thái này diễn ra sau khi bà được bổ nhiệm làm cố vấn của đảng hồi tháng 10.2021. Bà Paetongtarn tốt nghiệp ngành khoa học chính trị.

Nếu ra ứng cử chức thủ tướng và giành chiến thắng, bà Paetongtarn sẽ là người thứ tư trong gia đình Shinawatra điều hành đất nước, sau cha cô, bà Yingluck - em gái ông Thaksin, và Somchai Wongsawat - em rể ông Thaksin.

Dù vậy, bà Paetongtarn và đảng Pheu Thai cũng phải đối mặt với nhiều thử thách.

"Không giống như những năm đầu tiên sau khi ông Thaksin sống lưu vong, thương hiệu Shinawatra không còn độc quyền ở vùng đông bắc nữa. Paetongtarn có thể đại diện cho thế hệ mới, nhưng có nhiều sự lựa chọn hơn cho những người trẻ tuổi, chẳng hạn như đảng Tiến lên (Move Forward)", theo chuyên gia Titipol cho biết.

Trong một cuộc khảo sát do Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (Nida) thực hiện vào tháng 3, hơn 13% trong số 2.020 người từ 18 tuổi trở lên cho biết họ thích Pita Limjaroenrat - lãnh đạo đảng Tiến lên - làm thủ tướng Thái Lan, trong khi 12,67% ủng hộ ông Prayuth và 12,53% ủng hộ bà Paetongtarn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.