Chịu oan sai 40 năm, đòi bồi thường gần 13 tỉ nhưng chỉ được hơn 1 tỉ

Thái Sơn
Thái Sơn
02/04/2022 16:56 GMT+7

Ông Trần Ngọc Chinh (81 tuổi ở Vĩnh Phúc) đòi bồi thường thiệt hại do oan sai số tiền 12,87 tỉ đồng nhưng chỉ được toà chấp nhận hơn 1 tỉ đồng.

TAND tỉnh Vĩnh Phúc vừa mở phiên xử vụ án dân sự "Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự" của nguyên đơn là ông Trần Ngọc Chinh (81 tuổi, ngụ xã Đồng Thịnh, H.Sông Lô, Vĩnh Phúc), bị đơn là Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong đơn khởi kiện, ông Chinh đề nghị TAND tỉnh Vĩnh Phúc buộc Viện KSND tỉnh bồi thường số tiền gần 12,87 tỉ đồng vì những tổn thất về thể xác, tinh thần mà ông phải gánh chịu vì bị hàm oan tội "giết người" trong gần 40 năm.

Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên buộc Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc phải bồi thường cho ông Trần Ngọc Chinh số tiền 1,068 tỉ đồng.

Ông Trần Ngọc Chinh và vợ

Trần Cường

Tâm sự cay đắng của “chủ mưu” vụ giết người được giải án oan sau 40 năm

Theo hồ sơ vụ án, ngày 28.1.1980, ông Chu Văn Quản, Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng (xã Đồng Thịnh, H.Sông Lô, Vĩnh Phú, nay thuộc Vĩnh Phúc), được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ trên đồi sắn, với nhiều tình tiết đáng ngờ.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phú khi đó đã khởi tố, bắt giam 4 bị can, gồm: ông Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám (em trai ông Chinh); ông Khổng Văn Đệ và Nguyễn Đình Ký, đều trú tại xã Đồng Thịnh, để phục vụ điều tra.

Công an tỉnh Vĩnh Phú sau đó xác định ông Ký là thủ phạm và tuyên án chung thân đối với ông này vào ngày 15.6.1983; ông Chinh, ông Đệ được đình chỉ điều tra và trả tự do vào ngày 10.10.1982.

Ngày 18.10.1982, ông Thám cũng được đình chỉ điều tra vì không phạm tội, tuy nhiên, trong thời gian bị tạm giam, ông Thám đã qua đời. Đáng chú ý, sau khi được đình chỉ điều tra, trả tự do, chính quyền không tiến hành cải chính khiến 3 người vẫn mang tiếng giết người, bị dân làng dè bỉu.

Sau gần 40 năm, ngày 9.10.2019, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ quan có liên quan đã tổ chức buổi cải chính, xin lỗi công khai đối với 3 ông.

Sau đó, gia đình ông Chinh đã có đơn yêu cầu các cơ quan gây nên oan sai bồi thường 12,87 tỉ đồng; gia đình ông Trần Trung Thám đòi bồi thường 25 tỉ đồng; và gia đình ông Khổng Văn Đệ yêu cầu bồi thường hơn 5,2 tỉ đồng.

Đến tháng 9.2020, trải qua nhiều lần thương lượng, gia đình ông Đệ đã chấp nhận khoản tiền bồi thường oan sai hơn 1,1 tỉ đồng từ Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngoài vụ án khởi kiện của ông Trần Ngọc Chinh, tới đây TAND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục xét xử vụ kiện đòi bồi thường của gia đình ông Trần Trung Thám.

Thương lượng được đền bù cao hơn khởi kiện?

Trao đổi với Thanh Niên ngày 2.4, luật sư Nguyễn Văn Hưng (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc), đại diện theo uỷ quyền của ông Trần Ngọc Chinh, cho biết thân chủ ông không đồng tình với phán quyết của TAND tỉnh Vĩnh Phúc và đang thực hiện các thủ tục để kháng cáo lên TAND cấp cao tại Hà Nội.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng, việc TAND Vĩnh Phúc chỉ chấp nhận buộc Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường cho ông Trần Ngọc Chinh số tiền hơn 1 tỉ đồng, được tính vào các khoản thiệt hại thực tế trong khi bị giam giữ, tiền in ấn tài liệu, đi lại gửi đơn và một phần tổn thất về tinh thần, là quá thấp “vừa không hợp pháp, hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người bị oan sai”. Trong khi đó, nhiều nội dung đòi bồi thường khác của ông Chinh không được toà chấp nhận bởi lý do “không có cơ sở”:

“Ông Chinh được các cơ quan tố tụng ở Vĩnh Phúc thả ra từ năm 1982, cả quá trình đó ông đã làm đơn khiếu nại kiến nghị khắp nơi nhưng không ai trả lời, không ai giải quyết, nhưng bây giờ cơ quan tố tụng lại yêu cầu ông phải có giấy tờ chứng minh cho những việc đó. Đồng thời, yêu cầu chứng minh sự suy giảm sức khoẻ, bệnh tật của ông ấy khi mà thời điểm đó, luật Khám chữa bệnh còn chưa có, hồ sơ bệnh án chưa được lưu giữ thì làm sao có được để mà chứng minh”, luật sư Hưng nói.

Cũng theo luật sư Hưng, tổn thất về danh dự, tinh thần của ông Trần Ngọc Chinh và gia đình còn thể hiện sau khi bị bắt và mang tiếng giết người bị cả cộng đồng kỳ thị xa lánh, cả 5 người con của ông Chinh đều thất học, người học nhiều nhất chỉ lớp 7 nhưng cũng không được toà chấp nhận.

“Điều tôi thấy bất cập nhất và đã chia sẻ trước toà, là ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị oan sai 10 năm được đền bù 9,8 tỉ đồng, ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh 4 năm thì được bồi thường 6,7 tỉ. Còn ông Trần Văn Đệ, cũng là người bị oan trong vụ án này bị bắt sau ông Chinh 1 tháng, được thả về trước, lúc bị bắt ông Đệ có con cái đã trưởng thành. Ông Đệ thương lượng thì được bồi thường hơn 1,1 tỉ đồng. Ông Chinh có nhiều con hơn, bị giam lâu hơn nhưng vì khởi kiện thì được bồi thường có hơn 1 tỉ đồng. Đó là điều mà các cấp toà sẽ phải tiếp tục xem xét”, luật sư Hưng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.