Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện dự án đang thi công xây dựng, chưa được phép tích nước vận hành. Thế nhưng, “ông thủy điện” vẫn tích nước bán điện theo kiểu “bán lúa non”. Cái sai không chỉ không chấp hành quy định mà còn ở chỗ lớn hơn, coi thường cuộc sống và tính mạng người dân.
Liên tục những ngày qua, hệ thống chính quyền từ xã đến tỉnh, Sở TN-MT vào cuộc, huy động cả công an giám sát... nhưng “ông thủy điện Thượng Nhật” vẫn phớt lờ. Có giám sát thì chấp hành, giám sát đi thì tích nước.
Thậm chí trong 2 ngày 14 và 15.11, tại khu vực thủy điện Thượng Nhật có mưa rất to, dễ xảy ra nguy cơ sạt lở núi; để đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng, UBND H.Nam Đông đã rút các cán bộ giám sát về. Lợi dụng lúc đoàn giám sát rút đi, nhà máy thủy điện đã đóng van và tích nước trở lại.
Những người vận hành thủy điện này có lẽ đang ở trên... cung trăng, ngoài vòng pháp luật mới có thể tự tung tự tác như thế.
Chỉ là câu chuyện của một thủy điện nhỏ, nhưng nó làm kinh động, đến mức Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phải ký quyết định thành lập đoàn công tác của bộ này để kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình trên.
Một lực lượng được huy động, bao gồm đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và đại diện Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên-Huế... Ấy là chưa kể, một lực lượng khác phải phối hợp với đoàn. Thật là mất công tốn của.
Câu hỏi đặt ra là, đơn vị đầu tư và vận hành dựa vào đâu để làm những điều bất chấp kỷ cương, pháp luật, phi luân thường đạo lý đó? Bởi tích nước là tích tiền.
Trước hết phải nhắc lại câu chuyện “bán lúa non” mà Thanh Niên đã đề cập.
Có người mua mới bán. Vậy ai mua?
Nếu ngay từ đầu, Tập đoàn điện lực miền Trung (EVNCPC) không mua (vì nhà máy chưa được phép vận hành) thì nhà máy tích nước làm gì? Giờ thì ngưng mua, nhưng liệu có ngưng đến khi được cấp phép, hay sẽ viện vô số lý do để tiếp tục mua điện, thì họ vẫn “ăn quen bén mùi” bất chấp kiểm tra, tiếp tục tích nước. Nhưng căn nguyên là, những cơ quan, đơn vị, chính quyền của địa phương có biện pháp nhưng thiếu quyết liệt. Để cho một đơn vị, vì lợi ích cục bộ mà tự tung tự tác, gần như là thách thức cả hệ thống chính quyền, quản lý và pháp luật.
Để nước chảy sang sân hàng xóm còn phải ra tòa, vậy sao thủy điện tác oai tác quái thì không? Phải chăng thủy điện Thượng Nhật đang sử dụng chiêu bài “cố đấm ăn xôi” hay chịu phạt… ăn tiền?
Bình luận (0)