Đó là câu hỏi mà không ít người băn khoăn ở thời điểm chuẩn bị kết thúc năm tài chính 2020 khi lãi suất tiết kiệm đã xuống mức rất thấp. Với nhiều kì gởi dưới 6 tháng, lãi suất thậm chí đã không còn thực dương.
Tiết kiệm là kênh an toàn nhất nhưng từ nhiều tháng nay, lãi suất ngày càng giảm. Xu hướng giảm được dự báo sẽ còn tiếp tục trong những tháng cuối cùng của năm. Tương tự, sự ổn định của thị trường ngoại hối khiến cho tỉ giá không được lựa chọn.
Thế nên, chỉ còn 3 kênh đầu tư được quan tâm nhiều nhất là chứng khoán, bất động sản và vàng. Năm nay, vàng có nhiều đợt tăng giá cực mạnh, không ít nhà đầu tư thắng lớn. Ngược lại, vàng cũng khiến nhiều người chôn vốn, lỗ nặng bởi đu đỉnh, bán đáy do vào sau, khi giá đã tăng quá cao. Thanh khoản là điểm mạnh của 2 kênh đầu tư này nhưng mức độ rủi ro cũng tỉ lệ thuận. Đặc biệt, vàng và chứng khoán phụ thuộc lớn vào kinh tế - chính trị và covid- 19, những yếu tố không chỉ biến động mạnh mà còn luôn bất ngờ khiến cho mọi dự báo, phân tích kĩ thuật... ở rất nhiều thời điểm trở nên lố bịch.
Cũng bị tác động mạnh bởi đại dịch, nhưng bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều người. Gắn liền với sự phát triển, tăng trưởng của kinh tế nên kinh tế hồi phục, giá bất động sản gần như chắc chắn sẽ tăng. Đó là lý do nhiều người bỏ vốn vào kênh này để đón đầu sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ở thời điểm hiện tại, bất động sản còn có thêm nhiều lợi thế như lãi vay hấp dẫn; các chủ đầu tư xây dựng chế độ thanh toán rất đa dạng và linh hoạt; thời hạn vay dài, có dự án lên tới trên 30 năm, hạ tầng trên cả nước vẫn đang đầu tư mạnh tạo thêm giá trị gia tăng cho kênh đầu tư này. Tuy nhiên, bất động sản đòi hỏi vốn lớn nên kén nhà đầu tư. Những giá trị gia tăng như hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở, vị trí, tiện ích nội khu... hầu hết đã được tính vào giá thành nên khó kỳ vọng mức sinh lời cao như trước đây. Mấy năm nay, rộ đầu tư đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm thậm chí là đất nuôi trồng thủy sản... với kỳ vọng lợi khủng, nhưng rủi ro pháp lý và chôn vốn dài hạn là rất lớn. Thỉnh thoảng, thị trường rộ lên những “cơn sốt lạ” chỗ này chỗ kia, hoang báo mới đặt cọc đã lời, đa số là do các đầu nậu, cò đất tìm kế thoát thân.
Tất nhiên, đầu tư vào kênh nào còn tùy vào mục tiêu, khả năng tài chính của mỗi người. Nguyên lý của đầu tư là lợi nhuận cao thì rủi ro lớn và ngược lại. Muốn an toàn có thể gửi tiết kiệm, thích lướt sóng thì “canh” vàng và chứng khoán, còn vốn lớn thì bất động sản vẫn là lựa chọn được nhiều người gửi gắm tiền nhàn rỗi đón đầu sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch.
Điều cần lưu ý là hiện nay có rất nhiều mời gọi đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, vàng tài khoản... với mức sinh lời được quảng bá rất khủng, hoa hồng cao nếu giới thiệu thêm người tham gia. Những loại hình này đều không được công nhận ở Việt Nam và đa cấp tài chính cũng đã đổ vỡ rất nhiều trên thị trường. Thế nên, đừng vì sốt ruột mà bỏ tiền vào các kênh này là cầm chắc thiệt hại cũng như các hệ lụy không thể đo đếm cho cả gia đình và xã hội.
Bình luận (0)