Chớ dại tự chữa Covid-19 theo mạng!

18/03/2022 05:46 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng nếu có mắc Covid-19 thì nên khai báo y tế và theo hướng dẫn của bác sĩ mà chữa trị, chớ liều mạng tự uống thuốc theo đơn thuốc truyền miệng hoặc theo toa thuốc trên mạng mà coi chừng… thiệt mạng.

Như Thanh Niên đã đưa tin, thông tin từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết vừa qua nơi này tiếp nhận, điều trị một số bệnh nhi bị biến chứng thủng dạ dày nghi do tự dùng thuốc điều trị Covid-19 sai cách. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hải, Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, gia đình 2 bệnh nhi trên cho biết khi phát hiện bé bị sổ mũi, ho và test nhanh dương tính Covid-19, gia đình tự ra hiệu thuốc mua thuốc cho con uống. Bác sĩ Hải cho rằng việc 2 bệnh nhi bị biến chứng nói trên rất có thể là do dùng thuốc không đúng cách khi điều trị Covid-19 tại nhà.

Ngành y tế khuyến cáo người dân khi mắc Covid-19 thì khai báo y tế để được theo dõi và chỉ định dùng thuốc đúng, không uống theo toa thuốc trên mạng

KHÁNH TRẦN

Trường hợp khác là người lớn ở Hải Phòng cũng tự ý dùng thuốc chữa Covid-19 rồi bị biến chứng. Anh N.T (ở Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) cho hay: “Vợ tôi bị Covid-19 nhẹ, không có triệu chứng nhưng sau khi tự mua một loại thuốc của Trung Quốc về uống đã phải nhập viện cấp cứu vì gặp phải vấn đề về gan do dùng thuốc quá liều”.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có tình trạng bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị Covid-19 và truyền nhau “toa thuốc hay lắm”. Đa số các toa thuốc này đều liên quan đến nhóm thuốc kháng viêm (corticoid) và thuốc kháng đông, thuốc kháng sinh, kháng vi rút… Rất nhiều người khi chưa có kết quả xét nghiệm dương tính đã lập tức mang toa thuốc ra nhà thuốc mua các thuốc này uống, rất nguy hiểm!

Nghiên cứu chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B

Đừng tự biến mình thành “chuột bạch”

“Ai cũng biết uống thuốc phải theo toa bác sĩ. Vậy mà có không ít người bệnh, lại là Covid-19, đi tin theo mạng xã hội mà mua thuốc trôi nổi rồi lấy “thân mình” hoặc “gia đình” ra làm “chuột bạch”. Đúng là quá liều mạng! Lại có người từng là F0, chẳng có chút chuyên môn ngành y nào, mà cứ bảo phải “uống thế này, xông thế nọ”, mạnh miệng còn hơn cả bác sĩ. Nguy hiểm vô cùng!”, bạn đọc (BĐ) Hùng Tuấn bức xúc. Cùng ý kiến, BĐ Yen Hai viết: “Cứ lên mạng là thấy đủ thứ quảng cáo chữa Covid-19. Nhiều người không rõ có chuyên môn gì mà “phán như thánh”. Mạng người đấy mấy ông mấy bà ơi! Đừng “nổ cho cố” mà ân hận”.

“Các cụ bảo có bệnh thì vái tứ phương. Tâm lý người bệnh thường lo lắng, tìm cách chữa trị. Ở đây, có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Ngành y tế cần công khai những địa chỉ, số điện thoại tư vấn chính thức, uy tín và cắt cử lực lượng y, bác sĩ túc trực đầy đủ để người dân tham vấn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý mạng rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp tư vấn sai, không đúng chuyên môn… Còn cứ để tràn lan như hiện nay, hậu quả rất khó lường”, BĐ Hoàng Hương ý kiến.

Cần đầu tư nhiều hơn cho y tế phường, xã

Theo một số BĐ, thực trạng nêu trên có nguyên nhân từ việc F0 khó gọi cho y tế phường, có gọi được thì cũng chẳng có thuốc đặc trị, nên một số người phải tự chữa cho mình. BĐ Bao water cho biết: “Cũng do có người chẳng biết gọi ai, nên phải tự tìm cách giải quyết thôi. Ngay nhà tôi ở TP.HCM, hỏi y tế thì nói cứ về đi là xong. Nên về tìm cách vượt qua thôi, lên hỏi nữa thêm bực mình”.

BĐ Hiền Phạm Đức cũng phản ảnh “gọi cho y tế thì không ai tiếp nhận”. Còn BĐ vohaixxxxx@yahoo.com nêu: “Gọi điện báo thì không được, phải đích thân lên phường, khu phố, rồi ghi giấy... Sau đó về nhà tự lo. Người nhà tôi bị gần hết chục người, xung quanh xóm tôi bị nhiều người, mà có ai được viên thuốc hay hướng dẫn gì đâu”.

BĐ Kiệt viết: “Hôm qua (17.3) tôi ra y tế phường lấy giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà cho gia đình. Nhìn cái tờ danh sách hoàn thành cách ly viết tay gần hết trang giấy, tự nhiên thấy… buồn buồn. Lẽ ra phải là tờ danh sách chữ in vi tính chứ? Tôi không trách, mà chỉ mong y tế phường có thêm cái máy tính, có thêm vài người nữa để làm tốt hơn”.

Tương tự, BĐ Khang Bình chia sẻ: “Tôi cũng từng là F0 và đã khỏi bệnh, từng được hướng dẫn, từng ra trạm y tế lấy giấy, thấy các anh chị y tế thực sự quá tải. Nhiều người kêu ca “khó gọi” cũng đúng, vì quá nhiều người gọi cùng lúc. Nhiều người kêu “toàn là vitamin C” cũng đúng, vì không phải ai cũng cần phải dùng đến thuốc đặc trị… Nếu mọi người hiểu hơn một chút về công việc của họ, thì sẽ dễ thông cảm. Tôi mong các trạm y tế được đầu tư hơn nữa, nhất là con người… Ai từng là F0 mới biết F0 cần được hướng dẫn, động viên như thế nào…”.

Covid-19 sáng 18.3: Cả nước 7.174.423 ca nhiễm | Covid-19 có thể thành dịch bệnh nhóm B

* Đùng một cái nhà tôi 5 người đều bị F0, tôi gọi cho y tế phường. Anh trực nghe máy, sau đó nói tôi gửi hết thông tin những người trong nhà qua Zalo. Đang lo lắng thì anh gọi lại, sau đó các anh đến nhà test hết mọi người trong nhà, và cho ông cụ (chưa chích vắc xin) thuốc Molnupiravir để uống, những người còn lại đã chích đầy đủ thì cho thuốc hạ sốt và vitamin C. Mỗi khi trong nhà có diễn biến gì mới, tôi gọi các anh, các anh đều trả lời cặn kẽ.

Hoàng

* Tôi thật may mắn có một bác sĩ quen từng làm ở bệnh viện dã chiến trong đợt cao điểm dịch Covid-19. Khi trong nhà có người F0, bác sĩ hướng dẫn tận tình. Nếu không có bác sĩ này, chắc có lúc tôi đã nghe theo “mạng” rồi, mà hậu quả khó mà lường được…

Hưởng Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.