Nhà làm phim vượt khó
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng ban tổ chức Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 22, cho biết số lượng phim gửi tới tham dự LHP lần này (141 phim gồm phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình) còn nhiều hơn số lượng phim gửi tới LHP lần trước (năm 2019). “Chúng tôi thấy cảm động với tinh thần vượt khó của các nhà làm phim trong cả nước”, ông Thành nói.
Dễ thấy, những bộ phim trong LHP năm nay được sản xuất trong khoảng thời gian từ 11.9.2019 - 15.8.2021, tức là nằm trong khoảng lớn thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, cũng là giai đoạn ngành điện ảnh, nhất là thị trường phim chiếu rạp lao đao; nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất và phát hành đã phải “cầu cứu” Thủ tướng vì sợ phá sản. Dù vậy, vẫn có những khoảng thời gian thị trường rạp chiếu thắng lớn, mà trong đó có công không nhỏ của phim Việt.
Một trong những minh chứng là bộ phim Bố già do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn, theo thông tin từ nhà phát hành, đã cán mốc doanh thu 400 tỉ đồng (tính đến chiều 5.4.2021, tức sau 1 tháng công chiếu), xác lập kỷ lục mới cho thị trường điện ảnh Việt. Cùng với thị trường trong nước, phim còn được phát hành tại nước ngoài như Malaysia, Singapore, Mỹ… Bố già sẽ tham dự LHP lần này cùng với một số phim lập kỷ lục phòng vé khác như Mắt biếc của Victor Vũ với doanh thu 172 tỉ đồng (sau hơn 1 tháng công chiếu), hay Tiệc trăng máu của Nguyễn Quang Dũng với doanh thu 177 tỉ đồng (ở tuần thứ 5 công chiếu).
Phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy tham dự LHP VN lần thứ 22 |
Tư liệu |
Tuy nhiên, trong danh sách 26 phim truyện này cũng có thể điểm ra không ít những phim thất thu. Theo Box Office Việt Nam, Kiều - phim truyện điện ảnh đầu tay của Mai Thu Huyền ở vai trò đạo diễn, chỉ thu được gần 2,7 tỉ đồng (trong khi kinh phí sản xuất là 30 tỉ đồng), sau khoảng 12 ngày công chiếu chính thức. Phim Cậu Vàng của đạo diễn Vũ Thủy đã phải rời phòng vé sau 2 tuần công chiếu và chỉ thu về 3,5 tỉ đồng, lỗ nặng so với kinh phí sản xuất 25 tỉ đồng.
Sau một khoảng thời gian vắng bóng, phim được nhà nước đặt hàng đã trở lại từ LHP lần trước. Tại LHP lần này, nhiều bộ phim do nhà nước đặt hàng hoặc phim do hãng phim “nhà nước” sản xuất sẽ góp mặt, có thể kể đến Lính chiến (Công ty CP Phim truyện 1), Cơn giông (Công ty CP phim Giải Phóng), Con đường có mặt trời, Khúc mưa (Điện ảnh Quân đội nhân dân), Bình minh đỏ (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam)... Trong đó, 2 bộ phim “mới tinh” do nhà nước đặt hàng là Cơn giông - đạo diễn Trần Ngọc Phong, và Bình minh đỏ - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, đều vừa hoàn thành sản xuất trong năm nay.
Sự xuất hiện của phim độc lập
Bị phạt vì đi dự LHP quốc tế Busan khi chưa có giấy phép phổ biến, chờ đợi để qua “cửa” kiểm duyệt, đến với khán giả trong nước qua việc phát hành ngoài rạp chiếu và bất ngờ trở thành phim có doanh thu mở màn cao nhất phòng vé Việt Nam năm 2020 (với 60 tỉ đồng), phim Ròm gây chú ý khi góp mặt tại LHP Việt Nam còn bởi là tác phẩm của nhà làm phim độc lập. Lâu nay, trong nhiều kỳ LHP Việt Nam, hiếm khi có sự xuất hiện các tác phẩm của nhà làm phim độc lập. Năm nay cùng với Ròm, bộ phim Miền ký ức của nhà làm phim độc lập
Bùi Kim Quy sẽ góp mặt. Trước đó, phim đã được tuyển chọn tham dự tranh giải tại hạng mục New Currents của LHP Busan 2021.
“Bên cạnh những hãng phim, nhiều nhà làm phim độc lập cũng có nhiều cố gắng. Đây cũng là kênh cần khích lệ động viên. Một trong những nền tảng để phát triển ngành điện ảnh cũng là những nhà làm phim độc lập”, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, nói.
Một trong 2 giải thưởng mới đưa vào của LHP Việt Nam năm nay là giải Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc. Theo chia sẻ của ông Vi Kiến Thành, giải thưởng này là để khuyến khích những nhà làm phim trẻ tiềm năng, trong đó có nhà làm phim độc lập. Trong số 26 phim truyện tham dự, có thể kể tới một số phim đầu tay như Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy, bộ phim Việt Nam đầu tiên chiến thắng giải thưởng New Currents tại LHP Busan 2019; hay phim Người lắng nghe: Lời thì thầm của Khoa Nguyễn…
26 phim truyện tham dự LHP VN lần thứ 22, trong đó 17 phim sẽ được chọn tranh giải, 9 phim được trình chiếu trong chương trình toàn cảnh: Bố già, Gái già lắm chiêu 5, Kiều, Mắt biếc, Miền ký ức, Ròm, Tiệc trăng máu, Bình minh đỏ, Song song, Kiều @, Người lắng nghe: Lời thì thầm, Sám hối, Bằng chứng vô hình, Cậu vàng, Chị Mười Ba 2 - 3 ngày sinh tử, Con đường có mặt trời, Cơn giông, Khúc mưa, Lính chiến, Nắng 3 - lời hứa của cha, Ngốc ơi tuổi 17, Võ sinh đại chiến, "Em" là của em, Điên tối, Đôi mắt âm dương, Vào đời.
Khác với nhiều kỳ LHP Việt Nam trước, những bộ phim được gửi đến sẽ được tuyển chọn vào vòng tham dự, sau đó sẽ lại tiếp tục được chọn để tham gia tranh giải. Mặc dù đến giờ, 17 phim truyện tranh Bông sen vàng vẫn chưa được công bố, nhưng dù sao việc chọn lọc thay cho việc “có gì thi nấy” hy vọng có thể giúp tránh được tình trạng những phim kém chất lượng, phim “thảm họa” vẫn tham gia dự thi. Ngoài ra, 9 thành viên ban giám khảo hạng mục Phim truyện của LHP Việt Nam lần thứ 22 cũng chưa được tiết lộ. Ông Vi Kiến Thành cho hay, điều này để “tránh việc nhà làm phim gặp gỡ trước với ban giám khảo, đảm bảo tính khách quan của giải thưởng”.
Chưa thể biết “gu” của ban giám khảo năm nay như thế nào: phim có đề tài “khó nhằn” như lịch sử, chiến tranh; phim thuộc dòng giải trí, ăn khách, có doanh thu “bom tấn”; hay phim mang nhiều sáng tạo, thể nghiệm, ngôn ngữ điện ảnh cá nhân… sẽ được lựa chọn trao giải cao nhất. Dù vậy, LHP Việt Nam không chỉ là dịp tôn vinh tác phẩm - tác giả xuất sắc mà quan trọng hơn là để một lần nữa được nhìn nhận, đánh giá bức tranh điện ảnh Việt trong 2 năm qua, những điều điện ảnh Việt còn thiếu và cần phải thay đổi.
Bình luận (0)