Vì sao điện ảnh Việt vẫn thất thế trên sân nhà?

Thu Thủy
Thu Thủy
31/10/2021 07:00 GMT+7

Tại cuộc thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật Điện ảnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu ý kiến: ' Tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim nước ngoài? '. Đây là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận...

Việt Nam vẫn có những bộ phim tạo nên bản sắc riêng, thu hút khán giả trong nước lẫn quốc tế

tư liệu

Những 'nút thắt' chưa thể mở

Nếu so sánh chất lượng phim Việt với các nền điện ảnh phát triển vượt bậc khác trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc thì khá khập khiễng. Tuy nhiên, nếu có thêm những bộ phim chất lượng cả về nội dung lẫn giá trị nghệ thuật thì phim Việt vẫn có thể tạo nên bản sắc riêng dù số lượng phát hành không nhiều.

Theo đạo diễn Lưu Huỳnh, phim Việt đang gặp vấn đề về kiểm duyệt. “Vấn đề chính ở đây là sự kiểm duyệt. Nếu thoáng hơn thì đạo diễn Việt Nam sẽ có nhiều tác phẩm hay”, đạo diễn Lưu Huỳnh nói.

Bố già là một trong số phim Việt ăn khách thời gian gần đây

Tư liệu

Đạo diễn Áo lụa Hà Đông còn chia sẻ thêm rằng những bộ phim của anh như Người tình phải mất 5 năm mới được duyệt và cũng phải cắt đi một số tình tiết mới qua được ải. Còn phim Tim hằn vết sẹo phải mất hơn 3 năm mới được duyệt và cũng phải cắt vô lý… “Tôi đang trong giai đoạn hậu kỳ phim Mẹ ơi, bướm đây. Không biết rồi sẽ ra sao. Đây là những phim thuộc thể loại chính kịch. Phim về thân phận con người không được may mắn trong thế giới này. Kiểm duyệt đã giết chết sự sáng tạo của người làm phim”, đạo diễn Lưu Huỳnh bức xúc.

Đồng tình với quan điểm trên, một độc giả cho rằng vấn đề kiểm duyệt đã tạo ra những rào cản không nhỏ cho phim Việt: “Cái gì cũng có quy luật cả. Một bên thì đi trước cả trăm năm, một bên thì tụt hậu mà lại nhiều sự cấm cản, quan liêu. Phim truyền hình thì quá nhiều phim mì ăn liền, phim 3 đồng 3 xu. Phim điện ảnh cái nào cấm thì cái đó có giải, bị kiểm duyệt tới thảm thương...”.

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Nhân vật cung cấp

Nhìn lại thị trường phim ảnh trong nước những năm gần đây, số lượng phim nước ngoài được chiếu ở rạp cao gấp 5 lần phim Việt. Theo chia sẻ của đạo diễn Lương Đình Dũng, đây là điều hiển nhiên bởi trên thực tế nền điện ảnh nước ngoài đã phát triển vượt bậc với rất nhiều "tác phẩm thế kỷ" khiến cho khán giả trong nước lẫn quốc tế đều yêu thích và quan tâm. Cũng theo đạo diễn này, trong hai năm trở lại đây, có rất nhiều bộ phim Việt Nam liên tiếp phá vỡ kỷ lục phòng vé. Đây là dấu hiệu vô cùng tích cực cho thấy sự quan tâm và sẵn sàng ủng hộ phim trong nước của khán giả. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bộ phim cần có một chất lượng tốt, là một sản phẩm hoàn chỉnh vì khán giả là những người xem khắt khe và có chọn lọc.

“Phim nước ngoài, điều đầu tiên là họ thuần thục sử dụng ngôn ngữ điện ảnh và các thủ pháp của điện ảnh từ kịch bản, diễn xuất đến ánh sáng... Cái mà không phải ai cũng nhìn thấy nhưng nó lại là cái gốc rễ, cái tinh tế để khán giả trên toàn thế giới xem phim của họ một cách thuyết phục. Hiện tại không ít phim Việt hay bởi vì được truyền thông quảng bá chứ không đúng hoàn toàn về chất lượng thực sự của nó”, đạo diễn Cha cõng con nói thêm.

Nói về chất lượng phim Việt, một độc giả bày tỏ: “Tôi hầu như không xem phim Việt Nam bởi lẽ nội dung ít hấp dẫn, nghèo nàn, quá dễ hiểu. Hội thoại thì không giống thực tế. Sự liên kết các nhân vật gắn với câu chuyện định dựng lên đôi khi rời rạc, đứt quãng, hụt hơi. Nhiều đoạn phim khó hiểu, thuyết minh quá kỹ, quá chi tiết... Tóm lại, phim Việt Nam chưa hấp dẫn, chưa hay”.

Cần có chiến lược quốc gia cho điện ảnh

Ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, điện ảnh nội địa không những được hỗ trợ về mặt tinh thần mà còn thể hiện rõ qua các chính sách như: hạn chế tỷ lệ phim ngoại nhập, có riêng khoản ngân sách đầu tư cho các nhà làm phim nội địa, mở rộng số lượng rạp chiếu do các đơn vị trong nước làm chủ…

Nữ đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh

Nhân vật cung cấp

Để giải bài toán này thì nói như nữ đạo diễn trẻ từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế Dương Diệu Linh: “Có một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự thất thế của phim Việt so với phim nước ngoài, đó là Việt Nam mình chưa có chế tài, hay luật gì để hạn chế tỷ lệ phim nước ngoài so với phim nội địa. Điều này thì Anh đã làm từ năm 1927, tiếp đó là Pháp và Hàn Quốc. Ngay cả nước bạn Thái Lan cũng có giai đoạn vài năm đánh thuế cao với phim nhập từ nước ngoài, dẫn đến việc các studio Hollywood tẩy chay Thái Lan giai đoạn 1977-1981, nhưng bù lại chỉ trong năm 1978 có tới 150 phim nội địa Thái được sản xuất".

Dương Diệu Linh phân tích thêm, gần đây dịch Covid khiến nhiều phim nước ngoài hoãn chiếu và khi phim Bố già hay Tiệc trăng máu ra rạp đã ngay lập tức phá đảo các kỷ lục phòng vé. Như vậy đủ để thấy khán giả Việt Nam không quay lưng với phim Việt. "Và nếu chúng ta tạo điều kiện để bảo vệ phim nội địa ngay trên sân nhà thì có lẽ các nhà làm phim nội địa sẽ có cơ hội khởi sắc. Doanh thu cao đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều đầu tư cho các dự án mới, những thử nghiệm mới về nội dung cũng như ngôn ngữ điện ảnh. Và từ đó khán giả cũng sẽ được xem nhiều thể loại phim mới mẻ hơn với chất lượng và quy mô sản xuất lớn hơn. Đây là mối liên hệ qua lại cực kỳ quan trọng, quyết định sự phát triển của cả một nền công nghiệp điện ảnh”, nữ đạo diễn quả quyết.

Hai Phượng là bộ phim Việt Nam đoạt doanh thu kỷ lục

Tư liệu

“Hi vọng luật Điện ảnh sẽ có một hệ thống phân loại phim rõ ràng, minh bạch và chính xác, để những người sáng tạo có thể biết mình được phép “tung hoành” trong những giới hạn nào cũng như mở thêm “luồng xanh” cho các phim điện ảnh đi liên hoan phim quốc tế. Tôi thấy bên Trung Quốc họ cũng có những điều khoản kiểm duyệt rất gay gắt, nhưng đối với những phim đi dự liên hoan phim quốc tế gần đây thì họ lại có đặc cách và tạo điều kiện để thế giới có thể tiếp cận với những sản phẩm văn hóa đến từ nước họ”, Dương Diệu Linh chia sẻ thêm.

“Ở nhiều nước, điện ảnh được coi là ngành quan trọng, có nguồn ngân sách quốc gia đầu tư thực sự mạnh mẽ cho điện ảnh. Tôi nghĩ chính phủ đã quan tâm đến điện ảnh là một tín hiệu vui cho những nhà làm phim và chúng tôi hi vọng sẽ được nhà nước tạo điều kiện phát triển. Thời đại hiện nay, điện ảnh là một vũ khí sắc bén, là ngôn ngữ không biên giới, nên Việt Nam cũng cần phải có chiến lược quốc gia cho điện ảnh vì chỉ có nhà nước hỗ trợ song song thì điện ảnh mới thực sự phát triển được”, đạo diễn Lương Đình Dũng tâm tư về những “nút mở” sắp tới cho điện ảnh Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.