Vươn lên từ nghịch cảnh
Sinh năm 1985 trong một gia đình khó khăn ở miền hạ Long An, năm lên 3 tuổi, cơn sốt quái ác đã quật ngã Nguyễn Thị Sari, khiến đứa trẻ khỏe mạnh trở thành khuyết nhược.
Vì thương con, cha mẹ chị đã tìm đủ mọi cách, kể cả cầm cố tài sản, chữa trị khắp nơi nhưng kết quả bất thành, hai chân chị vẫn teo tóp, co quắp.
Đôi chân ngừng bước buộc đứa trẻ ngày ấy phải dùng tay để vùng vẫy, thích nghi với thực tại. Có lẽ chính hoàn cảnh khắc nghiệt đã tôi luyện nên một Sari đầy ngoan cường. Sau chuỗi ngày tự thân vận động, chị thạo di chuyển bằng tay xung quanh nhà, từ nơi này sang góc khác.
Thuở nhỏ, mỗi khi nhìn bạn bè trong xóm được đến trường, Sari ngồi trông theo với lòng đầy ao ước. Chỉ vì khuyết tật chân mà con đường đến trường của chị trở nên xa vời. Dường như việc được đi học rất đỗi bình thường với chúng ta nhưng đối với cô gái ấy là cả một giấc mơ. Mỗi lần chị gái học bài, Sari thường lết lại gần và bày tỏ niềm ham học. Nhờ trí sáng thiên bẩm, cô bé nhanh chóng học được những con số, nét chữ cơ bản từ chị mình.
Hiểu được khát khao cháy bỏng của Sari, chị hai đã nài nỉ cha mẹ cho cõng em đến trường. Khoảnh khắc đó như một tia sáng thắp lên trong Sari những điều lấp lánh. Từ dạo đó, cô bé chính thức đến trường trên đôi vai của chị. Đôi vai gầy chẳng những cõng Sari suốt 3 năm học đầu đời, mà còn cõng cả ước mơ chữ nghĩa của Sari về tận sau này.
Đến lớp 4, Sari học tại cơ sở khác xa hơn và ngược hướng nên chị gái đưa đón bằng chiếc xe đạp cũ được cho. Vào những ngày mưa, quãng đường đến trường của hai chị em càng thêm khó nhọc.
Hình ảnh người chị khoác áo mưa, chân đất đẩy xe đưa đứa em khuyết tật qua những đoạn đường trơn và cõng vào lớp đã chạm đến trái tim của nhiều thầy cô. Thế là, tập thể Trường tiểu học Phước Đông 1 đã chung tay tặng cho Sari một chiếc xe lăn lắc.
Những ngày sau đó, trên con đường quê sỏi đá luôn có dáng dấp của cô học trò nhỏ gồng mình lắc xe đến trường mỗi ngày, bất kể nắng mưa. Và thế là bức tranh vượt khó đầy sống động được vẽ nên.
Quãng đường đi học lắm vất vả, bù lại cô học trò "đặc biệt" của trường luôn được xướng tên nhận thưởng suốt 12 năm. Sari đã chứng minh cho mọi người thấy bất tiện về đôi chân không thể ngăn cản ý chí trong chị.
Bơi trên sóng đời
"Mắc kẹt" trong cái nghèo nên ước mơ vào đại học khép lại, năm 2006, chị đến Trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM để học vi tính.
Sau đó, chị tìm việc nhưng nơi nào cũng từ chối chỉ vì chị bị khuyết tật. Đau buồn! Tuyệt vọng! Nhưng nghĩ đến câu "giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay", chị tiếp tục kiên nhẫn tìm việc và cuối cùng được một xưởng may ở Tân Bình nhận vào cắt chỉ.
Tại đó, chị gặp những người đồng cảnh và được ông Trần Hoàng Minh (năm nay 81 tuổi) đưa đón mỗi ngày. Ông Minh là chủ nhiệm mái ấm Mùa Xuân - nơi cưu mang những bạn khuyết tật từ tỉnh lẻ đến TP.HCM lập nghiệp. Ông Minh chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với Sari bởi chí ham học và tinh thần không đầu hàng trước nghịch cảnh. Khi Sari về mái ấm, tôi rất hoan nghênh và động viên rằng: cơ sở mình còn nghèo nên con phải nỗ lực nhiều hơn".
Về mái ấm, chị được ông tạo điều kiện tiếp cận môn bơi lội. Nhớ lại ngày đầu học bơi, chị uống nước vô số kể do đôi chân bất động khiến người lật ngửa hết lần này đến lần khác. Sau 3 ngày bì bõm đến mỏi nhừ tay, chị cũng đứng nước được. Đến ngày thứ sáu, chị bơi được 50 m khiến mọi người kinh ngạc. Thấy chị có khả năng tiềm ẩn, ông Minh khích lệ: "Thành hay bại trên đường đua này là ở nơi con. Bác tin Sari sẽ làm nên chuyện".
Câu nói đó đã khơi nên chí nguyện, giúp chị vững tin hơn vào con đường phía trước. Cứ thế, chị năng làm bạn với nước và khổ luyện mỗi ngày để đôi tay thêm chắc khỏe.
Sau 3 tháng dày công bằng cả sức lực và quyết tâm, chị được cử đi Huế thi đấu. Thật bất ngờ khi lần đầu "ra trận" chị đoạt ngay 3 huy chương vàng toàn quốc năm 2007. Đây là dấu son ấn tượng, khó phai trong sự nghiệp thể thao của chị. "Mỗi lần vào đường đua, chị lại nhớ đến câu nói của bác Minh nên nhất tâm hướng thẳng về đích, dồn hết nội lực vào đôi tay để lướt sóng. Và chị không tin mình đã bứt phá ngoạn mục đến vậy", chị chia sẻ.
Với thành tích nổi bật đó, chị được chọn tham gia ASEAN Para Games 2007, mang về 2 huy chương bạc quốc tế. Đáng chú ý là chị đã phá 1 kỷ lục châu Á, 2 kỷ lục ASEAN Para Games và vinh dự nhận cúp vận động viên xuất sắc nhất kỳ đại hội ASEAN Para Games 2009.
Những tưởng sẽ mãi mắc kẹt trong nghịch cảnh nhưng chị đã lấy bất lực làm động lực vượt qua sóng đời một cách đáng ngưỡng mộ.
Tỏa sáng giữa đời thường
Sau khi đạt nhiều thành tích cao, chị dành dụm tiền thưởng gửi về phụ gia đình. Bơi lội đã thay đổi cuộc đời chị nhưng giấc mơ đại học chưa bao giờ tắt. Năm 2008, Sari chọn học ngành ngôn ngữ Anh vì tiếng Anh giúp chị giao tiếp thuận lợi hơn khi thi đấu quốc tế. Suốt 4 năm đại học, cô sinh viên khuyết tật vừa tập luyện vừa làm thêm, đầy gian truân nhưng không sờn ý chí.
Ngày tốt nghiệp, duy mình chị xuất hiện trên bục với đôi nạng khiến cả hội trường đứng dậy vỗ tay. Khoảnh khắc ấy khiến chị xúc động rơi nước mắt, những giọt nước mắt vui sướng pha lẫn tự hào.
Năm 2014, chị có con và quyết định về lại quê nhà vì ở TP.HCM quá chật vật. Hai năm sau, chị bắt đầu dạy tiếng Anh cho con và cháu trong nhà. Hàng xóm biết chị dạy được tiếng Anh nên gửi con em đến học.
Hữu xạ tự nhiên hương, lớp học từ 5, 7 học sinh tăng lên có lúc gần 20 em. Chị quyết định mở lớp học 0 đồng nhằm đáp đền ân huệ của quê hương và tiếp nối hành trình như chị hai, bác Minh từng san sẻ yêu thương với chị. Học sinh của lớp chủ yếu là con của những cô chú bán rau, bán vé số, mua ve chai trong xóm. Ngoài dạy tiếng Anh, chị còn dạy toán, tiếng Việt cho các bé tiểu học không phân biệt giàu, nghèo.
Từ lớp học không bàn ghế, được phụ huynh chung sức góp thêm chiếc bảng, cái bàn. Thế là, đều đặn gần 8 năm qua, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và thứ hai hằng tuần từ 17 giờ 45 - 19 giờ 30, lớp học 0 đồng của chị lại sáng đèn.
Tính đến nay, chị đã dạy cho hơn 100 bạn nhỏ ở địa phương xã Phước Đông, H.Cần Đước, tỉnh Long An. Bé Trương Thế Ngọc bộc bạch: "Con học cô Sari được 5 năm rồi. Cô dạy dễ hiểu. Ngày xưa con rất sợ tiếng Anh nhưng giờ con được 9,75 rồi". "Cô Sari ngoài dạy tiếng Anh cho em còn là gương sáng để chúng em noi theo", em Võ Trần Bảo Ngọc cho biết thêm.
Qua trò chuyện với chị Sari, tôi chợt nghĩ đến hình ảnh chú cá chép kiên cường vượt sóng gió, thác ghềnh tìm đến vũ môn. Cá chép hóa rồng có trong câu chuyện cổ tích còn chị đang viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Chị không chỉ là tay bơi cự phách mà còn tử tế sống, tử tế cho đi để đời thêm xanh.
Bình luận (0)