Khó khăn bất ngờ
Theo báo cáo của BV sản nhi TWG Long An, trong năm 2021 (năm đầu đi vào hoạt động), BV đạt trung bình 4.500 lượt khám/tháng, số giường bệnh nội trú đạt 76%; hơn 5.400 ca sinh, trung bình 429 ca/tháng. BV cũng đã phẫu thuật, điều trị kỹ thuật cao thành công cho hàng trăm trường hợp sản, nhi.
Trong đó, đáng chú ý là phẫu thuật thành công khối u buồng trứng, bảo tồn buồng trứng cho bé gái 4 tuổi; mổ tạo hình lỗ tiểu lệch thấp bẩm sinh cho bé trai 1 tuổi; đỡ sanh thành công cho sản phụ song sinh 1 nhau hiếm gặp; thực hiện thành công ca mổ lấy thai chưa đủ tháng, cùng lúc phẫu thuật u xơ tử cung nằm vị trí mặt trước đoạn eo có kích thước lớn; chữa trị và chăm sóc thành công cho ca sinh 30 tuần tuổi; chữa trị và chăm sóc thành công ca siêu non tháng, nhẹ cân với 26 tuần tuổi, nặng 800 gram…
Theo ông Lê Cao Minh, Tổng giám đốc BV TWG Long An, đầu năm 2022, tỉnh Long An cho tái lập lại khoa sản nhi trong BVKĐ Long An mà chưa có sự trao đổi, bàn bạc với BV TWG Long An dẫn đến rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị thích ứng từ vấn đề đầu tư đến cơ cấu nguồn lực. Ông Minh cho rằng đó là nguyên nhân chính dẫn đến vỡ quỹ lương và các vấn đề nhân sự sau đó của BV TWG Long An.
Trong lúc BV đang khó khăn và chưa định hình lại được cơ cấu tổ chức, cũng như mô hình BV thì BHXH tỉnh Long An quyết định không ký hợp đồng BHYT nên cuối năm 2023, BV TWG Long An dừng điều trị nội trú tạm thời.
"Phía BHXH Long An yêu cầu chúng tôi phải điều chỉnh quy mô nhỏ lại mới ký hợp đồng, trong khi chúng tôi xin chủ trương điều chỉnh quy mô đầu tư thì chưa có sự chấp thuận của UBND tỉnh Long An. Ngoài ra, việc yêu cầu BV chúng tôi điều chỉnh theo quy mô nhỏ lại cũng là điều khó chấp nhận. Mâu thuẫn này dẫn đến người dân không được hưởng BHYT khi đến đây khám chữa bệnh", ông Minh nói.
Tại cuộc giám sát đầu năm 2024, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Long An, ghi nhận tính đến cuối năm 2023, BV TWG Long An nợ tiền thuê đất gần 60 tỉ đồng, chưa đóng các khoản bảo hiểm và trả lương cho người lao động gần 16 tỉ đồng.
Ông Hải cũng ghi nhận một số đề xuất của lãnh đạo BV nhằm giảm bớt khó khăn như mong muốn được tỉnh Long An cho hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa, huy động vốn (vì khi cho thuê thì Dự án BV Sản Nhi Long An nằm trong danh mục khuyến khích đầu tư xã hội hóa - PV); cho phép nhà đầu tư tự do chuyển nhượng cổ phần sáng lập (vì đã hơn 3 năm hoạt động theo quy định pháp luật nhưng vẫn giữ 51% cổ phần để chi phối)…Tuy nhiên, ông Hải cho rằng các đề xuất này chưa phù hợp với các quy định trong Đề án cho thuê của tỉnh Long An.
Làm sao để BV TWG Long An hoạt động bình thường trở lại?
"Tôi được biết UBND tỉnh Long An cũng đang xin ý kiến các cơ quan T.Ư để tháo gỡ khó khăn cho dự án mà chúng tôi đang thuê. Bởi, ngay cả khó khăn khách quan, bất khả kháng do các năm bị dịch Covid-19 nhưng chúng tôi cũng chưa được cho miễn hoặc giảm tiền thuê hạ tầng nên gánh nặng tài chính là rất lớn", ông Minh chia sẻ.
Theo ông Lê Cao Minh, tuy vẫn đang khó khăn, nhưng tháng 6.2024 vừa qua, BV TWG Long An đã hoạt động bình thường trở lại. Hiện, mỗi ngày có hơn 100 người đến khám, chữa bệnh và số lượng đang tăng lên. HĐQT Tập đoàn Thế giới Kỹ Thuật cũng đã quyết định đầu tư mạnh mẽ vào BVĐK TWG Long An để hoàn thành tốt hơn nữa vai trò BV sản nhi tuyến cuối của tỉnh Long An và sẽ tiếp tục đầu tư điều trị kỹ thuật cao về hiếm muộn, vô sinh, cắt đặt cấy ghép, di truyền - phân tử…Trong thời gian chưa thỏa thuận được với BHXH Long An, BV TWG Long An trợ giá để người bệnh có BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình.
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS-BS Bùi Quốc Thắng, chuyên gia các bệnh về nhi khoa, Phó trưởng Bộ môn Hồi sức Cấp cứu Chống độc (ĐH Y dược TP.HCM), cho biết hiện ông tham gia khám phòng chuyên gia tại BV TWG Long An vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần.
"Ngoài tôi, hiện BV TWG Long An đã quy tụ đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế dày kinh nghiệm, chuyên môn sâu, đam mê và yêu nghề đến từ nhiều BV đầu ngành trong nước. Cùng với sự đầu tư đồng bộ từ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, kết hợp ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị y khoa cập nhật, giá dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cũng đa tầng, phù hợp với nhu cầu người dân… nên với góc độ của một người quê Long An, được đóng góp vào tập thể như vậy, tôi cảm thấy rất tốt", PGS Thắng chia sẻ.
Bên cạnh đó, PGS Bùi Quốc Thắng cho rằng, hiện nay BV TWG Long An cũng cần có một số điều chỉnh trong quản trị BV để gần gũi, phù hợp hơn với suy tư của người bệnh tại địa phương.
Giám đốc Sở Y tế Long An nói gì về Dự án BV Sản Nhi?
Tại thời điểm giải thể 2 khoa sản, nhi trong BVĐK Long An, BS Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An đánh giá rằng 2 khoa này đã tồn tại từ năm 2001 (cùng lúc với BVĐK tỉnh Long An bắt đầu hoạt động). Thời điểm cuối năm 2019, mạng lưới khám chữa bệnh chuyên khoa cho phụ nữ và trẻ em tại Long An chỉ có 2 khoa này. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế chuyên môn, nhân sự…còn thiếu rất nhiều nên chủ yếu dành cho cấp cứu là chính. Do điều kiện khó khăn khách quan, đội ngũ nhân viên y tế còn kiêm nhiệm cả việc phục vụ bệnh nhân là người lớn, nhiều kỹ thuật hiện đại chuyên ngành không có điều kiện để triển khai và áp dụng…
Theo BS Phúc, Dự án BV Sản Nhi Long An ra đời nhằm xây dựng và phát triển BV chuyên khoa hiện đại, có khả năng thực hiện nhiều chuyên môn kỹ thuật cao, ngang tầm với các BV chuyên khoa tại các thành phố lớn trong cả nước. BV Sản Nhi Long An lúc đi vào hoạt động đã theo tiêu chuẩn BV hạng I tại địa phương theo phê duyệt của UBND tỉnh. Giải quyết vấn đề quá tải trong khám chữa bệnh của BVĐK Long An, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu khám chữa bệnh của hơn 378.668 trẻ em dưới 16 tuổi, nhu cầu sinh đẻ của 406.000 phụ nữ từ 16 đến 49 tuổi, điều trị sản phụ khoa cho 723.000 phụ nữ đang sinh sống trên địa bàn Long An.
Vẫn theo BS Phúc, cuối năm 2021, Bộ Y tế thống nhất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An lập lại khoa sản và nhi trong BVĐK tỉnh Long An trên cơ sở sử dụng lại không gian và các trang thiết bị cũ đã có trước đó. Về mặt con người thì chủ yếu tuyển mới. Việc tái lập này nhằm cùng với BV TWG Long An phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Về tương lai của BV TWG Long An, theo BS Phúc, trong giai đoạn hiện nay, trước tiên phải rà soát lại các chính sách cho người bệnh (như giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…), chính sách cho nhân viên và hoạt động điều hành của BV cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
Về các chính sách thuế, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển Long An…cũng đã được UBND tỉnh Long An giao cho các cơ quan chuyên môn xem xét, hỗ trợ. Riêng nhu cầu miễn giảm tiền thuê hạ tầng thì Bộ Tài chính đã trả lời rằng không có cơ sở để xem xét.
BS Huỳnh Minh Phúc cho biết thêm, Dự án BV Sản Nhi Long An đã bị loại bỏ ra khỏi danh mục khuyến khích đầu tư xã hội hóa của tỉnh Long An.
Bình luận (0)