Đọc bài viết Có nên phẫu thuật thẩm mỹ? của Phan Khắc Uyên Linh, trong đó tác giả ủng hộ phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện dung nhan, tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân. Lời khuyên của tôi là không nên phẫu thuật thẩm mỹ.
Người mẫu Katie Price mới đây đã quyết định tháo "chất độn" (trái) để bộ ngực trở lại vẻ tự nhiên vốn có - Ảnh: AFP
|
Xin nhấn mạnh, nếu ngoại hình của bạn không đến mức làm trẻ con khóc thét lên thì đừng can thiệp thẩm mỹ bằng phẫu thuật.
Bầu chọn
Bạn có muốn phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc?
Tôi may mắn được cha mẹ ban cho hình hài khá ưa nhìn nếu không muốn nói là xinh xắn khiến có người từng khen rằng: “Em có gương mặt ưa nhìn… lâu”. Tôi thắc mắc thì chị ấy giải thích: “Là có duyên đó, không đẹp sắc sảo nhưng đã gặp là cứ muốn nhìn”.Bạn có muốn phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc?
Mọi việc cứ bình yên trôi đi cho tới khi tôi có duyên tiếp xúc với lĩnh vực này. Công việc khiến tôi thường xuyên gặp các bác sĩ thẩm mỹ và các viện thẩm mỹ lớn tại Sài Gòn.
Một lần, có bác sĩ bảo: “Gương mặt em thì ổn hết, duy chỉ có cái mũi là anh không ưng lắm, nếu nâng cao tí nữa là hoàn hảo”.
Tôi không dám đồng ý ngay, về nhà cứ phân vân có nên làm không nhỉ, nên không nhỉ…
Một lần khác, tôi lân la hỏi một bác sĩ thẩm mỹ có tiếng trong ngành. Anh ấy chân thành khuyên: “Anh coi em như người nhà nên khẳng định là không làm nhé, mũi thấp nhưng hài hòa gương mặt, không cần can thiệp gì cả. Nếu vì lý do lợi nhuận thì anh đã nói khác”.
Rồi cũng chẳng yên. Cũng nhân công việc, một nữ bác sĩ thỏ thẻ: “Em ạ, gò má em cao, số này lận đận lắm, nâng mũi đi, sóng mũi cao sẽ chắn được cái mệnh của gò má. Đảm bảo hôn nhân hanh thông hẳn. Qua chị chị làm miễn phí cho, chỉ 30 phút là xong ”.
Thế là tôi xiêu lòng, phụ nữ quả rất nhẹ dạ. Không dám qua vị bác sĩ nọ, do ngại phẫu thuật miễn phí, tôi tìm đến một bác sĩ chuyên nâng mũi qua lời giới thiệu của bạn bè.
Cách đây 3 năm, chi phí phẫu thuật đặt sóng mũi nhân tạo là 9 triệu đồng, thời gian chừng hết giờ nghỉ trưa. Tôi không thuộc nhóm da lành nên thật khổ sở trong thời gian hậu phẫu. Cũng là phẫu thuật nâng mũi, bạn tôi chỉ sưng trong một tuần, chừng 6 tháng sau là mũi cân đối. Tôi bị sưng mất một tháng, gương mặt phù đỏ, con tôi đã khóc thét lên không nhận ra mẹ. Tôi phải mang khẩu trang tới một tháng khi đến sở làm. Đến 2 năm sau mũi mới trở nên cân đối.
Mỗi khi thăm khám định kỳ, bác sĩ cho biết các vật liệu nhân tạo khi đưa vào cơ thể như túi ngực hoặc sóng mũi đều phải lấy ra sau 15 – 20 năm tùy cơ địa. Các bạn hình dung được không, tôi mất hai năm để hồi phục hậu phẫu thì làm sao dám can thiệp dao kéo lần nữa.
Chưa kể, với trình độ thẩm mỹ ở ta còn giới hạn, sau khi phẫu thuật vật liệu gần như lộ trên da, dùng tay có thể chạm được, ai đã lỡ đặt vào rồi coi như có một cái dằm trong người, chấp nhận sống chung với nó với sự thận trọng trong mọi sinh hoạt.
Một lần tôi gặp chị bạn, người đã nâng mũi cách đây 10 năm, chị cho biết đã ân hận vô cùng. Mũi chị hiện tại bị bóng và lộ sóng do da mũi quá mỏng, chiều cao sống mũi quá nhọn không hợp với hình dạng khuôn mặt người Việt. Tuy nhiên, không đủ can đảm lấy ra vì phần vật liệu nhân tạo đã bám chắc vào xương mũi, sẽ rất đau đớn khi chỉnh hình. Một người khác cũng có thâm niên nâng mũi như chị và đã quyết tâm lấy ra, nhưng quá hãi hùng nên không dám đặt sống mới, kết quả là phần mũi nguyên thủy bị sụp xuống, da mũi nhăn nheo biến dạng khiến gương mặt trở nên đáng sợ.
Chuyện làm đẹp của tôi không dừng lại ở đó do công việc cứ phải tiếp xúc với những lời mời đầy cám dỗ. Ngành thẩm mỹ hiện nay có hai hình thức chủ yếu: có xâm lấn (can thiệp dao kéo) và không xâm lấn (sử dụng các thiết bị công nghệ làm đẹp bên ngoài).
Sau sự cố chiếc mũi, tôi thề sẽ không bao giờ can thiệp dao kéo nữa. Đem tâm sự với một vị bác sĩ trong lĩnh vực không xâm lấn chị ngọt ngào: “Yên tâm, giờ ai mà phẫu thuật máu me nữa hả em, chị cũng vậy nè, chị đang làm đẹp theo công nghệ của chị, em thấy chị không, rất xinh và trẻ so với tuổi. Mũi em cao thế này phải chỉnh đôi mắt chút xíu nó mới hợp. Hiện bên chị đang có gói làm đẹp mắt rất hay, chị sẽ giảm 50% cho em”.
Tôi quả quyết từ chối nhưng chị cứ kéo vào, không làm cũng được, để nhân viên vẽ mẫu cho, thích thì làm không thì thôi. Thế là tôi được vẽ mắt và chân mày mới theo công nghệ phun xăm hiện đại. Nhìn thấy thích mê nên quyết định làm luôn. Sau gần một giờ đồng hồ cho kim châm phun mực vào mắt và chân mày tôi đã trở về nhà với gương mặt sưng phù, phải nghỉ hẳn một tuần cho hồi phục. Tuy nhiên, không biết có phải do chất lượng mực không, sau 6 tháng mực phun bị phai màu, loang lổ.
Tôi lại tìm đến viện thẩm mỹ nọ, chị bác sĩ đích thân làm chứ không để nhân viên thực hiện như mọi lần. Chị phủ một lớp màu mới lên màu cũ khiến mắt tôi trông thật dữ dằn, tôi về nhà còn không nhận ra mình.
Quyết tâm tìm đến một mỹ viện khác với máy móc hiện đại hơn để xóa mực xăm hoàn toàn. Mất 5 lần trị liệu với laser, phần da bị nóng và châm chích khó chịu đã đành, tôi phải mất gần 10 triệu đồng cho tổng chi phí. Nhưng điều quan trọng là phần da mí mắt và chân mày đã bị trơ chai cứng, không thể trở lại hình hài như nguyên thủy cũng như không thể hấp thụ màu mực mới.
Chị gái tôi, răng chỉ khấp khểnh chứ không đến nổi khó coi nhưng cứ quả quyết muốn niềng răng. Dành dụm mấy tháng lương mới đủ tiền để làm. Sau 2 năm đã có hàm răng đều tăm tắp như ý nhưng toàn bộ chức năng nhai đã giảm đi đáng kể, gần như không dám ăn uống vô tư như trước đây, đặc biệt răng đã trở nên nhạy cảm, ê buốt khi gặp thức ăn nóng, lạnh hoặc cay.
Kết thúc bài viết này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, nếu ngoại hình của bạn không đến mức khủng khiếp (do tai nạn) hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sống, công việc thì đừng nên can thiệp thẩm mỹ. Một vấn nạn hiện nay là nhiều người quá sa đà vào việc này mà không biết bằng lòng với chính mình. Hậu quả từ nhẹ đến nghiêm trọng đã tràn ngập trên các báo.
Cái đẹp lâu bền của người phụ nữ chính là sự thư thái trong tâm hồn, điều mà không một mỹ phẩm hoặc công nghệ nào thay thế được.
Bình luận (0)