Chợ phiên vùng cao bỏ hoang

Mạnh Cường
Mạnh Cường
12/09/2022 19:18 GMT+7

Đầu tư hơn 900 triệu đồng nhưng khu chợ vùng cao Bắc Trà My ( Quảng Nam ) mới hoạt động được vài phiên đã phải bỏ hoang, do người dân không mặn mà họp chợ…

Tháng 9.2018, khu chợ phiên tại xã Trà Giác (H.Bắc Trà My) hoàn thành, đi vào hoạt động theo phiên mỗi tháng 3 ngày (từ ngày 1 đến ngày 3) với tổng vốn đầu tư hơn 900 triệu đồng từ nguồn ngân sách của huyện, do Phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Bắc Trà My làm chủ đầu tư. Mục tiêu là tạo địa điểm cho người dân các xã vùng cao Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka có nơi họp chợ để trao đổi, mua bán hàng hóa, kích thích sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.

Khu chợ phiên tại xã Trà Giác bỏ hoang trong thời gian dài

MẠNH CƯỜNG

Nhưng rồi, khu chợ phiên chỉ mới hoạt động vỏn vẹn khoảng 5 phiên thì bị “lãng quên” và bỏ hoang cho đến nay. Cả khu chợ bây giờ cây cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục đã xuống cấp. Vì khu chợ bỏ hoang quá lâu, một số người dân đành mang hàng nông sản ra bày bán bên mép đường QL40B.

Chị Hồ Thị Do (36 tuổi, ở xã Trà Giác) cho biết những ngày đầu mới đi vào hoạt động, có khá đông người dân gùi các mặt hàng nông sản xuống đây bày bán. Tuy nhiên, được một thời gian ngắn thì không thấy tập trung mua bán nữa. “Khu chợ này bỏ hoang 4 năm nay rồi. Tôi cũng không hiểu vì sao người dân lại không tập trung mua bán nữa, thấy rất lãng phí vì ở miền núi mà đầu tư được khu chợ như vậy đâu dễ dàng gì... Nhiều người dân cũng mong chính quyền địa phương sớm có phương án xử lý, để chợ sớm tái khởi động, chứ bỏ không vậy thì phí tiền nhà nước quá!”, chị Do nói.

Kêu gọi đấu thầu khai thác trở lại

Ông Hồ Ngọc Ân, Chủ tịch UBND xã Trà Giác, cho biết đa số người dân các xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Dân cư phân bố rải rác nên để đến chợ phiên họ phải di chuyển quãng đường núi khá xa, địa hình hiểm trở trong khi lượng hàng hóa, nông sản mang ra bán lại không nhiều. “Đây là nguyên nhân khiến khu chợ hoạt động được một thời gian thì dừng. Để chợ được diễn ra hằng tháng, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia họp chợ nhưng không hiệu quả, nên khu chợ phải dừng hoạt động”, ông Ân nói. Chia sẻ của vị Chủ tịch UBND xã Trà Giác cho thấy khâu khảo sát địa điểm dựng chợ ngay khi lập dự án thiếu tính thực tế, dù mục đích ban đầu là rất chính đáng.

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Sự, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Bắc Trà My, cho rằng khi chưa xây dựng khu chợ thì bà con đề nghị phải có một phiên chợ để trao đổi hàng hóa. Nhưng khi chợ xây xong, chỉ hoạt động được vài phiên thì bà con không “mặn mà” họp chợ nữa. Việc khu chợ dừng hoạt động trong thời gian khá dài cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính vẫn là do hàng hóa trao đổi buôn bán ít, địa hình miền núi xa xôi, hiểm trở và đặc biệt là người dân chưa thích nghi được với việc buôn bán tập trung. “Quan điểm của huyện là tiếp tục quản lý, duy trì để khu chợ được hoạt động. Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động nhân dân các xã đẩy mạnh sản xuất, đưa nông sản, hàng hóa ra chợ để buôn bán; thực hiện nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt để tạo ra nhiều sản phẩm với số lượng đảm bảo cung ứng thị trường tiêu dùng”, ông Sự nói.

Theo ông Sự, việc xây dựng khu chợ là mong muốn tạo ra một điểm kinh doanh, buôn bán để từng bước thay đổi tư duy kinh doanh của người dân, làm tăng thêm giá trị sản phẩm. Sắp tới để khu chợ hoạt động có hiệu quả, huyện tính đến việc sẽ lựa chọn, kêu gọi các đơn vị hợp tác xã, doanh nghiệp, nhóm hộ… để giao hoặc đấu thầu quản lý, khai thác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.