Chó cắn nát mặt trẻ
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Từ 14.5-10.6, sau thời gian giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, có liên tiếp các ca trẻ bị chó cắn rất nặng nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Trong đó, có 3 trường hợp rất thương tâm, trẻ đều dưới 2 tuổi, với vết thương rất phức tạp, thiếu hổng vùng mặt, da đầu, gây khó khăn cho đội ngũ y bác sĩ trong việc xử lý làm sạch, tạo hình.
Mẹ bệnh nhân cho biết, bé đang cầm cây xúc xích ăn thì con chó (hàng xóm) chạy đến táp lấy cây xúc xích đồng thời ngoạm luôn vào phần đầu mặt bé.
Bé bị rách, thiếu hổng gần như vùng mặt phải, lộ hết phần cơ, mỡ, xương, răng… trên mặt. Đồng thời, phía dưới vùng sọ sau đầu máu chảy nhiều, các bác sĩ phát hiện có 3 vết thương vùng da đầu (2 đường rách thẳng 5 cm, sâu 0,5 cm, 1 đường hình chữ V ngược dài 4 cm, sâu 0,5 cm mỗi bên), lộ xương.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ đã rất vất vả cấp cứu, làm sạch vết thường vùng mặt, đầu cho bé. Bé được khâu vết thương ngay trong buổi tối.
“Bác sĩ phải mất đến hơn 3 giờ 30 phút để khâu vết thương vùng đầu và mặt cho bé. Vết thương phải dùng đến… 7m chỉ để khâu”, bác sĩ Hằng cho biết.
Hai trường hợp trẻ bị chó cắn khác là bé trai 18 tháng (ngụ Bình Dương), vô tình vấp phải chó khi chó đang ngủ và bị chó cắn vào mặt bé; và bé gái 19 tháng (ngụ Tây Ninh) cũng bị chó cắn vào mặt khi bé đến gần con chó trong lúc chó đang ăn. Bé gái ngụ Tây Ninh này cũng phải mổ cấp cứu ngay trong đêm. Các bác sĩ phải mất 3 giờ để khâu vết thương trên mặt bé, với 5m chỉ.
Chú ý giữ khoảng cách giữ trẻ và chó
Bác sĩ Hằng nhận định, ở người lớn thường là chó cắn chân tay, trẻ em độ cao đầu mặt bé tương ứng với tầm miệng và chân chó nên thường bị chó cắn ngay vùng đầu mặt, gây tổn thương đầu mặt khá cao.
“Tính chất vết thương bị chó cắn thường rất dơ, dập nát do răng cắn và móng vuốt chó cào cấu, đụng dập do va đập. Vết thương rách nát, thiếu hổng nhiều vị trí, ảnh hưởng nhiều cơ quan (mặt, mắt mũi, miệng, tai, đầu…), dễ nhiễm tạp khuẩn, virus dại từ nước bọt, uốn ván từ móng vuốt chó… Vì vậy, việc điều trị phức tạp, để lại sẹo xấu, sẹo co kéo, sang chấn tâm lý, tổn thương các cơ quan vùng mặt, ảnh hưởng thẩm mỹ chức năng sau này”, bác sĩ Hằng cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thời điểm Bệnh viện Nhi đồng 1 thường tiếp nhận các trường hợp trẻ bị chó cắn nhất là lúc trẻ không đến trường, ở nhà (mùa dịch hoặc dịp hè…). Vết thương hàm mặt do chó cắn ở trẻ em là tai nạn thường gặp, luôn gây nên tổn thương trầm trọng và để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, chức năng, nhiễm trùng, thẩm mỹ, tâm lý.
Vì vậy, tốt nhất là nhà có trẻ nhỏ thì không nên nuôi chó. Trường hợp nhà có trẻ nhỏ và nuôi chó thì phụ huynh cần chú ý cách ly, giữ khu vực, khoảng cách an toàn giữa chó với trẻ; phải luôn chú ý trông nom trẻ, không nên để trẻ tiếp xúc gần với chó, nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc và đùa giỡn chọc phá chó, nhất là khi chó đang ăn, mới sinh, đang nuôi chó con,…
Mặt khác, chó nuôi cần được chích ngừa đầy đủ.
Trong trường hợp trẻ bị chó cắn, người nhà cần lập tức cách ly em bé khỏi con chó, dùng nước sạch rửa vết thương, có thể rửa xà phòng và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế xử lý cấp cứu. Không nên đánh chết chó mà phải giữ con chó còn sống để theo dõi.
Bình luận (0)