Như Thanh Niên đưa tin, chó thả rông, chăn dắt trong khu dân cư không có dây xích là mối đe dọa cho trẻ em và người lớn nếu không may bị chó tấn công, bởi bệnh dại có thể ủ cả năm, tỷ lệ tử vong cao.
Chó đi rông tại một khu đô thị ở TP.HCM |
LÊ CẦM |
Chị T.T (28 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn còn cảm giác sợ hãi khi kể lại lần chị và con trai bị chó tấn công trong chung cư. “Trong lúc hai mẹ con đi dạo thì gặp chó đi rông trong chung cư. Con trai tôi thấy chó thì nhìn, ai dè nó đuổi theo hai mẹ con. Tôi ôm con chạy mà run người, càng chạy thì chó càng đuổi, may lúc đó có ông chú đi ra cầm roi dọa nên nó mới ngừng”, chị T. kể lại.
Kém may mắn hơn chị T., anh H.V.P (23 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hơn một năm trước trong lúc đi dạo bộ, mặc quần đùi thể thao thì bất ngờ bị chó từ phía sau cạp vào chân. Chủ chó chạy theo nhưng không kịp. Vết cắn làm chân anh rỉ máu, có 3 vết dấu răng.
“Tôi về nhà rửa sạch vết cắn, sát trùng rồi dán băng cá nhân, vết cắn nhẹ nên không thấy đau nhức. Chủ chó bảo bình thường nó rất hiền, đã được tiêm ngừa, nhưng không hiểu sao nay lại cắn người. Sau đó là những ngày tháng nơm nớp lo sợ, ngày nào tôi cũng hỏi chủ chó xem nó thế nào, qua hơn 2 tuần tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, anh P. kể lại.
Bác sĩ Trần Huyền Trâm, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết sau khi chó dại cắn, vi rút dại từ lớp trong cùng của mô dưới da hoặc từ cơ bắp tiến vào các dây thần kinh ngoại biên (các dây thần kinh nằm ngoài não hoặc tủy sống) phát triển thành bệnh dại. Vi rút dại di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ ước tính khoảng 12 - 24 mm mỗi ngày.
“Người bị nhiễm bệnh sẽ có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng khi vi rút bắt đầu xâm nhập vào não bộ. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài ngày đến vài tháng, thậm chí có thể kéo dài tới 1 năm”, bác sĩ Trâm chia sẻ.
Nói hoài mà vẫn tồn tại
Bức xúc trước nạn chó thả rông, bạn đọc (BĐ) The Hoang Tran cho biết: “Tôi đã tông phải chó thả rông 2 lần, bị té gãy xương, vợ con thì xây xát. Bà thím tôi đi làm tông chó dẫn đến bị chấn thương sọ não, phải nằm viện 2 tháng. Tai họa không hề nhỏ. Sáng sớm đi bộ tập thể dục thường phải hít không khí hôi mùi phân và nếu sơ ý là đạp phải… phân chó”.
Cùng nỗi bức xúc, BĐ Phước Hiệp Bình viết: “Chó thả rông là nguồn nguy hiểm cho người đi bộ, người đi xe máy khi chẳng may bị chó cắn hay tông phải chúng, nhưng sao chúng ta cứ loay hoay xử lý hoài”.
“Không chỉ chó cắn mới lây bệnh mà phân chó cũng là mầm bệnh truyền nhiễm. Ruồi sẽ bâu vào phân chó, sau đó đậu vào thức ăn, mùa này là mùa mưa, là mùa sinh sản của ruồi nên rất nhiều bệnh truyền nhiễm sinh ra từ chó thông qua con ruồi”, BĐ Tự Trọng cảnh báo thêm.
Trong khi đó, BĐ thanh vu le nói thẳng: “Vấn nạn này đã đưa ra nói hoài nói mãi bao nhiêu năm nay nhưng chả thấy ai xử lý gì. Người bị chó dại cắn và tai nạn giao thông do tông trúng chó thả rông vẫn cứ xảy ra”.
Chính quyền cần mạnh tay xử lý
Để chấm dứt tình trạng chó thả rông gây nguy hiểm cho người khác, theo BĐ Nguyễn Xuân Vinh: “Luật đã có nhưng thực hiện không nghiêm vì nhiều lý do, cho nên chính quyền cần phải duy trì việc thực hiện của đội bắt chó thả rông nơi công cộng là ổn ngay mà”.
Cùng quan điểm, BĐ Thời Trang Khánh Ngọc đề xuất: “Chỉ cần có văn bản pháp luật quy định cấm thả rông chó, bất kỳ người nào nhìn thấy chó thả rông đều có quyền tiêu hủy; nếu con chó thả rông cắn người thì dù có bệnh dại hay không, chủ nuôi chó phải bồi thường 500 triệu đồng. Đảm bảo chỉ 30 phút sau khi quy định có hiệu lực, sẽ không còn một con chó nào chạy rông, cắn người nữa”.
BĐ Đào Lê Nho bức xúc: “Chính quyền còn thờ ơ, chưa quyết tâm vào cuộc mà chỉ tuyên truyền, vận động thì đến thế kỷ nữa cũng chưa tiến bộ. Trong xóm, trong hẻm, ngoài công viên, chó thả rông, không rọ mõm, phóng uế bừa bãi, có phản ánh cũng không thấy ai giải quyết”.
Tương tự, BĐ batdautapxxxx@gmail.com cũng cho rằng: “Tuyên truyền vận động thì có bao nhiêu năm nữa vẫn vậy. Phải có quy định cứng rắn, như thành lập Trung tâm nuôi nhốt động vật thả rông, cứ con nào đi rông là bắt về nhốt hết. Khi nào người chủ đến nộp phạt thì mới cho mang về, còn quá thời gian thì đem đi hủy luôn”.
* Cái quan trọng là ý thức của người nuôi chó. Người nuôi không có ý thức thì không có lực lượng nào quản lý hết được.
Tấn Trần
* Vấn đề bé tí xíu mà làm mãi không xong. Muốn có một cuộc sống văn minh thì phải mạnh tay áp dụng các quy định về trật tự đô thị, xử phạt thôi. Chỉ khi mở túi tiền để nộp phạt thì người vi phạm mới có ý thức...
Hotdoog88
* Thanh Niên và các báo, đài nên đề cập về vấn đề này thường xuyên cho đến khi nào có biện pháp chấm dứt tình trạng chó thả rông thì thôi. Nó không phải là vấn đề mới, nó đã được đề cập đến hơn chục năm nay rồi, mà vẫn cứ vậy...
Nói Thẳng
Bình luận (0)