Choáng váng với những email 'không thể tin nổi' của sinh viên gửi thầy cô

30/05/2023 12:16 GMT+7

Những email "không thể tin nổi" của sinh viên khiến bất kỳ ai cũng không khỏi ngỡ ngàng và sốc nặng. Vì không ngờ rằng một bộ phận sinh viên lại có thể viết những email diễn đạt một cách ngô nghê, đầy lỗi chính tả, viết tắt tùy ý...

Choáng váng với những email 'không thể tin nỗi' của sinh viên gởi thầy cô - Ảnh 1.

Một email mà sinh viên viết gửi giảng viên

CHỤP MÀN HÌNH

Bấn loạn khi đọc email

Giảng viên của một trường ĐH ở TP.HCM chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh chụp lại email mà sinh viên gửi đến ông khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm.

Trong email ấy, sinh viên đã diễn đạt một cách khó hiểu, liên tục viết tắt, thậm chí sử dụng những teencode (có thể hiểu là ngôn ngữ tuổi teen, ngôn ngữ xì tin, ngôn ngữ dành cho giới trẻ - PV).

Cụ thể, sinh viên viết trong email: "Xin thầy nhín chút time đọc mail của e. Xin lỏi thày em lm thày hk vui. Em mong thày thông cảm. Vì em có chút việt gia đình nên pỏ lở thông páo quan trọg của thày. E rất mong đc thày giúp đở cho e. Môi trường ms e ch lm quen kịp ak. Xl e lm mất time của thày. Chúc thày bủi tói zz!!!".

Có thể hiểu nội dung email là: "Xin thầy nhín chút thời gian đọc mail của em. Xin lỗi thầy em làm thầy không vui. Em mong thầy thông cảm. Vì em có chút việc gia đình nên bỏ lỡ thông báo quan trọng của thầy. Em rất mong được thầy giúp đỡ cho em. Môi trường mới em chưa làm quen kịp ạ. Xin lỗi em làm mất thời gian của thầy. Chúc thầy buổi tối vui vẻ".

Tuy nhiên, cách viết lúc tiếng Việt, lúc tiếng Anh, xin lỗi thành "xin lỏi", việc gia đình lại là "việt gia đình", bỏ lỡ thành "pỏ lở", thầy thì thành "thày", buổi tối thành "bủi tói"... hay vui vẻ thì viết tắt thành "zz", thời gian lại là "time", không là "hk"... đã khiến người đọc phát bực.

Trường hợp này không ngoại lệ. Theo chia sẻ của nhiều giảng viên đang dạy ở các trường ĐH, CĐ, rất nhiều sinh viên hiện nay rất yếu kỹ năng viết email.

"Họ viết email lẫn lộn cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, sử dụng những ngôn ngữ gen Z khó hiểu. Chưa kể việc viết tắt loạn xạ, viết tắt tùy hứng. Có khi nguyên đoạn dài nhưng không chấm, không phẩy", giảng viên Lê Minh Khoa, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết.

Một giảng viên ở Trường ĐH Văn Lang cũng kể: "Đã từng nhận được email của sinh viên. Tôi choáng váng khi 1/3 sinh viên viết email kiểu "không thể tin được". Nếu sử dụng chính xác từ thì có thể nói là tôi "bấn loạn" khi đọc email".

Người này kể: "Thay vì viết đúng câu đúng từ, thì sinh viên lại ưa viết tắt. Học phí, học phần nếu viết tắt là "hp". Sinh viên viết trong mail "hp" tôi không rõ là đề cập tới học phần hay học phí. Họ (tức sinh viên) cũng ưa cách viết tắt như: mới trở thành "ms", chưa là "ch", "ạ" là "ak", được là "đc" hoặc "dc"... Không hiểu sao lại có thể viết những email như thế".

Một giảng viên của Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai), cho biết có sinh viên gửi email đến để xin thi vét. Thế nhưng thay vì gửi mỗi giảng viên một email thì sinh viên này gửi cùng lúc nhiều người. Và rồi, dù người nhận là giảng viên nam hay nữ thì sinh viên cũng... "chào cô".

Lại có giảng viên ta thán việc nhận email của sinh viên nhưng chẳng thấy một câu chào hỏi lịch sự. "E la Đ.V.S., sinh viên lớp..., e hoi thay chuyen nay xi vs thay...". Sinh viên đã từng gửi email như vậy. Khi nhận mail này, tôi chẳng biết nên có cảm xúc gì. Chỉ thấy buồn vì sinh viên quá yếu kỹ năng", Phạm Minh Phương, giảng viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết.

Choáng váng với những email 'không thể tin nỗi' của sinh viên gởi thầy cô - Ảnh 2.

Email với đầy teencode, viết tắt, sai lỗi chính tả, không dấu chấm, dấu phẩy...

CHỤP MÀN HÌNH

Viết email cũng là kỹ năng

Theo chị Phương, viết email nói chung và gửi cho giảng viên nói riêng cũng cần kỹ năng. Nhất là khi viết email gửi cho thầy cô, sinh viên cần phải có "khoảng dừng" cần thiết để đọc lại email một cách kỹ lưỡng.

"Liệu trong email có câu chào hỏi chưa? Liệu đã viết đúng chính tả chưa? Liệu nội dung email, cách chuyển tải có trang trọng hay không? Và thử hỏi bản thân viết email có súc tích, ngắn gọn nhưng đủ ý? Hoặc cần chú ý cả việc viết câu đúng chính tả, đúng ngữ pháp... Chứ không thể nghĩ gì viết nấy, viết tràng giang đại hải, viết không vô vấn đề, viết mà không có dấu chấm câu", chị Phương nói.

Chuyên gia kỹ năng sống Huỳnh Thanh Hoa (Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM) cho biết dù gửi email cho giảng viên với nội dung gì đi chăng nữa thì cũng bắt buộc có "những điều không thể thiếu".

Đó là cần có dòng tiêu đề thu hút sự chú ý. Sau đó mở đầu bằng lời chào trân trọng cũng như đề cập lý do viết email. Nội dung cần email rõ nghĩa, đi vào trọng tâm, không diễn giải lan man. Những câu chữ trong email phải đúng chính tả, không được viết tắt, sử dụng teencode. Sử dụng dấu chấm câu hợp lý. Không được viết hoa tự do. Tên người, tên địa danh phải viết hoa. Tránh dùng từ ngữ, cấu trúc khó hiểu. Trình bày email một cách bắt mắt, thông minh... Cuối email phải có lời chào. Sau đó đọc lại email một cách kỹ càng, kiểm tra ngữ pháp, các lỗi có thể còn sót lại... trước khi gởi đi. Ngoài ra, cũng lưu ý, những email cần đính kèm tệp (đính thêm file) thì nhớ đính kèm trước khi gửi, tránh trường hợp gửi email liên tục.

"Mỗi sinh viên cần chú trọng nâng cao kỹ năng viết email của mình để ngày càng chỉn chu, chuyên nghiệp", chị Hoa khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.