'Choáng' với lễ cúng của thầy tào

Quang Viên
Quang Viên
11/05/2021 05:00 GMT+7

Gần 9 giờ chứng kiến lễ cúng cầu an, giải hạn đầy huyền bí của một thầy tào người dân tộc Tày ở Tây Nguyên, tôi thật sự bị sốc.

Người lạ khó được thầy tào nổi tiếng như tào T. cho tham dự từ A đến Z lễ cúng giải hạn, cầu an cá nhân, nhưng tôi may mắn được ông Nguyễn Đại Hà, nguyên là Chủ tịch xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk giúp đỡ.
Ea Tam nổi tiếng có Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh mà khi chưa nghỉ hưu ông Hà thường làm trưởng ban tổ chức. Đặc biệt, ông Hà từng có thời gian dài sống trong làng và dày công nghiên cứu văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Với uy tín của ông Hà, tôi được tào T. chấp nhận.

Huy động “toàn gia” lo lễ cúng

Khi tôi đến nhà, tào T. làm lễ cầu an, giải hạn cho một khách ở xa. “Giờ linh” tào T. chọn hành lễ là 7 giờ 30. Nhưng muốn tôi khám phá từ khâu chuẩn bị đến chính lễ, 4 giờ 30 sáng ông Hà đã chở tôi vượt qua nhiều đoạn đường bụi mù trời để đến nhà tào T.  
5 giờ sáng, nhà thầy tào đã nhộn nhịp vì “toàn gia” dậy phụ lo lễ cúng. Tôi đếm cả thảy 7 người. “Ngày giờ đã coi rồi, huy động cả nhà chuẩn bị mới kịp giờ hành lễ”, tào T. nói. Dưới bếp, 3 lò lửa đỏ rực để nấu xôi, luộc gà, đầu heo, thịt heo. Trong nhà, trên bộ ván rộng, tào T. ngồi cắt các hình nhân, cờ bằng giấy, đồng thời bày dần đồ lễ lên chiếc bàn nhỏ. “Nếu tôi đến nhà gia chủ thì bàn lễ này sẽ đặt ở sảnh giữa trong nhà, dưới bàn thờ tổ tiên của họ. Nhưng gia chủ đến đây nên hành lễ chỗ này”, tào T. giải thích.

Một thủ tục làm phép trong lễ cúng giải hạn

ẢNH: Q.V

Sau hơn hai tiếng đồng hồ chuẩn bị, đủ món lễ vật bày lên tràn nửa bộ ván chiều rộng khoảng 2 mét. Trong đó, đồ lễ cơ bản trước cúng thần linh, sau “cấp” cho người phàm gồm 1 đầu heo, 3 con gà, 1 khổ thịt, 1 dĩa xôi và các loại bánh trái. Bàn lễ chính đặt 3 chén gạo cắm nhang, cờ tượng trưng cho 3 mâm (thánh, cụ tổ gia tiên, hung tin quan hạn).
Sát giờ hành lễ (7 giờ 30), người phụ nữ từ xa mới đến phân trần: “Tìm nhà thầy khó quá. May mà con đến kịp”. Thầy tào hỏi: “Có mang áo không?”. Chị này đưa chiếc túi xách màu đen nói: “Dạ có. Áo của con và chồng đúng áo màu như thầy dặn”. Thầy tào hỏi tên tuổi, chỗ ở của những thành viên trong gia đình người phụ nữ, lật sách nhẩm tính gì đó rồi ghi lên tờ giấy đỏ bằng chữ hán (gọi là bài vị) sau đó đặt lên bàn. Được biết, người phụ nữ đến cậy tào T. cầu an, giải hạn vì năm nay chị và chồng đều 53 tuổi theo âm lịch. Theo như tào T. giải thích, trong đời người tuổi 53 rơi vào năm hạn tam tai nên cần phải giải hạn.

Mâm lễ trên bàn cúng chính

ẢNH: Q.V

Hành lễ huyền bí

Đúng giờ linh, đèn cầy và tất cả các bát nhang trên bàn lễ chính và hai bàn lễ trong nhà bẹ chuối đặt phía dưới nền gạch được đốt lên. Trong khói nhang nghi ngút, tào T. ngồi xếp bằng nghiêm trang rót rượu, lắc chuông nhạc, đọc bài cúng, gieo quẻ. Còn bổn chủ cầu an, giải hạn cung kính chắp tay đứng hầu lễ. Tôi chú ý tào T. thường xuyên rung chuông, lấy thanh gỗ gõ vào cạnh bàn lễ và phóng hai miếng gỗ nhỏ xuống trước bàn lễ.
Khi tạm nghỉ uống nước, tào T. cho biết: rung chuông và gõ thanh gỗ để gọi quân ở cõi âm về, còn phóng hai miếng gỗ nhỏ là gieo quẻ. “Nếu gia chủ thành tâm và âm phần trong nhà tốt thì xin quẻ thuận lợi, lễ cúng diễn ra suôn sẻ tốt đẹp”, tào T. nói. Tôi nghĩ người phụ nữ ở cách hơn 400 km lên đây để làm lễ cầu an, giải hạn chắc chắn thành tâm rồi. Nhưng chẳng biết vì sao tào T. gieo quẻ rất nhiều trong suốt buổi hành lễ nên chị cũng hồi hộp.

Tào T. mắt mơ màng khấn vái trong không gian nghi ngút khói nhang trông rất huyền bí

ẢNH: Q.V

Theo tìm hiểu, lễ cầu an, giải hạn của thầy tào hoặc thầy then của dân tộc Tày, Nùng thường có các bước cơ bản gồm: nhập môn, thỉnh tướng (báo tổ tiên và mời tổ tiên về để con cháu dâng lễ vật); bốc mệnh (dự đoán bản mệnh của gia chủ để biết vận số trong cả năm); trừ tà (diệt trừ tà ma, quét sạch những vận xui, rủi ro...); hành yên, lập phú (cầu bình an, tài lộc). Các bước hành lễ, thầy tào đều dựa vào những cuốn sách chữ Hán cổ xưa được coi như “bửu bối”. Tôi thấy tào T. có 3 cuốn sách chữ hán ố vàng đặt trước mặt, khi hành lễ thầy mở từng trang.
Hơn 11 giờ trưa, tào T. rời bàn cúng xuống uống trà tại phòng khách. Tôi hỏi: “Lễ cúng đã xong rồi hả thầy?”. Tào T. bảo: “Chỉ mới 2/3 buổi lễ thôi”. Nghe vậy tôi hơi bị choáng. Uống hết hai chung trà, tào T. làm lễ tiếp.

Lễ cúng phụ diễn ra tại hai ngôi nhà bẹ chuối đặt dưới đất

ẢNH: Q.V

Một lúc sau, ông rời bàn lễ chính xuống bàn lễ đặt trong hai ngôi nhà làm bằng bẹ chuối để cúng. Chỉ vào hai “ngôi nhà” (một ngôi nhà có hai bao đựng gạo đặt phía trước) thầy T. giải thích: “Cúng ở đây cầu cho người già thì có nhà nhỏ để ở, người trẻ có nhà to hơn và luôn có nhiều tiền, nhiều lộc”. Sau đó, tào T. trở lại bàn lễ chính thực hiện với đoạn kết của lễ cầu an, giải hạn được cho là quan trọng nhất.
Từ đầu lễ đến giờ, vợ của thầy tào đóng vai trò trợ lý đắc lực. Bà dọn các lễ vật, châm thêm rượu... và đến “đoạn kết” càng bận rộn hơn khi phải làm đủ thủ tục, đặc biệt là đốt nhiều lần hình nhân, vàng mã giấy...
Cả 3 đứa cháu của tào T. cũng được giao nhiệm vụ chuyền gạo đổ liên tục vào chiếc ống giấy. “Chúng nó được coi như con cháu giúp sức mang tài lộc về cho gia chủ”, tào T. cho biết. Kết thúc buổi cúng tại bàn lễ chính, tào T. bóc cái sọ và hai ống chân của con gà lễ rồi lật sách chữ Hán coi quẻ. “Sọ gà, chân gà không có vết đen gì cả. Sáng trắng hết. Tốt lắm rồi đó”, tào T. nói với người phụ nữ. Sau đó, ông đưa một túi gạo nhỏ và hai chiếc áo đã “làm phép” lại cho chị và dặn: “Gạo lộc phải nấu ăn nhé. Hai chiếc áo thì nên thường xuyên mặc”.

Tào T. cúng tạ thần linh ngoài trời sau lễ chính trong nhà

ẢNH: Q.V

Hơn 12 giờ trưa, những chiếc nhà bẹ chuối được vợ và cháu thầy T. mang ra đặt đầu ngõ. Trong khi đó, ông làm thủ tục cúng tạ ơn thần linh ở trong khuôn viên nhà với mâm lễ là con gà, đầu heo, vàng mã. Khi mọi thủ tục làm lễ cầu an, giải hạn đã xong, tôi nhìn đồng hồ lúc đó là 13 giờ kém.
Theo ông Nguyễn Đại Hà, nội dung các bài cúng cầu an, giải hạn hiện nay của thầy tào được rút ngắn nhưng vẫn đảm bảo ý nghĩa trong đời sống tinh thần cầu bình an, tai qua nạn khỏi, các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, thóc gạo đầy bồ, gia súc, gia cầm sinh sôi, nảy nở, cây cối tốt tươi. Nếu có việc phải đi đâu xa thì thượng lộ bình an…
Lễ cúng giải hạn, cầu an của thầy tào còn gắn với những điều răn dạy như: con cháu phải nhớ ơn tổ tiên; tôn trọng, có hiếu với cha mẹ; sống đoàn kết, gắn bó, không thù hận...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.