Chơi mai ngày Tết, tiết lộ thế mai tứ diện lừng tiếng bên phá Tam Giang

03/02/2019 14:00 GMT+7

Người chơi mai phải am hiểu, chú ý đến 4 điểm: nhất đề, nhì thân, tam cành, tứ giống. Thế mai đẹp cần phải lộ tứ diện, nghĩa là nhìn từ bên ngoài phía nào cũng thấy hình dáng con rồng.

Những ngày cuối năm, khi không khí Tết và sắc xuân đang rộn rã khắp muôn nơi, ở làng Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, H.Phong Điền) một làng quê ven biển Thừa Thiên - Huế, sắc xuân lại thêm nồng đượm với những khu vườn mai vàng nở rộ.
Nụ mai Thế Chí Tây luôn bụ bẫm, có hương thơm nồng nàn ảnh An Như

Làng mai Thế Chí Tây có tuổi đời hàng trăm năm, gắn liền với đời sống văn hóa của vùng đất này. Cây mai cảnh là sản phẩm nổi bật và không thể thiếu trong mỗi gia đình ở Thế Chí Tây. Người dân trong làng cha truyền con nối, kế thừa, sáng tạo trong việc trồng cây hoa mai cảnh. 

Tiền tỉ ngoài vườn

Làng mai Thế Chí Tây từ lâu lừng tiếng với nghề trồng mai. Ở đây không chỉ các bậc cao niên mà cả giới trẻ đều là nghệ nhân đam mê với thú chơi mai cảnh.

Anh Nguyễn Nhật Tường (26 tuổi) những ngày cuối năm lúc nào cũng tất bật chăm sóc mai cho dịp Tết nguyên đán. Anh Tường là một trong số những người trẻ theo nghề cha ông truyền lại.  Vườn mai của anh lúc nào cũng có hơn 100 gốc mai giống đủ độ tuổi.

Vườn mai của anh Tường ảnh An Như
Anh Tường, kể ngày còn nhỏ, anh thường chăm chỉ xem cha của mình là ông Nguyễn Văn Thành (56 tuổi) trồng mai, chăm sóc mai. Dần dà, anh học hỏi và tích lũy được kinh nghiệm trồng và chăm sóc mai từ cha. Khi lớn lên, anh phụ giúp cha chăm sóc mai.
Những năm trở lại đây, đến mùa Tết gia đình anh lại xuất bán mai cho thương lái, trung bình mỗi năm kiếm được từ 70 -100 triệu đồng. Anh Tường cho biết: “Người trồng mai phải tận tâm với cây mai và niềm đam mê, kiên nhẫn để có cây mai đẹp, có giá trị phải chăm sóc hàng chục năm trời. Kỳ công là vậy, nên khi những cội mai đến kỳ trổ hoa, người trồng mai sung sướng với thành quả lao chăm bón của mình. Muốn làng mai tồn tại, không bị mai một thì trước hết các nghệ nhân, bậc cao niên cần phải 'truyền lửa' cho các thế hệ con cháu".
Để có giống mai tốt, khi hoa tàn, anh Tường lấy hạt từ những cây mai đẹp để nhân giống. Tiêu chí chọn giống phải chọn được hạt mai chắc, khỏe của những cây cho hoa đẹp.  Mai giống được ươm, chọn lọc mới thành nhiều cây mai đẹp.
Mai đẹp, có giá trị cao là những cây mai có thân uốn mềm mại, nhánh ra đầy đủ, nhiều hoa. Hiện gia đình anh đang có 2 chậu mai dáng tứ diện được thương lái trả giá 100 triệu đồng nhưng chưa bán. "Việc trồng mai không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn đáp ứng được mong muốn giữ làng mai truyền thống của quê hương" anh Tường chia sẻ.

Mai là "tâm xuất tướng"

Nghề trồng mai cảnh của làng Thế Chí Tây đã được lưu truyền và phát huy qua nhiều thế hệ, trải qua bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử, đến nay, người làng Thế Chí Tây vẫn luôn tìm tòi, học hỏi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng mai để phù hợp với thị hiếu của người chơi mai.

Hàng năm vào dịp xân về, người dân làng nghề cùng với chính quyền địa phương đều tổ chức Hội Mai xuân để tạo sân chơi cho người trồng mai chia sẻ kinh nghiệm, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách gần xa, cũng là dịp để giới thiệu đến bạn bè nghề trồng mai cảnh truyền thống, đồng thời bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa của nghề trồng mai.

Kỳ công gieo hạt để có giống mai vàng đẹp Ảnh An Như

Ông Đặng Văn Lé (81 tuổi), nghệ nhân cao niên của làng mai, chia sẻ: "Người chơi mai phải có cốt cách thanh cao, biết yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên. Mai là loài hoa 'tâm xuất tướng', có nghĩa người chơi phải có tâm trạng vui vẻ thì mới tạo nên một dáng mai đặc biệt và ngược lại. Người dân nhiều nơi thường tạo thế mai theo kiểu long, lân, quy phụng, riêng ở Điền Hòa chủ yếu tạo mai theo hai thế: long vân, long giáng...

Để có một chậu mai đẹp, ngoài công chăm sóc hằng chục năm trời, người chơi mai phải am hiểu, chú ý đến 4 điểm: nhất đề, nhì thân, tam cành, tứ giống. Thế mai đẹp cần phải lộ tứ diện, nghĩa là nhìn từ bên ngoài phía nào cũng thấy hình dáng con rồng.

Để có một châu cây đẹp, người chơi mai phải chăm chút từng li từng tí, lúc chọn mai đưa vào chậu phải bó rễ và kê vật cứng dưới đáy chậu, như thế rễ mai mới lộ lên trên.

Riêng phần thân mai phải uống cho cân xứng, chậu mai cũng phải hòa hợp với cây mai, mai nhỏ thì dùng chậu bình thường, những cây thuộc hàng “lão mai” thì phải dùng chậu cổ mới thích hợp.

Ông Đặng Văn Lé 81 tuổi, có thâm niên 60 năm với nghề trồng mai Ảnh An Như

Cây mai với người trồng mai cũng giống như bạn tâm giao. Vườn mai tươi tốt cũng là vượng khí của mỗi gia đình. Bởi vậy, không ít trường hợp khi chủ nhân đau ốm, vườn mai lập tức trở nên xơ xác tiêu điều.

Cũng có trường hợp đáng tiếc như ông Đặng Khả, có cây mai mà có người đến hỏi mua, trả giá tới 300 triệu đồng nhưng ông không bán. Trong một lần xây nhà, do không cẩn thận, để xi măng chảy xuống gốc mai, khiến cây mai héo khô rồi chết. Thế mới biết, trong quá trình ươm, chăm sóc mai, cần nhiều thời gian và công sức như thế nào.

Ông Nguyễn Đăng Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa, nói: “Hiện nay, thời tiết rất thuận lợi, mai sẽ nở đúng dịp Tết. Được các nghệ nhân truyền đạt, nhiều người trong nghề đã giữ được nét đẹp của làng. Cuối năm 2018, làng mai Điền Hòa được công nhận là làng nghề truyền thống. UBND xã  Điền Hòa đã tuyên truyền người dân cố gắng chăm sóc mai, cung cấp phân bón, dạy các khóa học kỹ thuật phòng chống sâu bệnh cho mai...”.

Ngày 28.12.2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định công nhận Làng nghề Mai cảnh Thế Chí Tây là làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo thống kế của Hội Mai cảnh Điền Hòa, năm 2019, toàn xã có hơn 1.000 chậu mai kiểng có độ tuổi từ 10 - 15 năm. Hầu như hộ gia đình nào cũng trồng hoa mai, nhà trồng ít nhất 30 - 50 cây, nhà nhiều đến hàng trăm cây, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Mỗi chậu mai cảnh có giá từ 3 triệu đồng trở lên, dạng “lão mai” có giá từ 50 - 100 triệu đồng, có những cây lên đến 300 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.