Hiện nay, tranh dân gian cũng như hoa tết đã được đa dạng hóa rất nhiều, nhưng vẫn còn những người giữ thú chơi truyền thống mà rõ nhất là thú chơi đào, thủy tiên.
Tranh chuột vinh quy, tượng chuột ngọc
Họa sĩ Lê Thiết Cương và nhóm họa sĩ G39 vẫn giữ thói quen mở triển lãm và bán tranh tết thường niên. Họ đã mở chợ tranh như vậy qua nhiều năm ở chợ Hàng Da, ở nhà riêng và năm nay tại không gian +84 Ngô Văn Sở (Hà Nội). Những bức tranh vẽ con giáp năm nay của G39 có nhiều phong cách. Bên cạnh tranh, họ còn mở thêm gian cho gốm. Rất nhiều bình gốm do các họa sĩ sáng tác được bày tại đây. Đặc biệt, năm nay họa sĩ Lê Thiết Cương và Ngọc Décor cùng kết hợp làm một tác phẩm điêu khắc vàng trên ngọc. “Tất nhiên là tôi vẫn giữ phong cách tối giản của mình. Vì thế, con giáp Tý trên ngọc thậm chí còn không có râu. Tôi dùng hình khối để thể hiện ra đúng con chuột nhanh và thông minh”, ông Cương chia sẻ.
Hiện tại, các tác phẩm trưng bày này rất hút khách. “Ngày nào triển lãm cũng có rất đông khách đến xem, đến mua. Tôi đã bán được hơn chục bình gốm và chục bức tranh trong 2 ngày đầu. Những ngày sau lượng mua cũng ổn định. Tuy nhiên, do xác định thời gian này chủ yếu người Việt mua nên giá cả cũng phải hợp lý. Nói chung, giá thấp đi một chút mới bán được nhiều”, ông Cương chia sẻ. Điều ông cũng như Ngọc Décor và nhóm G39 mong muốn là thiết lập một thị trường tác phẩm tết cho công chúng trong nước.
Trong khi đó, một “sàn tranh” khác cũng rất thu hút khách. Đó là sàn của những bức tranh dân gian do nhà nghiên cứu Nguyễn Thu Hòa và họa sĩ Nguyễn Đức Hòa tổ chức. Nếu như họa sĩ Nguyễn Đức Hòa là người tạo mẫu tranh mới cho dòng tranh dân gian Kim Hoàng thì bà Thu Hòa lại là “tổng chỉ huy” để những tác phẩm này có thể ra đời, tới tay người xem. “Khi sản xuất và bán mới thấy những mẫu tranh Kim Hoàng rất được công chúng yêu thích. Thậm chí, chúng tôi phải chuẩn bị trước vài tháng mà tới tết vẫn không đủ bán”, bà Hòa nói.
Năm nay, mẫu tranh được kỳ vọng nhất mà nhóm bà Hòa đưa ra là bức Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau. Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa cho biết: “Khi vẽ mẫu tranh Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau, tôi đã lấy cảm hứng từ tranh Đám cưới chuột của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Cách đây mấy thế kỷ, các nghệ nhân Đông Hồ đã tạo ra một bức tranh đầy ý nghĩa, thậm chí nhiều tầng ý nghĩa cho dân gian thưởng thức. Đáng chú ý là đến tận bây giờ, thế kỷ 21, chúng ta vẫn còn thưởng thức và suy ngẫm...”.
|
Cũng theo ông Hòa, khi làm bức tranh này ông đã phải dựa trên tư liệu trang phục thời Nguyễn vẫn còn lưu trữ và nguồn phim ảnh của Pháp thời Pháp thuộc. Ông cũng phải nghiên cứu ngựa đá gác lăng các quận công thời vua Lê chúa Trịnh, hiện còn khá nhiều ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Bảo tàng Nam Định... Tác phẩm vì thế có tiết tấu vui và ấm áp khi quan trạng Chuột đón vợ về.
Hoa lạ, hoa xưa
Trong khi tranh tượng đắt hàng cả tranh mới vẽ lẫn tranh truyền thống thì hoa cũng vậy. Có hai xu hướng chơi cây, chơi hoa song song tồn tại với nhau. Một là chơi những loài hoa mới, hoa nhập. Hai là chơi những loại hoa truyền thống vốn đã quen thuộc hàng trăm năm với tết xưa.
Ông Quốc Dũng (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tỉa củ thủy tiên thành nhiều đợt trong suốt 2 tháng qua. “Tôi tỉa không phải chỉ cho mình mà còn tỉa tặng bạn bè. Chơi thủy tiên thích nhất là mong ngóng để hoa nở đúng giao thừa. Năm nay đã là năm thứ 5 tôi chơi thủy tiên. Còn nhớ năm đầu tiên hồi hộp vô cùng. Chỉ mỗi chuyện nhớ để thay nước cho hoa hằng ngày thôi mà tôi thấy căng thẳng, lúc nào cũng sợ mình quên”, ông Dũng nhớ lại.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ngày trước, người Hà Nội chỉ mua một số loại hoa trang trí truyền thống trong nhà. Tuy nhiên, hiện nay quá nửa cư dân ở Hà Nội sống tại chung cư, căn hộ nên nhu cầu của họ không cần quá nhiều. Họ chơi hoa, chơi cây nhỏ nhưng độc đáo, đắt tiền cũng được. Thậm chí, có bình hoa nhỏ đắt tới mức cùng số tiền đó họ có thể mua một bó hoa lớn bày trong nhà.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, năm nay xu hướng chơi hoa cắt cành ít hơn là mua các loại cây chậu. “Cây chậu với phần lá xanh làm không khí trong nhà tốt hơn. Thứ nữa, chậu cây độ bền cao. Thời tiết Hà Nội vào mùa hanh khô này rất khó chịu cho hoa. Dễ mốc ẩm và độ bền hoa cắt cành thấp hơn, nên người ta chơi hoa chậu nhiều hơn. Các cây mọng nước như bách niên thảo, hải đường chẳng hạn là những loại cây có độ bền cả tháng. Mua một lần bày cả tháng mà giá thành lại thấp. Một chậu cây như vậy từ 40.000 - 70.000 đồng”, ông Hùng nói.
Về hoa, người dân chỉ thích đặt hoa nghệ thuật làm quà biếu chứ ít mua về nhà. “Còn chơi hoa ở nhà, người trẻ lại thích chơi hoa cả cành với phong cách cắm tự nhiên, thả lỏng. Tông màu phối theo gout màu của người chơi. Họ rửa sạch sẽ cắm vào lọ hoa pha lê, thủy tinh, gốm các loại. Bây giờ, có loại dưỡng chất nhập khẩu từ Hà Lan. Hoa dùng dưỡng chất này tươi và có độ bền gấp đôi. Cúc đại đóa thường cúng 1 tuần, nhưng dùng thuốc dưỡng đó thì đến nửa tháng vẫn tươi”, ông Hùng cho biết.
Những cuộc trở về
Cũng theo ông Hùng, song song với đào truyền thống, hoa lan là một loại hoa được mua nhiều. Lan nhập khẩu, lan Đà Lạt, lan do các doanh nghiệp nước ngoài trồng ở nước ta. “Lan giờ trồng công nghiệp cũng dễ chăm sóc. Sắc màu và dáng cây cũng mảnh mai, hợp với chung cư hơn những cành đào to. Thay vào đó, người dân cũng thích những cành đào nhỏ. Hoặc những căn hộ có ban công đẹp thì có thể có đào dáng huyền. Nó sẽ đẹp nhẹ nhàng hơn. Ở Nhật Tân cũng có những nhà trồng đào rừng chiết cành và ghép ở Hà Nội. Thân sẽ không cỏ như trên núi nhưng đổi lại hoa đẹp”, ông nói.
|
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết ông từng thấy nhiều chậu lan ngoại nhập có giá 85 triệu đồng, tuy nhiên những chậu hoa như vậy không mang cảm giác nhiều về tết. Trong khi đó, những loại hoa khác mang cảm giác đó tốt hơn nhiều. “Hoa đào phía bắc, hoa mai phương nam, cúc chi ở Sa Đéc… Ở miền nào cũng có hoa đặc trưng tết và không nhất thiết phải nhập hoa tết đắt. Không phải cứ cái gì ngoại là hay, là đẹp, là thể hiện được tết. Vì thế, tôi vẫn thích những loại cây truyền thống này vào dịp tết hơn cả. Các gia đình có thể vẫn trưng hoa ngoại nhưng nhất thiết nên có hoa truyền thống để tạo không khí nguyên đán trong nhà”, ông nói.
Ông Cương cũng đánh giá cao sự trở lại của những người trẻ học gọt thủy tiên. “Tôi nghĩ những người trẻ như thế không chỉ gọt hoa thủy tiên mà còn cả những người tới gặp mẹ tôi (một nữ họa sĩ gốc Hà Nội rất khéo léo trong gia chánh - PV) để học làm bánh. Đó là một gạch nối. Bà dạy làm cuốn, tôm rang thế nào, thịt ba chỉ ra sao… Trong gạch nối truyền thống hiện đại, quan trọng nhất là những người trẻ”, ông Cương nói.
Bình luận (0)