Ngày 16.2, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức cuộc họp thông tin về giống thanh long ruột đỏ LĐ 1 với sự tham gia của các bên liên quan.
Chỉ bảo hộ giống ở Nhật Bản và Hàn Quốc
Nguyên nhân cuộc họp này là do thời gian gần đây, có một số doanh nghiệp thu mua sản phẩm thanh long ruột đỏ xuất sang Nhật Bản nhưng không được phía Nhật chấp nhận vì quy trình thủ tục thiếu giấy chứng nhận bảo hộ giống. Không chỉ Nhật Bản, thị trường Hàn Quốc cũng chỉ cấp phép nhập khẩu sản phẩm thanh long được bảo hộ giống. Điều này tương tự như hoạt động xuất khẩu hoa tươi của Việt Nam đi Nhật Bản và các nước khác. Tuy nhiên, thay vì hợp tác với đơn vị nắm bản quyền để cùng nhau phát triển thì một số đơn vị lại tung tin thiếu khách quan gây rối loạn thị trường.
Bà Thoa Nguyễn, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết: "Ngoài việc đầu tư tiền mua bản quyền giống thanh long LĐ 1, chúng tôi còn hợp tác với bà con nông dân và bao tiêu sản phẩm theo các quy định và tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản. Hiện nay, có một số công ty xuất khẩu sản phẩm thanh long sang thị trường này nhưng không đảm bảo chất lượng là điều rất đáng lo ngại. Chúng tôi mua bản quyền giống nhưng chỉ bảo hộ bản quyền với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng tôi chia sẻ bản quyền với tất cả các đơn vị khác ở những thị trường còn lại, kể cả Trung Quốc".
Bà cho biết thêm, đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, doanh nghiệp, hợp tác xã hay bà con nông dân nếu có nhu cầu có thể liên hệ với bà để được cấp xác nhận bản quyền giống với mức phí là 30 đồng/kg cho số lượng đơn hàng từ 5.000 - 15.000 tấn. Từ 15.000 - 25.000 tấn, mức phí 20 đồng/kg và từ trên 25.000 tấn, mức phí sẽ 10 đồng/kg.
Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp và hợp tác xã cho rằng, Viện Cây ăn quả miền Nam là cơ quan khoa học của Nhà nước, sản phẩm làm ra phải thuộc sở hữu của Nhà nước và cho người dân sử dụng miễn phí. Việc chuyển giao cho đơn vị tư nhân có đúng quy định pháp luật không, hay doanh nghiệp có nhu cầu xác nhận bảo hộ giống với sản lượng dưới 5.000 tấn thì phí bảo hộ là bao nhiêu? Thậm chí, có ý kiến lo ngại đơn vị sở hữu bản quyền sẽ từng bước độc quyền xuất khẩu, vì vậy, đề nghị Hiệp hội Rau quả Việt Nam cần đứng ra trả lại tiền bản quyền cho Hoàng Phát Fruit…
Cần tôn trọng bản quyền trên tinh thần hợp tác
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận xét: Trong thời gian qua, xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản chỉ có 2 doanh nghiệp và số lượng hàng cũng không nhiều. Đơn vị sở hữu bản quyền giống là Hoàng Phát đưa ra mức phí cao nhất là 30 đồng/kg, tương đương với khoảng 1,5 USD/tấn hàng là không lớn so với chi phí họ bỏ ra. "Điều này cũng giống hoa Đà Lạt xuất khẩu và xu thế tất yếu của nhiều loại nông sản khác. Tôi nghĩ chúng ta cần có thái độ tôn trọng bản quyền. Bên cạnh đó, cần có chế tài đối với các đơn vị nhận bảo hộ bản quyền mà xuất khẩu sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm thanh long Việt Nam", ông Nguyên nói.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, giải thích: Năm 2017, hoạt động thương mại hóa sản phẩm khoa học nông nghiệp với giống thanh long LĐ 1 có giá trị chuyển nhượng lên đến 5 tỉ đồng là sự kiện chấn động. Việc thương mại hóa sản phẩm khoa học là vô cùng cần thiết và quan trọng vì đây cũng là cơ sở để phát triển các nghiên cứu khoa học khác. Đến thời điểm này, có thể khẳng định hoạt động chuyển giao bản quyền từ Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho một đơn vị tư nhân hoàn toàn đúng theo các quy định pháp luật. Trong đó có các tiêu chí về tránh độc quyền và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. "Hoàng Phát Fruit nên có văn bản gửi đến cơ quan chức năng các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc thỏa thuận và tuyên bố chỉ bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LĐ 1 ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc để bà con nông dân và các đơn vị khác yên tâm sản xuất.
Theo các chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng, có hơn 90% trái thanh long của Việt Nam được xuất sang thị trường Trung Quốc. Riêng thị trường Nhật Bản chỉ khoảng 2.000 tấn/năm, chính vì vậy việc bản quyền thanh long ruột đỏ sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thanh long trong thời gian tới.
Điều đáng tiếc là tại cuộc họp, một số doanh nghiệp đã tố cáo nhau xuất hàng kém chất lượng nên bị phía Nhật cấm xuất khẩu hay có doanh nghiệp bán phá giá… Ông Cường nhắc lại câu chuyện xuất khẩu cá tra những năm trước và đề nghị các doanh nghiệp ngồi lại, hợp tác cùng phát triển vì hình ảnh sản phẩm và cả đất nước, con người Việt Nam.
Bình luận (0)